Hòa thượng Thích Giác Toàn: Chữa lành tâm sân hận
Trong kinh Hoa nghiêm Đức Phật có dạy: 'Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai', nghĩa là khi có một ý niệm sân hận khởi lên mà chúng ta không tự kiềm chế, không tự khắc phục, thì sẽ có vô vàn chuyện khó khăn, đau khổ, chướng ngại phát sinh.
Hiểu về tâm sân hận
Hận hay giận dữ là một trạng thái tâm lý rất thông thường của con người. Hầu như ai cũng từng nổi giận vào một thời điểm nào đó, với một mức độ nhất định khi gặp phải những đối tượng hay hoàn cảnh trái ý, nghịch lòng với chúng ta. Chúng ta dễ dàng cảm nhận được trạng thái tâm lý của chính mình, nhất là khi đã là Phật tử hay người xuất gia. Những trạng thái vui, buồn, mừng, giận, thương, ghét của bản thân mỗi người thường sẽ được thấy rất rõ. Bản thân Sư cũng vậy, có thể nhận biết được tiến trình, từ khi cơn giận sinh khởi, cho đến giận vừa vừa, rồi đến giận nhiều mỗi khi cơn giận nổi lên.
Là người học đạo, nghe kinh, chúng ta phải lấy giáo pháp của Phật làm tấm gương soi chiếu tâm tánh của chính mình; nhất là đối với tâm sân hận, si mê, phải thường xuyên để ý và soi sáng để nhận biết chúng.
Theo luận Câu-xá và luận Thành duy thức, sự nổi giận, sự ghét bỏ đối với những ai đi ngược lại tình cảm của mình, khiến cho thân tâm không an ổn thì gọi là sân.
Khi thấy, nghe, biết hay đối diện với việc gì trái với lòng mình thì liền nảy sinh sự buồn rầu, bất an. Sự bất an đó hiện lên từ tâm tánh nóng giận bên trong mỗi người. Theo bộ Pháp tụ, sân hận được định nghĩa là sự nóng nảy, sự hãm hại, sự đối lập, sự chống đối, sự hung dữ, sự lỗ mãng, sự không hoan hỷ của tâm.
Mỗi người cần chú ý để thấy rõ trạng thái tâm đó nơi chính mình. Sự sân hận thường bộc lộ ra bên ngoài, nên người khác dễ dàng phát hiện. Chúng ta cần biết rằng, tâm sân nơi mỗi người là sự cản trở rất lớn trên con đường tu học Phật pháp, nên kinh luận luôn nhắc nhở, phải đề phòng tâm này. Luận Đại trí độ dạy rằng, tác hại của sân thì sâu nặng nhất trong ba độc tham-sân-si, trong các kiết sử thì sân bền chặt nhất. Trong các thứ bệnh của tâm thì sân là bệnh khó trị nhất.
Một số nhà tâm lý học mô tả sân hận được biểu hiện với cặp mắt đỏ ngầu. Biểu hiện của sân ở đa số mọi người là giống nhau. Người không biết tu, khi giận mặt cũng đỏ ngầu. Người Phật tử hay ngay cả người xuất gia, họ vẫn có những lúc tức giận và khi giận lên thì mặt cũng đỏ ngầu, trông rất dữ tợn. Khuôn mặt của người có tu tập thì bình thường trông sẽ hiền hậu hơn, nhưng khi giận dữ thì cũng khó coi như mọi người. Chúng ta phải chú ý điểm này.
Thời đại ngày nay văn minh, tiến bộ, công nghệ quay phim, chụp ảnh đã rất phát triển. Những hình ảnh diệu kỳ của thế giới con người, loài vật hay thiên nhiên đã được tình cờ ghi lại. Chúng ta cũng nên tận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ đó để ghi lại khuôn mặt của chúng ta lúc tức giận, để rồi tự xem lại khuôn mặt của mình khi giận dữ ra sao? Lúc đó, ta sẽ thấy được sự xấu xí, khó coi của mình khi giận. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ cẩn thận hơn và làm chủ cảm xúc của mình mỗi khi giận dữ bộc phát, rồi dần dần ta sẽ bỏ bớt sự giận dữ.
