Họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Quang Vĩnh: Trọn vẹn một tình yêu với điện ảnh

Họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phạm Quang Vĩnh hoạt động điện ảnh cùng thời với các đạo diễn, quay phim và lớp diễn viên khóa I, Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội).

Ông cũng là “cây đa, cây đề” trong làng thiết kế mỹ thuật điện ảnh khi là họa sĩ thiết kế bối cảnh cho khoảng 40 bộ phim truyện, như “Đường về quê mẹ”, “Chom và Sa”, “Những người đã gặp”, “Ngày ấy bên sông Lam”, “Chuyện cổ tích cho tuổi 17”, “Thủ lĩnh áo nâu”, “Không có đường chân trời”, “Bến không chồng”, “Chuyện của Pao”...

1. Thừa hưởng “gene” hội họa của cha là họa sĩ Phạm Hậu, cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, Phạm Quang Vĩnh học tại Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội trước khi trở thành sinh viên của lớp thiết kế Mỹ thuật đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam niên khóa 1962 - 1964.

Tốt nghiệp năm 1964, họa sĩ Phạm Quang Vĩnh về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam (nay là Hãng phim truyện Việt Nam) và gắn bó với công việc họa sĩ thiết kế mỹ thuật điện ảnh. Kể từ bộ phim truyện đầu tiên “Biển lửa”, trong suốt chặng đường hơn 40 năm làm nghề, họa sĩ Phạm Quang Vĩnh đã tham gia thiết kế mỹ thuật cho rất nhiều bộ phim với đủ các đề tài, từ lịch sử, chiến tranh, hậu chiến cho tới đương đại và được ghi nhận là họa sĩ thiết kế tài năng, giàu sáng tạo cùng phong cách làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ. Khi thiết kế bối cảnh căn cứ của nghĩa quân Đề Thám cho bộ phim “Thủ lĩnh áo nâu” (đạo diễn Trần Phương), họa sĩ Phạm Quang Vĩnh đã kết hợp khéo léo giữa di tích cũ với bối cảnh mới để vừa đảm bảo tính chân thực của lịch sử, vừa đảm bảo tính nghệ thuật cho mỗi cảnh quay. Sự công phu trong cách làm, sự tinh tế trong thẩm mỹ nghệ thuật đã giúp ông giành giải thưởng Họa sĩ thiết kế mỹ thuật phim truyện xuất sắc tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 8 - năm 1988 (cùng với phim “Chuyện cổ tích cho tuổi 17”).

Đồng nghiệp đánh giá họa sĩ Phạm Quang Vĩnh không chỉ có trí tưởng tượng phong phú, am hiểu cuộc sống mà còn cẩn trọng, thấu đáo khi làm việc. Khi dựng bối cảnh nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ cho bộ phim “Bến không chồng” - nơi những người phụ nữ đang phải chịu nhiều khổ đau, mất mát, Phạm Quang Vĩnh đã đưa vào phim những góc làng, những ngôi nhà mà thoạt nhìn đã toát lên vẻ ảm đạm, thiếu sức sống (thiếu màu xanh của cỏ cây), căn nhà của nhân vật chính (bà Hơn) có tường ốp đá ong xù xì, những vách lều đan bằng phên nứa mong manh, tạm bợ... tạo cảm giác xơ xác, khô cằn, qua đó lột tả sự khắc nghiệt và dữ dội trong cuộc sống và tâm hồn của những người phụ nữ quê cô đơn, khát khao hạnh phúc. Đặc biệt, không gian bến nước, “bến không chồng”, nơi những người phụ nữ cô đơn ra bày tỏ tâm tư của mình, được ông tạo dựng với một gốc cây gạo đơn độc xù xì cùng mái thủy đình và cây cầu lẻ loi nhằm làm tăng thêm cảm giác trống vắng trong lòng những người đàn bà mòn mỏi chờ đợi hạnh phúc... trong vô vọng. Có thể nói, thiết kế mỹ thuật của Phạm Quang Vĩnh đã góp phần làm nên thành công của “Bến không chồng” với giải A - Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2000, và giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 13 - năm 2001.

2. Năm 2004, họa sĩ Phạm Quang Vĩnh một lần nữa giành giải thưởng Họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc - Giải thưởng Cánh diều - với hai bộ phim thuộc hai đề tài khác nhau, gồm phim chiến tranh “Tiếng cồng định mệnh” và phim tâm lý hiện đại “Hàng xóm”. Tại Lễ trao giải Cánh diều các năm 2007 và 2013, ông tiếp tục giành giải Họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc với phim “Hà Nội, Hà Nội” và phim “Mùa hè lạnh”.

Thông thường, mỗi bộ phim khi trình chiếu, người xem thường ít bận tâm tới dấu ấn của người họa sĩ thiết kế cũng như vai trò của họ trong từng cảnh phim, thế nhưng Phạm Quang Vĩnh không vì thế mà rập khuôn trong cách làm việc hoặc “làm biếng” lấy cảnh đã có sẵn. Những ý tưởng mới mẻ, độc đáo có tính ứng dụng cao luôn được ông đặt bên cạnh yếu tố chân thực trong nghệ thuật điện ảnh. Khán giả xem “Chuyện của Pao” và rồi mê mẩn ngôi nhà của Pao với góc bếp, mái ngói nhà sàn phủ rêu, vạt sân đầy hoa cải vàng, cái cổng cũ kỹ, bờ rào đá... mà không biết rằng phần lớn đều là cảnh dựng theo ý đồ của Phạm Quang Vĩnh để đảm bảo sự nhất quán trong bố cục và màu sắc, phù hợp với đời sống và tâm lý nhân vật Pao. “Chuyện của Pao” (giành giải thưởng Cánh diều Vàng - Phim truyện xuất sắc tại giải thưởng Cánh diều 2005) tạo được hiệu ứng mạnh mẽ về mặt hình ảnh, cho thấy đóng góp quan trọng của họa sĩ Phạm Quang Vĩnh.

