Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời

Họa sĩ Lê Thiết Cương vừa qua đời ở tuổi 63 vào 18h55 ngày 17/7, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư.

 Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Duy Anh.

Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Duy Anh.

Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời ở tuổi 63 vào chiều ngày 17/7. Trước đó, ông đã trải qua một thời gian điều trị bệnh nhưng không qua khỏi. Công chúng thương tiếc một họa sĩ tài hoa, một nghệ sĩ, nhà văn hóa, người bạn của văn chương.

Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962, lâu nay được biết đến là một họa sĩ thành danh, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam. Ông ghi dấu ấn trong hội họa đương thời với phong cách hội họa tối giản.

Nhưng bên cạnh đời sống hội họa, còn có một Lê Thiết Cương tận tâm với sách vở, với văn chương, hết lòng cho những người làm nghề “phu chữ”. Họa sĩ từng có tâm nguyện: nếu có kiếp sau, ông sẽ chọn con đường văn chương.

Giấc mơ hội họa ươm mầm trên khu vườn văn chương

Họa sĩ Lê Thiết Cương thực hành sự đọc và viết không ít. Hai thực hành ấy đã bồi nên một mảnh đất văn chương màu mỡ trong tâm hồn ông. Cái tình với văn thơ cứ tiếp tục nảy nở, ngấm đất như mưa dầm thấm lâu khi họa sĩ có nhiều giao tế với các nhà văn, nhà thơ. Trong một lần chia sẻ về nhà thơ Đặng Đình Hưng, Lê Thiết Cương cho rằng nhà thơ đã truyền cảm hứng cho ông về văn chương, triết học - như thể đây là cách vun đắp một nền tri thức trước khi xây ngôi nhà nghệ thuật.

Và quả như vậy, ngôi nhà hội họa của Lê Thiết Cương mang dáng hình văn chương. Trong công việc vẽ bìa và minh họa sách, trước khi sáng tác cùng đường nét và màu sắc, ông dành nhiều thời gian đọc sách, nghiền ngẫm về tác phẩm.

Vì tôn trọng tác phẩm, vì tư duy của một tác giả, nên ông thẳng thắn quay lưng với việc tả thực văn bản, hay tranh chỉ có tính minh họa cho chữ. Tranh Lê Thiết Cương là một “văn bản hai” của tác phẩm - như chính họa sĩ từng nhận định.

 Sách tập hợp các bức tranh vẽ Kiều do họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện. Ảnh: Đỗ Thu.

Sách tập hợp các bức tranh vẽ Kiều do họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện. Ảnh: Đỗ Thu.

“Liệu có nên gọi là minh họa cho thơ theo nghĩa đen không? Bởi mỗi loại hình nghệ thuật tồn tại được đều có ngôn ngữ riêng của nó. Cho dù với thi ca, hội họa là hàng xóm, nó vẫn sống độc lập. Những minh họa thơ là văn bản hai của thơ, một cách cảm thơ khác bằng hội họa với hình, màu, bố cục, bút pháp và chất liệu. Nói nó là minh họa thì tội nghiệp cho hội họa”, họa sĩ Lê Thiết Cương từng nói như vậy.

Họa sĩ cũng chia sẻ quan điểm: văn chương không sao chép hay tả thực cuộc sống, mà phải nhìn từ biểu tượng hay sự liên tưởng. Nhà văn không phải người lên tiếng cho độc giả, hãy để họ tự lấp đầy theo cách của mình, vào những khoảng mà tác giả cố tình để trống. Tranh của Lê Thiết Cương chẳng khác gì những tư duy ông nghĩ về nhà văn trên đây - là những biểu tượng, những mời gọi độc giả bước vào miền suy tưởng.

Tập thơ Sự mất ngủ của lửa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - được công chúng coi như “bản song tấu giữa thơ và hội họa” - là một mời gọi như vậy. Điều này có được là nhờ sự dày công chăm chút của họa sĩ Lê Thiết Cương. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi đó đã nhận định “văn bản thứ hai” - tranh vẽ từ 15 họa sĩ cộng tác - đã kích động chính ông đọc lại tác phẩm, như thể ông chưa bao giờ biết tới nó trước đây. Lê Thiết Cương đã quyết định tất cả mọi điều giúp nhà thơ liên quan tới phần việc mỹ thuật, “với một trách nhiệm cao và ngập tràn cảm hứng” - như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gửi lời tri ân.

Trọng chữ, trọng tình với người làm ra chữ

Lê Thiết Cương không chỉ sống trọn nghĩa tình với cái đẹp, với tác phẩm, mà còn trọng tài, trọng nhân cách của người làm ra tác phẩm.