Đối với các bậc cha mẹ, bình thường họ rất thương con. Trên thế gian không ai thương con bằng cha mẹ cả. Thế nhưng, khi họ tức giận con cái thì trông họ cũng rất khó coi, đáng sợ. Ngay cả người xuất gia cũng vậy, khi giận dữ lên cũng rất dễ có những ứng xử khó coi với người khác. Người sân hận có một vài biểu hiện rất khó coi như chửi bới, nghiến răng, bậm môi, đấm ngực, gây gổ, đánh nhau, giết hại... Có một số người thể hiện sự giận giữ một cách âm thầm, họ không phô trương, không thể hiện ra ngoài mà chỉ ngồi im lặng, mặc dù trong lòng đang đầy sóng gió. Kể cả không thể hiện ra, nhưng lúc đó người đang sân hận cũng không dễ chịu hay thân thiện chút nào. Đối với những người thân xung quanh mình, bình thường họ rất dễ thương nhưng khi sân hận thì họ cũng sẽ rất đáng sợ, khiến người khác ngán ngẩm: “Người thân của tôi hôm nay sao mà ngộ quá!”. Cho nên, mỗi người phải thường xuyên quán sát, đừng để cơn giận làm mình xấu đi trong mắt người khác, đừng để tâm sân hận làm tổn thương mình và những người xung quanh, gây cản trở việc tu tập.
Những điều lợi và bất lợi của tâm sân hận
Khi nổi giận, chúng ta cảm thấy mình có sức mạnh. Bình thường có khi chúng ta rụt rè, nhút nhát nhưng khi nổi giận mình cảm thấy như có sức mạnh và có thể chế ngự người khác. Chẳng hạn, một bà mẹ khi bực tức liền quát lên thì mấy đứa con mới chịu im lặng, không quậy phá. Mặt khác, nổi giận với chính những khuyết điểm của mình có thể giúp chúng ta thay đổi và phát triển nội lực. Nổi giận còn có thể giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh đối chọi với những bất công, đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của mình và người khác. Ngoài ra, nổi giận cũng là cách để giải tỏa bớt bức xúc và căng thẳng, nhưng đây không phải là cách lâu bền.
Ngài Đạt-lai Lạt-ma nói rằng, nếu quan sát tâm sân hận, ta sẽ có cảm tưởng sân hận khởi lên như một người bảo hộ, một người bạn để giúp chúng ta trả thù lại những người đã hãm hại chúng ta. Nhưng thật ra đó chỉ là một ảo tưởng. Chúng ta thấy rằng, khi ta thể hiện sự giận dữ với người bạn thân của mình, lúc đó những người theo phe của mình họ sẽ đồng tình ủng hộ và đứng về phía mình. Những lúc như vậy ta sẽ cảm thấy vui, vì có người đồng hành chống lại đối tượng làm chúng ta giận. Cơn giận đôi khi cũng đóng vai trò của một người bạn như vậy, nhưng thực chất đó chỉ là một ảo tưởng đánh lừa chính bản thân mình. Trong kinh Oán gia, số 129 thuộc Trung A-hàm, Đức Phật có đề cập đến bảy điều xảy ra đối với một người hay sân hận, cụ thể như sau:
Thứ nhất, oán gia thì không muốn oán gia có sắc đẹp. Khi đã không thích ai, chúng ta sẽ không chấp nhận họ có sắc đẹp. Mặc dù người đó có sắc đẹp thật đi nữa, nhưng khi nghe ai khen người đó có sắc đẹp thì chúng ta cũng không thích, đôi khi còn muốn người đó nhất định phải xấu mới chịu. “Vì sao oán gia không muốn oán gia có sắc đẹp? Tại vì người hay sân nhuế thì dễ bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không xả bỏ sân nhuế, thì người ấy tuy luôn tắm gội, dùng danh hương thoa mình, nhưng sắc thân vẫn xấu. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế”.
