Hóa thạch khủng long mỏ vịt hé lộ quá trình di cư thời tiền sử

Mới đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Canada đã xác nhận tìm thấy hóa thạch khủng long mỏ vịt (Hadrosauroidea) đầu tiên tại Trung Quốc, hé lộ khả năng loài khủng long kích thước lớn này đã di cư từ Bắc Mỹ đến Trung Quốc.

Ảnh: Karen Carr

Ảnh: Karen Carr

Theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Historical Biology, các nhà cổ sinh vật học của Trung Quốc và Canada cho biết bộ xương hóa thạch niên đại 70 triệu năm phát hiện ở miền Nam Trung Quốc hồi năm 2009 là thuộc về bộ Lambeosaurini, một phân họ khủng long Hadrosauroidea ăn thực vật sống vào Kỷ Phấn Trắng (khoảng 145 triệu năm - 66 triệu năm trước).

Khủng long Hadrosauroidea nổi tiếng với cấu trúc miệng mỏ vịt đặc trưng, gồm hàng nghìn chiếc răng được sắp xếp hợp lý trong hàm, cho phép chúng khả năng nhai và nghiền nát thức ăn hiệu quả. Trong khi đó, bộ Lambeosaurini sở hữu cấu trúc hộp sọ độc đáo với xương mũi rỗng hẹp, có khả năng tạo ra âm thanh giống như tiếng kèn để giao tiếp.

Bộ xương hóa thạch bao gồm đốt sống lưng và đuôi, xương chi trước, xương chậu, xương đùi và xương chày. Nhóm nghiên cứu cho biết đã xác định được các gai thần kinh dài và hẹp trên mẫu hóa thạch, một đặc điểm cực kỳ hiếm. Tuy nhiên, các hóa thạch chủ yếu là xương rời rạc và không được bảo quản tốt, thiếu thông tin sinh học đáng kể về cấu trúc hộp sọ của loài khủng long này.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng những sinh vật này dài khoảng 8 mét song vẫn chưa trưởng thành hoàn toàn. Bộ xương được tìm thấy vào tháng 5/2009 tại một công trường xây dựng ở Thái Bình Cảng, thành phố Tứ Hội, tỉnh Quảng Đông.

Theo các nhà nghiên cứu, hóa thạch cho thấy đây là một nhánh khủng long Lambeosaurini có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, với gai thần kinh cao và hẹp, đặc điểm chung ở các loài khủng long Bắc Mỹ. Như vậy, đây là những chiếc xương hóa thạch Lambeosaurini đầu tiên được phát hiện ở miền Nam Trung Quốc và là bằng chứng duy nhất đến nay cho thấy khả năng di cư của khủng long Bắc Mỹ đến châu Á qua eo biển Bering vào cuối kỷ Phấn Trắng.

Phát hiện trên không chỉ làm phong phú thêm kiến thức của nhân loại về thế giới cổ đại mà còn giúp hiểu rõ hơn về quá trình di cư của loài khủng long. Nghiên cứu này cũng giúp mang đến thông tin về các điều kiện sinh thái trên khắp các khu vực khác nhau trước khi sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong thời kỳ cuối Kỷ Phấn Trắng.

PV

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoa-thach-khung-long-mo-vit-he-lo-qua-trinh-di-cu-thoi-tien-828467.htm
Zalo