Ông nhiều lần là người chủ động đề xuất ý tưởng cho những cuốn sách ra đời, những cuốn sách mang nhiều tâm tư, công sức từ bạn bè văn nghệ sĩ của ông, có khi là tâm tư làm nghề của cả một đời, nhưng vì nhiều lý mà họ ngần ngại, họ chẳng để tâm hay nghĩ tới in sách lưu trữ tác phẩm. Lê Thiết Cương lại là người sốt sắng nhất cho công việc ấy.

Thí dụ, bộ sách Đất và người của NSND Đào Trọng Khánh khiến công chúng hiểu hơn về tầm vóc vị đạo diễn - không chỉ là người để lại cho đời thước phim tài liệu, mà còn nhiều áng thơ văn. Nhưng ông Đào Trọng Khánh “tài tử”, viết nhiều mà lưu giữ chẳng bao nhiêu, nói gì tới việc làm sách. Vậy mà Lê Thiết Cương xuống tận Hải Phòng, ôm từ nhà Đào Trọng Khánh chồng bản thảo về, sửa đi sửa lại nhiều lần, tốn công sức và cả tiền của để ra mắt tập sách. Có lẽ tất cả tâm huyết đó chỉ vì tình bạn, vì niềm trân trọng giá trị thơ, văn của người bằng hữu.

 Họa sĩ Lê Thiết Cương để lại dấu ấn trong giới xuất bản với nhiều bìa sách ấn tượng. Trong ảnh là bìa cuốn Giỏ hoa thời mới lớn do Lê Thiết Cương vẽ bìa.

Họa sĩ Lê Thiết Cương để lại dấu ấn trong giới xuất bản với nhiều bìa sách ấn tượng. Trong ảnh là bìa cuốn Giỏ hoa thời mới lớn do Lê Thiết Cương vẽ bìa.

Hay câu chuyện của cuốn sách ảnh của nhà nhiếp ảnh Hà Tường. Ông Hà Tường là người ghi lại nhiều gương mặt văn nghệ sĩ một thời, có thể nói ông đã ghi sử bằng ảnh. Nhưng khi đam mê ảnh đã dừng lại, ông cũng không thiết gì tới chuyện in sách. Chỉ tới khi Lê Thiết Cương xem kho phim của Hà Tường, họa sĩ bị mê hoặc và lập tức dành công sức, tiền của để in sách ảnh cho nhà nhiếp ảnh.

Lê Thiết Cương nhiều lần giúp đỡ các bạn văn: từ việc vẽ bìa sách, minh họa sách, in sách tới kiến tạo cả không gian ra mắt sách. Ông nâng đỡ nghệ sĩ trẻ, trân trọng “người muôn năm cũ”. Với “con mắt xanh” về hội họa và tâm hồn văn chương, ông nhìn ra cái đẹp, cái tài của người nghệ sĩ, và luyến tiếc nếu cái đẹp, cái tài đó bị mai một.

Hơn 20 năm qua, tại Gallery39, họa sĩ Lê Thiết Cương đã tổ chức nhiều triển lãm, tiếp đón nhiều “tao nhân mặc khách”. Đời sống văn nghệ vì thế mà được tiếp thêm nguồn năng lượng, người làm nghề được cổ vũ để tiếp tục hành trình sáng tạo.

Nếu không có họa sĩ Lê Thiết Cương, một vùng văn hóa nghệ thuật đã chìm trong lớp đất cổ. May thay, bằng những cuốn sách lưu giữ chữ tâm, chữ tài của giới văn nghệ sĩ, Lê Thiết Cương đã để những vẻ đẹp ấy được tiếp tục lấp lánh.

 Sách Trò chuyện với hội họa. Ảnh: Đỗ Thu.

Sách Trò chuyện với hội họa. Ảnh: Đỗ Thu.

Họa sĩ Lê Thiết Cương là tác giả của nhiều cuốn sách. Năm 2017, ông ra mắt cuốn sách nghiên cứu - phê bình Thấy. Năm 2022, ông ra mắt Truyện Kiều - Nguyễn Du/Lê Thiết Cương - 24 tranh. Năm 2024, cuốn sách Nhà & Người của ông được đưa đến công chúng, là tuyển chọn gần 60 bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương trong khoảng thời gian từ năm 2000-2023 cho một số tạp chí về kiến trúc nội thất. Sau đó, ông cho ra mắt Trong hạt thóc có hạt gạo. Năm 2025, ông tiếp tục cho ra đời cuốn sách Trò chuyện với hội họa, là tuyển tập hơn 70 bài bình luận về mỹ thuật (hội họa, điêu khắc, gốm sứ…), được viết từ 2005 đến 2025.

Ngoài ra, họa sĩ Lê Thiết Cương còn làm giám tuyển sách cho một số cuốn của bạn bè văn nghệ sĩ, có thể kể tới sách ảnh Những người muôn năm cũ (2020) của nhiếp ảnh gia Hà Trương, tập sách Đất và người (2020) của Đào Trọng Khánh.

Thúy Hạnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoa-si-le-thiet-cuong-qua-doi-post1569374.html
Zalo