Cách thiết kế bối cảnh có tính liên hoàn giữa nội và ngoại nhằm tạo không gian mở giúp cho diễn viên sống liên tục với nhân vật từng được họa sĩ Phạm Quang Vĩnh áp dụng trong bộ phim chiến tranh “Không có đường chân trời” của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư. Bộ phim kể về một đơn vị bộ đội có nhiệm vụ bảo vệ kho lương thực trong rừng sâu giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt. Nơi rừng già thăm thẳm, ngoại trừ tiếp nhận một cô gái thanh niên xung phong đi lạc, cả đơn vị đều không gặp người nào từ nơi khác đến trong một thời gian dài. Ở nơi “không có chân trời”, họ vừa tăng gia sản xuất vừa bảo vệ kho lương và chờ sự liên lạc từ bên ngoài, và dần hy sinh. Bối cảnh chính của bộ phim là kho lương thực. Để tăng hiệu ứng cảm giác về một không gian đông đặc, chứa đầy những hiểm nguy giữa rừng sâu và sức chịu đựng lên đến đỉnh điểm của các nhân vật, họa sĩ Phạm Quang Vĩnh đã nảy ra ý tưởng khá độc đáo là tạo sự liên hoàn giữa bối cảnh nội (kho lương chật chội) và bối cảnh ngoại (sự hun hút vô tận của rừng già) nhằm tô đậm lòng can đảm của những người lính. Thời điểm đó, năm 1986, sáng kiến của ông được coi là khá độc đáo.

Cũng nhờ sự tỉ mỉ, chu đáo, hết mình với công việc và sức sáng tạo không mệt mỏi nên dù đã về hưu họa sĩ Phạm Quang Vĩnh vẫn được nhiều nhà làm phim, hãng phim tư nhân mời tham gia trong những dự án phim điện ảnh độc lập. Tiêu biểu là hai phim “Mùa hè lạnh” của đạo diễn Ngô Quang Hải và “Đập cánh giữa không trung” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp).

3. Hiện tại, tuy tuổi đã cao nhưng tình yêu nghề nghiệp của họa sĩ Phạm Quang Vĩnh vẫn cháy bỏng như ngày nào. Ông không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm với những họa sĩ thiết kế bối cảnh mới vào nghề. Gặp họa sĩ Phạm Quang Vĩnh ngoài đời sẽ cảm nhận được sâu sắc tác phong cẩn trọng của ông, thể hiện rõ trong cách nói chuyện, diễn đạt ý tưởng theo trật tự lớp lang, bài bản cùng ngôn ngữ học thuật chuẩn xác. Được biết, họa sĩ Phạm Quang Vĩnh đã tặng cho Viện phim Việt Nam toàn bộ các phác thảo bối cảnh những bộ phim mà ông làm họa sĩ thiết kế. Đó không chỉ là những tác phẩm hội họa mà còn là kỷ niệm vô giá trong cuộc đời làm điện ảnh của ông.

Trong các sự kiện do ngành điện ảnh tổ chức như LHP Việt Nam, Giải thưởng Cánh diều, vợ chồng họa sĩ Phạm Quang Vĩnh và diễn viên Diệu Thuần luôn là một cặp đôi đẹp và đáng ngưỡng mộ. Hai người gặp nhau trên phim trường bộ phim “Ngày ấy bên sông Lam” mà Phạm Quang Vĩnh làm họa sĩ thiết kế còn Diệu Thuần đóng vai chính cô gái sông Lam - o Thùy (vai diễn đã đem về cho Diệu Thuần giải Diễn viên nữ xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 6). Tình yêu và sự đồng điệu trong nghệ thuật đã đưa họ đến bên nhau và cùng nhau trải qua những tháng năm làm nghề rực rỡ. Hơn 10 năm nay, do tuổi tác, họa sĩ Phạm Quang Vĩnh đau yếu nhưng ông vẫn thường xuyên cập nhật trang cá nhân. Ông “treo” lên đó những bức tranh phong cảnh làng quê, những nơi ông đã đến, sống và sáng tác với một tình yêu trọn vẹn dành cho hội họa, điện ảnh... Đó cũng là cách để ông cảm thấy nghệ thuật vẫn luôn thật gần, nhắc ông nhớ lại những năm tháng vui buồn, trăn trở, cống hiến và tỏa sáng cùng nghệ thuật.

Họa sĩ Phạm Quang Vĩnh sinh ngày 15-8-1944 tại Hà Nội. Năm 1964, về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam cho tới khi nghỉ hưu. Ông là họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho khoảng 40 bộ phim gồm các phim truyện điện ảnh: “Biển gọi”, “Tiền tuyến gọi”, “Đường về quê mẹ”, “Những người đã gặp”, “Ngày ấy bên sông Lam”, “Bình minh xôn xao”, “Chuyện cổ tích cho tuổi 17”, “Thủ lĩnh áo nâu”, “Cỏ lau”, “Giọt lệ Hạ Long”, “Duyên nghiệp”, “Bông sen”, “Của rơi”, “Mùa hè lạnh”, “Đập cánh giữa không trung”... và các phim truyền hình: “Tìm lại bé Đa”, “Sống mãi với Thủ đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ”...

Lưu Thảo

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoa-si-nghe-si-nhan-dan-pham-quang-vinh-tron-ven-mot-tinh-yeu-voi-dien-anh-684141.html
Zalo