Do vậy, chúng ta hãy chú ý tâm mình, khi ta bị tâm sân hận cột trói thì hãy nghĩ tới quả xấu của tâm sân hận. Khi bị chi phối bởi sân nhuế, cho dù chúng ta có tìm mọi cách tắm gội, dùng hương hoa thơm ngát để trang điểm thì mình vẫn xấu xí. Ví như khi chúng ta làm bánh, vì sự tiết kiệm mà chọn loại bột dở, có giá rẻ để làm bánh thì bánh không thể nào ngon được. Với tâm sân nhuế thì cho dù có làm gì cũng không thể đẹp lên được. Khi biết được lời dạy này của Đức Phật, chúng ta phải quán sát sâu xa, để hiểu rõ được tác hại của sân nhuế. Có như vậy chúng ta mới xả bỏ được tâm sân hận sâu dày nhiều đời nhiều kiếp. Do sự chi phối của tự ngã, chúng ta rất dễ nổi giận vì những điều bất như ý xảy ra xung quanh. Nếu suy xét kỹ lưỡng thì ta sẽ nhận thấy rằng, càng sân hận chỉ càng làm hại chính mình, tự mình gieo nhân xấu. Gieo nhân xấu thì làm sao có được quả đẹp. Như khi sắp đến Tết, ai cũng muốn kiếm cho mình những hạt giống hoa thật tốt, nhằm gieo xuống để có được những cây bông thật đẹp. Còn nếu không chọn những hạt giống tốt để gieo trồng mà muốn cho cây hoa đẹp thì làm sao có được.
Như vậy, thân tướng đẹp hay xấu, tâm tánh thiện hay ác là do chính bản thân mỗi người quyết định. Không phải tại cha mẹ, tại cuộc đời hay tại bất cứ ai. Nếu chúng ta gieo hạt giống tốt thì sẽ được quả tốt đẹp và ngược lại. Khi nhận ra bản chất vấn đề như vậy cùng với sự phát tâm dõng mãnh, quyết tâm từ bỏ những nghiệp xấu ác từ nhiều đời thì chúng ta mới có cơ hội từ bỏ tâm sân hận. Nếu không sẽ rất khó để từ bỏ chúng, bởi lẽ nó là ác tâm có gốc rễ sâu dày. Nhận diện được vấn đề thì ta mới tu tập được. Việc tu tập chỉ dễ với những người tinh tấn và quyết tâm, còn sẽ rất khó nếu ai không quyết chí tu hành.
Thứ hai, oán gia thì không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành. Tâm sân hận của chúng ta thật sự quá xấu xa. Mặc dù nhà của ai thì người đó ngủ, không liên quan gì nhau cả. Thế nhưng khi sân hận, oán ghét một ai đó thì ngay cả giấc ngủ của họ mình cũng không muốn họ được yên ổn. Hãy nhớ lời ông bà mình dặn rằng “giận quá, mất khôn”. Đừng để cơn giận che mất tâm trí rồi tạo ra các nghiệp ác. “Vì sao oán gia không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành? Người hay sân nhuế, bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì người ấy tuy nằm trên giường vua, trải bằng thảm lông chim, phủ bằng gấm vóc lụa là, có nệm mềm, hai đầu kê gối, được phủ bằng thảm quý, bằng da sơn dương, nhưng giấc ngủ vẫn âu lo, đau khổ. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế”.
Khi ai đó bị sân nhuế chi phối thì cả ngày, từ sáng tới tối, đều sống trong sân hận, bực tức. Có khi cả giờ ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật cũng bị sân hận bám theo. Phật dạy các Tỳ-kheo “Hãy luôn du hành vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc của chư Thiên và loài người” chứ không được giận tức gì ai cả. Khi giận tức chúng ta đã quán tưởng, nguyền rủa chúng sinh, cầu bất an đến với họ, cầu sự xui rủi đến với họ, cho nên quả xấu lại trả về cho bản thân chúng ta. Quý vị phải chú ý để tránh điều này, không nên cầu cho người khác bất an, không sân hận, ganh ghét, đố kỵ. Có như vậy, tâm ta mới bình an, yên ổn, cho dù có ở chòi tranh cũng cảm thấy an vui.
