Hóa thạch tiết lộ loài kiến 'địa ngục' cổ nhất hành tinh
Một mẫu hóa thạch gần như bị bỏ quên tại bảo tàng Brazil vừa được xác định là loài kiến cổ nhất từng được ghi nhận – với tuổi đời lên tới 113 triệu năm. Không chỉ 'cổ nhất', loài kiến này còn có cách săn mồi kỳ dị, gợi nhớ đến… xe nâng thu nhỏ.
Được công bố trên tạp chí Current Biology ngày 24.4, phát hiện này được nhà nghiên cứu Anderson Lepeco bắp gặp khi ông rà soát bộ sưu tập côn trùng hóa thạch của bảo tàng vào tháng 9.2024, theo CNN.

Hóa thạch 113 triệu năm tuổi của một con kiến địa ngục. Ảnh: CNN
Mẫu vật được khai quật từ đá vôi thuộc tầng địa chất Crato Formation ở đông bắc Brazil – khu vực nổi tiếng với khả năng bảo tồn hóa thạch côn trùng ở trạng thái gần như nguyên vẹn.
Loài kiến mới được đặt tên là Vulcanidris crato, thuộc phân họ kiến địa ngục (Haidomyrmecinae), nay đã tuyệt chủng và không có họ hàng gần với bất kỳ loài kiến hiện đại nào.
Điểm đáng chú ý nhất nằm ở cấu trúc hàm hoàn toàn khác biệt: thay vì cặp hàm kẹp ngang như kiến hiện đại, Vulcanidris crato sở hữu cặp hàm hình lưỡi hái, mọc gần mắt và hướng ra phía trước – một đặc điểm giải phẫu chưa từng thấy ở bất kỳ loài kiến còn sống nào.
“Cấu trúc này có thể hoạt động như một loại xe nâng, di chuyển lên trên để tóm gọn con mồi”, Lepeco giải thích, đồng thời cho rằng hình thái đặc biệt này phản ánh các chiến lược săn mồi tinh vi mà kiến đã phát triển từ rất sớm trong lịch sử tiến hóa.
Khác với những mẫu kiến địa ngục khác thường được tìm thấy trong hổ phách tại Myanmar và Pháp, hóa thạch lần này được bảo tồn trong đá, điều cực kỳ hiếm với côn trùng.
Phát hiện này không chỉ giúp mở rộng hồ sơ hóa thạch về kiến thêm khoảng 10 triệu năm, mà còn cho thấy loài này từng phân bố rộng khắp hơn nhiều so với suy đoán trước đây.
Phil Barden, Phó Giáo sư tại Viện Công nghệ New Jersey, chuyên nghiên cứu lịch sử tiến hóa của côn trùng, dù không tham gia trực tiếp vào nghiên cứu, vẫn gọi đây là một phát hiện “rất đáng chú ý”.
Ông cho rằng việc mẫu vật này tồn tại cho thấy khả năng kiến đã xuất hiện sớm hơn nhiều so với mốc 100 triệu năm được ghi nhận trước đó – vấn đề lâu nay vẫn gây tranh cãi trong giới cổ sinh vật học.
Ngoài hàm, loài kiến cổ này còn mang nhiều đặc điểm giống ong bắp cày như hệ gân cánh dày đặc – một dấu vết tiến hóa cho thấy tổ tiên chung của hai loài.
Ảnh chụp cắt lớp 3D cho thấy Vulcanidris crato có họ hàng gần với những loài chỉ được biết đến trước đó thông qua hóa thạch hổ phách ở Myanmar.
Theo Lepeco, phát hiện này là minh chứng rằng ngay cả những loài kiến nguyên thủy cũng đã phát triển những đặc điểm giải phẫu và hành vi độc đáo để thích nghi và săn mồi hiệu quả trong hệ sinh thái cổ đại.