Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời vì bạo bệnh
Họa sĩ Lê Thiết Cương vừa qua đời 18h55 tối nay 17/7 sau một thời gian chống chọi với ung thư, hưởng thọ 63 tuổi.

Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: FBNV
Họa sĩ Lê Thiết Cương nổi tiếng với nghệ thuật hội họa tối giản. Anh còn là một gương mặt đặc biệt ấn tượng trong các hoạt động sáng tạo nghệ thuật vì cộng đồng. Họa sĩ Lê Thiết Cương tốt nghiệp trung học năm 1984, sau đó theo học tại trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội từ năm 1985 đến năm 1990.
Anh có hơn 30 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản, thực hành và thể nghiệm qua nhiều nhánh rẽ khác nhau: đậm nhạt, hòa sắc, hình và nét. Ngoài hội họa, anh thành danh trên nhiều lĩnh vực như nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế. Anh tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, làm giám tuyển của nhiều sự kiện, có tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Singapore.
Thành công cầm cọ vẫn đam mê cầm bút vì họa sĩ Lê Thiết Cương có sự ảnh hưởng từ thân phụ là nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên (1931-2019). Sau 2 cuốn sách Thấy (2017) và Người và nhà (2024), tháng 6/2025, họa sĩ Lê Thiết Cương ra mắt sách Trò chuyện với hội họa.
Nếu cầm cọ theo phong cách tối giản, thì họa sĩ Lê Thiết Cương cũng cầm bút theo phong cách ấy. Anh từng bộc bạch: "Tôi không làm được gì ngoài tối giản dù là vẽ tranh, làm tượng, làm gốm hoặc thiết kế đồ họa… Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Tối giản là cá tính cốt tử của tôi, là ADN, là vân tay, là người nào của ấy, là căn cước tôi - Lê Thiết Cương.
Tối giản là thiền, là yên tĩnh, là vô ngôn kiệm hình, kiệm màu, kiệm nét, là nói bằng im lặng, 'im lặng sấm sét'. Nhà Phật quan niệm, đi tu chính là trở về mình, tìm ra được cái 'bản lai diện mục' của mình, kiến tính thành Phật, 'ngoái đầu là bờ' giống như nghề nghệ thuật, làm nghệ thuật chính là làm mình, tìm mình, trở về nội tâm của mình.
Viết cũng vậy, khi viết về một tác giả nào, tôi cũng chỉ nói về cái hạt bụi quý mà anh ấy đóng góp cho hội họa chứ không nói vòng ngoài. Kiệm lời nhất có thể. Tôi thích quan niệm của W. Dilthey: Mục tiêu tối hậu của quá trình giải minh văn bản để hiểu một tác giả sâu sắc hơn là chính họ tự hiểu biết về mình. Tôi chỉ dựa trên chính bức tranh để phân tích và đưa ra nhận định, tuyệt đối không nghe tác giả nói về tác phẩm của mình. Làm nghệ thuật, vẽ, viết là chủ quan. Không có chủ quan thì không có nghệ thuật".