Thứ ba, oán gia thì không muốn oán gia có lợi lớn. “Vì sao oán gia không muốn oán gia có lợi lớn? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì người ấy đáng lẽ được lợi, hai điều ấy không trái nhau, thật là bất lợi lớn. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế”. Khi bị tâm sân chi phối, chúng ta không muốn oán gia của mình được hưởng lợi, có phúc và ăn nên làm ra. Ta chỉ muốn người đó luôn gặp chuyện xui rủi và bất lợi, kể cả nghe ai kể về người đó được điều lợi gì thì lòng mình cũng sanh bực tức.
Thứ tư, oán gia thì không muốn oán gia có bằng hữu. “Vì sao oán gia không muốn oán gia có bằng hữu? Người hay sân nhuế bị tác động bởi tâm sân nhuế, bị chi phối bởi tâm sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì người ấy nếu có bằng hữu thân thiết, họ cũng tìm cách lánh mặt bỏ đi. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế”. Một điều hết sức hiển nhiên là nếu ta bị tâm sân nhuế chi phối, thì ta không muốn người mà mình ghét có được bằng hữu tốt. Khi nghe người đó có được bạn bè tốt thì mình cũng sanh tâm bực tức. Cho nên, khi nổi tâm sân hận, ý muốn bất thiện như vậy phát khởi thì hãy nhớ lại lời dạy của Phật, thực tập chánh niệm, theo dõi hơi thở, làm chủ cảm xúc để từ đó cơn giận không có cơ hội phát triển, thay vào đó nó sẽ nguội dần và dần mất hẳn.
Thứ năm, oán gia thì không muốn oán gia có sự khen ngợi. “Vì sao oán gia không muốn oán gia có sự khen ngợi? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, người ấy danh ô tiếng xấu đồn khắp. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế”. Khi tâm sân hận chi phối, chúng ta cũng không muốn người mình ghét được người khác khen ngợi. Đôi khi có người thứ ba tới kể với mình về những điều tốt đẹp của người đó thì mình cũng không ưa. Mặc dù những chuyện tốt đó là có thật, chính mình cũng biết nhưng vẫn sinh tâm đố kỵ, ganh ghét bởi tâm ta lúc ấy đang bị cột trói bởi tâm sân nhuế. Chúng ta phải thường xuyên nhìn lại tự thân, nuôi dưỡng lòng từ, thực tập tâm hỷ xả… mới có thể từ bỏ được tâm xấu này. Phải chú ý nuôi dưỡng tâm thuần thiện, để tâm đó trở nên “bất tử” trong cuộc sống, thì những gì xấu ác, quấy nhiễu không đến với mình. Khi đã thuần thiện rồi thì điều xấu ác không có điều kiện có mặt, vì nhân của mình tạo ra là nhân tốt. Nếu không chú ý điều này, chúng ta sẽ dễ xem sự sân hận là bình thường. Như vậy thật nguy hiểm, vì chúng sẽ nuôi dưỡng ác tâm của mình càng sâu nặng hơn.
Thứ sáu, oán gia thì không muốn oán gia được giàu sang. “Vì sao oán gia không muốn oán gia quá giàu sang? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, người ấy tạo nghiệp thân, khẩu, ý như vậy khiến mất nhiều tài vật. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế”. Thật vậy, khi ghét ai, ta luôn muốn sự nghiệp của họ bị tiêu tán, nhưng quả báo của tâm ác đó lại xảy đến với mình, do sân nhuế chi phối mà chính mình lại mất đi nhiều tài sản.
Thứ bảy, oán gia thì không muốn để oán gia khi thân hoại, mạng chung được đến chỗ an lành, hay sanh lên cõi trời. “Vì sao oán gia không muốn oán gia đến chỗ an lành? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thân khẩu ý tạo ác nghiệp. Người ấy sau khi thân, khẩu, ý tạo ác nghiệp, thân hoại mạng chung chắc chắn đến chỗ ác, sanh trong địa ngục. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế”. Đời sống và nghiệp báo của ai thì người đó chịu. Chúng ta dù có mong cầu họ được an lành hay gặp điều bất an đi nữa thì nghiệp họ đã gieo cũng phải tự mình trả. Khi bị sân nhuế chi phối, ta chỉ mong cầu cho họ đoản mệnh, lại cầu cho họ chết xuống bị đọa vào cõi dữ. Thế nhưng, nghiệp của họ nào đâu ảnh hưởng bởi mong cầu của ta, chỉ có chính mình bị sân nhuế làm hại rồi tự đọa vào cõi dữ mà thôi. Chớ nên có ý niệm sân hận với người, bởi lẽ có niệm sân thì chính mình bị thiêu đốt trước.
Công đức của việc đoạn trừ tâm sân hận
Trong kinh Thập thiện nghiệp đạo Đức Phật có dạy về tám món công đức của người làm chủ được tâm sân hận. Tám món đó là:
Tâm không tổn não. Do vì ta không phí sức lực, phí thời gian trong những suy nghĩ tiêu cực, làm tổn hại, phiền muộn đến thân tâm.
Tâm không giận hờn. Chúng ta cần chú ý tu tập điểm này, không nên giận hờn ai cả, ở bất cứ nơi nào hay bất cứ người nào cũng không nên giận hờn. Nếu không kiểm thúc thì sẽ dẫn đến những cơn giận hờn vô cớ, để rồi tự đem buồn bực vào tâm, từ đó những việc thiện lành mà mình đang làm, sắp làm có thể bị chặn đứng lại bởi sự bực tức của mình.
Tâm không tranh giành. Khi đã tu học Phật pháp, chúng ta hiểu được nhân quả nghiệp báo là của mỗi người. Phước của ai người đó hưởng, tội của ai người đó chịu. Thế nên, nếu có tranh giành thì ta cũng sẽ không được gì khi những thứ đó vốn dĩ không phải là của mình.
Tâm được nhu hòa, ngay thẳng. Khi làm chủ được tâm sân thì tâm chúng ta trở nên nhu hòa, ngay thẳng, mọi người sẽ cảm nhận và gần gũi với mình.
Tâm được từ bi như Phật. Tình thương của Đức Phật không phân biệt người hiền thiện hay kẻ xấu ác, ai Ngài cũng cứu độ. Khi tình thương trong tâm ta lớn mạnh, nó có khả năng chặn đứng tâm sân hận, đem lại sự bình an cho tự thân và những người xung quanh. Điều này đòi hỏi sự công phu tu tập mỗi ngày và thực hành rải tâm từ đến với mọi loài chúng sanh.
Tâm thường làm lợi ích và an ổn cho chúng sanh. Tâm không sân hận, không ghét ai hết thì người ấy luôn đem lại điều lợi ích cho mọi người, khiến ai cũng hoan hỷ khi tiếp xúc nói chuyện. Đó cũng là pháp tu bố thí. Bố thí ở đây chính là sự “thí vô úy”, đem sự không sợ hãi, những điều an lành tốt đẹp cho chúng sanh, cho những người mà mình gặp gỡ, giao tiếp.
Thân tướng được trang nghiêm, mọi người đều tôn kính. Người không bị tâm sân hận chi phối thì thường có thân hình đoan chánh. Người xuất gia sống trong chánh niệm tỉnh giác, làm chủ cảm xúc, tâm không bị phiền muộn cột trói thì vẻ đẹp đoan chánh, đức hạnh trang nghiêm biểu lộ ra bên ngoài, khiến người khác kính trọng và quý mến.
Có đức nhu hòa nhẫn nhục, sau được sanh lên cõi trời Phạm thiên. Khéo học, khéo tu, khéo kiểm soát hành vi của thân-miệng-ý mỗi ngày thì chúng ta sẽ dần buông bỏ sự chấp trước vào thân khi ai đó đem những điều chướng tai, gai mắt đến với mình. Mỗi ngày mỗi huân tập hạnh kham nhẫn, sống có giới hạnh, biết đón nhận mọi thuận duyên và chướng duyên với tâm định tĩnh, khi thực tập lâu dần như vậy, chúng ta sẽ có đức tính nhu hòa nhẫn nhục. Người không sân giận, hằng sống với niệm từ bi hỷ xả thì vị ấy thành tựu được phước báu lớn, sẽ tái sanh cõi thiên sau khi thân hoại mạng chung.
Phương pháp chuyển hóa tâm sân hận
Có người nói rằng: “Con nghe các thầy đọc kinh, giảng kinh thì rất thích thú. Nhưng không biết làm thế nào để bỏ được tâm sân hận. Khi nghe thì tâm ý muốn từ bỏ sân hận, nhưng khi đối diện với nguồn cơn thì tâm con tự nổi sân hận, rất khó kiểm soát”. Vậy làm sao để từ bỏ tâm sân hận?
Trong kinh Thủy dụ, phẩm Xá-lê tử tương ưng, thuộc Trung A-hàm, ngài Xá-lợi-phất đã dạy cách đối trị tâm sân hận như sau:
“Này chư Hiền, có một người thân hành không thanh tịnh nhưng khẩu hành thanh tịnh, thì chớ nên nghĩ đến thân hành không thanh tịnh của người kia, mà chỉ nên nghĩ đến khẩu hành thanh tịnh của người kia. Nếu người có trí, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như vậy.
Lại nữa, này chư Hiền, hoặc một người hoặc khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh thì đừng nghĩ về khẩu hành không thanh tịnh của người kia mà chỉ nghĩ đến thân hành thanh tịnh của người kia. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy.
Lại nữa, này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh thì chớ nên nghĩ đến thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, chỉ nên nghĩ đến tâm có chút thanh tịnh của người ấy. Này chư Hiền, nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy”.
Khi chúng ta gặp một người có những hành động mà bản thân mình không thích nhưng khi nghe nói chuyện thì chúng ta lại cảm mến, thì khi đó ta chỉ nên chú ý vào lời nói dễ mến của họ mà không nên chấp vào hành động khó coi của họ. Ngược lại, nếu người nào hay nói năng linh tinh, nhưng lại hay làm việc tốt thì ta chỉ nên chú ý vào những việc tốt mà người đó làm. Kể cả một người cả lời nói và hành động đều không tốt nhưng người đó lại có tâm muốn tu tập, ta chỉ nên chú ý đến tâm tốt muốn tu tập đó. Như vậy, chỉ cần chú ý vào những điều tích cực của người xung quanh thì chúng ta có thể bớt đi phần nào sự sanh khởi của tâm sân hận.
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh, nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Nếu người có trí thấy, nên nghĩ thế này: ‘Vị này thân, khẩu, ý hành không thanh tịnh, đừng để cho vị này do bởi thân, khẩu, ý hành không thanh tịnh mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Nếu vị này gặp thiện tri thức, sẽ bỏ thân hành, khẩu hành, ý hành không thanh tịnh để tu thân hành, khẩu hành, ý hành thanh tịnh. Do vậy, vị này sẽ do thân, khẩu và ý hành thanh tịnh, nên khi thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ, cho đến sanh thiên giới’. Đó là vị kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với vị này. Nếu người có trí mà sanh lòng hờn giận, nên đoạn trừ như vậy”.
Lời dạy trên của Đức Phật thật từ bi và trí tuệ. Dù chúng ta có gặp phải những đối tượng mà cả thân-khẩu-ý của họ đều bất thiện, có khả năng gây đau khổ cho những người xung quanh, nhưng với tâm niệm của một người biết tu, chúng ta không khởi niệm sân hận, không chống báng họ mà trái lại khởi bi tâm thương xót họ, bởi vì họ cũng đang đau khổ vì những hành động bất thiện ấy. Nhân của hiện tại như vậy thì chắc chắn quả của tương lai sẽ không tốt đẹp. Họ sẽ đọa lạc trong những cảnh giới khổ đau sau khi sự sống chấm dứt. Bậc trí giả hiểu lời Phật dạy như vậy cho nên vị ấy không bao giờ khởi tâm tức giận, trái lại vị ấy luôn thương xót, luôn mong muốn giúp đỡ, ủng hộ kẻ đó, luôn mong kẻ đó sớm gặp được thầy lành, bạn tốt hoặc gặp đủ duyên được nghe một lời kinh, một câu kệ giúp thức tỉnh hồi tâm. Bởi vì, chỉ có kẻ đó mới có thể thay đổi số phận, thay đổi hành động, lời nói, ý niệm của mình cho trong sáng thiện lành mà thôi. Điều này được Đức Phật dạy là “do vị kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với vị này”.
Như khi chúng ta đang đi giữa sa mạc và đang khát nước, có vài dấu chân của con lạc đà còn đọng nước. Lúc đó ta phải biết quỳ xuống, cúi miệng sát dấu chân mà nhấm chút nước còn đọng đó để giữ được mạng sống. Cho nên, cho dù một người xấu xa đến mức nào, nếu tìm được một điểm tốt thì cũng quý như giọt nước trên sa mạc, hãy nhìn nhận và trân trọng điều tốt ấy.
Thực tập thương xót hết thảy chúng sanh. Chúng ta phải biết rằng vì chúng sanh ấy đang bị vô minh, phiền não chi phối nên mới có hành động điên đảo, chọc giận và gây hại cho chúng ta. Chính vì vậy mà ta sẽ thương xót họ, vì họ còn vô minh, phiền não, khổ đau. Hơn thế nữa, khi ta giận, ta chính là người đáng thương nhất, cơn giận sẽ gây ảnh hưởng xấu, tổn hại đến chúng ta trước tiên.
Nhà Thiền có câu nói rằng: “Thật sự không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa bạn là ai. Chẳng lẽ khi bị con chó điên cắn một phát, bạn phải chạy đến cắn lại con chó đó một phát”. Việc cần làm khi bị chó cắn là đi tìm thuốc ngừa, chứ không phải là ở lại phân bua với con chó. Tâm sân hận lôi kéo chúng ta phải tìm cách trả đũa lại những người làm hại mình. Tuy nhiên, việc quan trọng hơn là chữa trị tổn thương, chứ không phải là cố gắng làm cho đối phương cũng đau khổ như mình.
Một hôm, khi Đức Phật đang ở gần thành Xá-vệ, một Tỳ-kheo đến và thưa với Đức Phật rằng, ngài Xá-lợi-phất xúc phạm ông mà không hề xin lỗi và đã bỏ đi du hành nơi khác. Thế nhưng, sự thật là khi ngài Xá-lợi-phất rời đi nơi khác để hành đạo, ngài có đi ngang qua vị Tỳ-kheo trẻ tuổi này, gió thổi y của ngài Xá-lợi-phất bay lất phất rồi quẹt phải vị Tỳ-kheo trẻ. Vậy mà vị Tỳ-kheo trẻ lại thưa với Phật là ngài Xá-lợi-phất có ý niệm xúc phạm đến mình. Khi sân hận, ganh ghét thì hay đặt điều nói thêm bớt như vậy. Thế rồi, Đức Phật cho người đi mời ngài Xá-lợi-phất về diện kiến. Khi được hỏi có phải ngài đã xúc phạm vị Tỳ-kheo trẻ tuổi và không xin lỗi mà bỏ đi du hành nơi xứ khác hay không, ngài Xá-lợi-phất đáp rằng, chỉ có một người thiếu chánh niệm mới làm điều đó và ngài trình bày tiếp ngài đã tu tập và cư xử như thế nào trong đời sống hàng ngày. Ngài đã sống học hạnh khiêm cung như đất, như nước, như lửa, như gió… Ngài thưa với Đức Phật rằng:
“Ví như, bạch Thế Tôn, trên đất, người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ bất tịnh, quăng phẩn uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không xấu hổ, hay không nhàm chán. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như đất, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xúc phạm một vị đồng Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, mà không có xin lỗi”. (Trích kinh Sư tử hống, thuộc Trung A-hàm).
Trong đời sống hàng ngày, ngài Xá-lợi-phất đã sống với hạnh khiêm cung như đất, như nước, như lửa, như gió. Nước rửa sạch các thứ bất tịnh, tuy vậy nước không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán. Lửa đốt các thứ tịnh và bất tịnh, tuy vậy lửa cũng không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán. Gió cũng vậy và đất cũng vậy. Với một tâm như đất, như nước, như lửa, như gió như vậy thì làm sao lại có thể xúc phạm đến người khác? Như vậy, ngài Xá-lợi-phất chứng minh đời sống hàng ngày luôn khiêm cung hòa nhã, làm sao có chuyện ngài xúc phạm ai mà không xin lỗi. Chỉ vì sự ganh ghét, đố kỵ mà vị Tỳ-kheo trẻ nói không thành có.
Sau đây, Sư xin chia sẻ một vài phương pháp cụ thể giúp chuyển hóa tâm sân hận:
Điều phục cơn sân giận bằng chánh niệm tỉnh giác. Thiền sư Ajahn Chah, một thiền sư nổi tiếng của Thái Lan thường dạy các đệ tử rằng: “Nếu người ta chửi con là chó, thì con hãy nhìn lại xem mình có cái đuôi không. Nếu con có cái đuôi thì họ nói đúng rồi. Còn nếu con không có đuôi thì cũng đừng lo lắng làm gì. Con không phải là con chó, vậy thì đâu có vấn đề gì?”. Lời dạy này có nghĩa rằng, khi đối diện với bất kỳ tác động nào của người khác, ta phải dùng chánh niệm để soi sáng, nhìn lại chính bản thân mình xem có thể khám phá được điều gì không. Chớ vội phản ứng với tác nhân bên ngoài, nếu không thì rất dễ bị lôi kéo theo hướng tiêu cực.
Xem những người làm cho chúng ta bực tức chính là những vị Bồ-tát đang thực hành nghịch hạnh. Trong tiến trình tu tập, đôi khi phải nhờ các vị Bồ-tát hành nghịch hạnh giúp ta thành tựu các Ba-la-mật. Khi thấy được như vậy, ta sẽ cảm ơn người gây ra sự khó chịu cho ta, bởi lẽ đó là một cơ hội thực tập, trải nghiệm.
Nhớ rằng, tất cả chúng sanh đều là những vị Phật sẽ thành. Đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Khi tưởng nhớ đến điều này, ta sẽ sanh tâm cung kính đối phương thay vì tức giận họ.
Niệm hồng danh một trong các vị Phật hoặc là Bồ-tát mà ta cảm mến, như Phật A Di Đà, Bồ-tát Quán Thế Âm. Khi niệm danh hiệu Phật, Bồ-tát, ta quay về chánh niệm nơi danh hiệu, có thể phớt lờ đi được đối tượng làm ta giận. Đây cũng là cách để tưởng nhớ đến công hạnh từ bi hỷ xả của chư Phật, chư Bồ-tát để noi theo, chuyển hóa cơn giận.
Quan sát hết thảy mọi pháp trên thế gian này đều là huyễn hóa, không thật. Khi biết các pháp là huyễn hóa, không thật thì cơn giận cũng vô thường, người làm ta giận cũng vô thường, không thật, thế thì ta còn giận cái gì nữa!
Kết luận
Trong kinh Hoa nghiêm Đức Phật có dạy: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, nghĩa là khi có một ý niệm sân hận khởi lên mà chúng ta không tự kiềm chế, không tự khắc phục, thì sẽ có vô vàn chuyện khó khăn, đau khổ, chướng ngại phát sinh. Và Đức Phật cũng đã dạy: “Nhất niệm sân tâm khởi, hỏa thiêu công đức lâm” (Một niệm sân tâm khởi, đốt trụi rừng công đức). Nếu không kiểm soát được cơn nóng giận, ta có thể nói hoặc làm những điều sai sót, để rồi khi bình tĩnh, ta sẽ thấy xấu hổ và ân hận vô cùng. Để ngăn ngừa tâm sân hận, chúng ta nên thay đổi cách suy nghĩ, từ thái độ tiêu cực và thù ghét sang thái độ tích cực và bình thản. Hãy cố gắng, đừng có tập trung vào những khía cạnh tiêu cực mà nên nhìn vào cả những khía cạnh tích cực của một vấn đề. Ngài Shantideva (Tịch Thiên) từng nêu ra một câu hỏi rất quan trọng: “Tại sao phải buồn bực vì một điều mà điều đó có thể thay đổi được, và có lợi ích gì khi buồn bực với những điều mà mình không thể thay đổi?”. Vâng, với những điều có thể thay đổi được thì chúng ta hãy cố gắng thay đổi nó theo hướng tốt lành; còn với những thứ không thể nào thay đổi được thì dù có buồn bực cũng không giải quyết được gì.