Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ thời gian của mình để khắc họa lại những ký ức đó vào tranh. Triển lãm 'Non nước biên thùy' vừa khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không chỉ là nơi ông giới thiệu tới bạn bè, người xem những tác phẩm yêu thích, mà còn là cơ hội để ông bán đấu giá tranh, góp tiền xây trường cho các em nhỏ vùng cao.

Họa sĩ Đỗ Đức giới thiệu tranh tại triển lãm của mình.

Họa sĩ Đỗ Đức giới thiệu tranh tại triển lãm của mình.

Triển lãm “Non nước biên thùy” gồm hơn 50 tác phẩm sơn dầu, hầu hết được vẽ lại trong khoảng vài năm gần đây, khi họa sĩ chuyển những phác thảo hoặc tác phẩm bằng tranh màu nước sang sơn dầu. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ bảy của họa sĩ Đỗ Đức ở Hà Nội, sau triển lãm “Ngựa trên núi” cách đây đúng 10 năm (2014). Năm nay, họa sĩ đã vào tuổi 80 nhưng với sự tráng kiện, minh mẫn và tình yêu nghệ thuật vẫn chảy dào dạt trong huyết quản, ông khiến cho nhiều người nghĩ rằng ông ở độ tuổi trẻ hơn con số 80 rất nhiều.

Là người gắn bó nhiều năm với các tỉnh miền núi phía bắc, họa sĩ Đỗ Đức xác lập phong cách sáng tác của mình gắn với rừng thẳm, sông dài, cao nguyên đá trùng điệp, núi non hùng vĩ của một dải biên viễn phía bắc của Tổ quốc. Núi, đá và rừng miền biên cương là nơi ông coi là quê hương nghệ thuật của mình. Ở triển lãm lần này, ông dành trọn cho núi rừng và đá, với các chủ đề về nương đá, ngựa và không gian sống trên cao nguyên đá, chợ vùng cao và con người miền sơn cước qua hình ảnh người mẹ.

50 bức tranh ở triển lãm “Non nước biên thùy” của họa sĩ Đỗ Đức như “Nắng trên dãy Hồng Ngài”, “Sương sớm rẻo cao”, “Sườn phía tây Sơn Vĩ”, “Huyền thoại Khau Vai”, “Tháng Ba ở Xín Cái”, “Huyền thoại Khau Vai”, “Một bản Tìa Cu Sì” là những câu chuyện cổ tích cao nguyên nằm trong từng viên đá, hốc cây, ngọn cỏ..., được họa sĩ tái hiện trong tranh của ông.

Họa sĩ Đỗ Đức kể lại, cho đến nay ông không nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu chuyến lên miền núi. Đó là những chuyến đi sưu tầm tài liệu, gặp gỡ, phỏng vấn người dân, gặp gỡ tác giả để phục vụ cho công việc làm ở nhà xuất bản và sau này là một phóng viên của mình. Ông kể khi về nhà ông bắt đầu vẽ từ những gì mình đã thu thập được. “Hồi đó nghèo lắm, phải lo mưu sinh và nuôi con cho nên chỉ dám vẽ trên giấy. Nhà chật, vẽ trên giấy mới có chỗ chứa tranh. Sau này về hưu, có thời gian và có một chút điều kiện, tôi mới chuyển sang vẽ tranh sơn dầu và tìm thấy ở đó những ‘chân trời’ mới cho sự sáng tạo” – họa sĩ kể.

Người Mèo Lô Lô.

Người Mèo Lô Lô.

Trong triển lãm, mỗi bức tranh là một kỷ niệm, là những câu chuyện chưa kể của họa sĩ Đỗ Đức. Ông kể, có những bức tranh kéo dài đến 3 năm chưa xong. “Đó là bức tranh về chợ tình Khau Vai, tôi mất gần 3 năm để tìm ý tưởng thể hiện. Bởi vì với tôi, những gì mọi người vẫn vẽ về chợ tình Khau Vai chưa thể hiện đúng tinh thần của Khau Vai. Khau Vai là những hoài niệm, ký ức của những người già, những người đã bước qua phía bên kia của cuộc đời. Cho đến khi tôi gặp hình ảnh của một bãi đá lô xô mang hình ảnh của những con người, tôi đã nảy ra ý tưởng và hoàn thành bức tranh rất nhanh”.

Huyền thoại Khau Vai.

Huyền thoại Khau Vai.

Họa sĩ cho biết, ở bức “Huyền thoại Khau Vai”, ông đặt những triền đá lô xô là những hình ảnh con người: đây là một người trong dáng vẻ chờ đợi, kia là hai người gặp nhau hàn huyên tâm sự, và những người khác vẫn đang mải miết đi tìm trên những dáng hình hóa đá… Đó cũng là những ký ức, kỷ niệm đã hóa đá...

Trên nương.

Trên nương.

Triển lãm “Non nước biên thùy” còn đánh dấu một nghĩa cử cao đẹp của người họa sĩ già. Ông đã chọn ra tác phẩm “Trên nương” để đấu giá với mức giá khởi điểm là 1.500 USD. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dành cho việc xây một lớp học cho một bản sâu của Hà Giang thông qua Quỹ xây trường học “Hoa của đá”. Dự kiến điểm trường sẽ được xây vào năm 2025.

Họa sĩ Đỗ Đức đã có 11 năm đồng hành cùng Quỹ trong hành trình xây trường học cho các em nhỏ vùng cao. Ông kể, năm 2013, ông làm một triển lãm 21 tranh sơn dầu trong 3 ngày tại chợ Đồng Văn, Hà Giang, do báo Thể thao Văn hóa đứng ra tổ chức.

“Tại triển lãm ấy, tôi ủng hộ hai bức tranh là ‘Mẹ trong đá’ và ‘Gặp nhau trên nương’ để Ban tổ chức đấu giá lấy tiền tặng cho hai hộ nghèo nhất huyện Đồng Văn do huyện giới thiệu. Đó là 2 gia đình Giàng Mí Lúa và Vừ Mí Già, mỗi người một ngôi nhà mới. Mọi việc đã hoàn thành mỹ mãn. Mục đích tôi “tặng tranh-đấu giá-làm nhà tặng người dân” là để gửi lời cảm ơn cụ thể tới mảnh đất Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi đã nuôi nấng con đường nghệ thuật của tôi”.

Dãy Pusamsao.

Dãy Pusamsao.

Triển lãm ấy đánh dấu bước đi đầu tiên trên chặng đường đồng hành xây trường học vùng cao của họa sĩ. Ông đã đóng góp xây lớp học đầu tiên tại thôn Phìn Chải A, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn (Hà Giang) khánh thành năm 2014, cùng nhóm “Chung tay vì trẻ em vùng cao”, nay là quỹ “Hoa của đá”, thực hiện chương trình từ thiện Vì tương lai trẻ em vùng cao. Mục tiêu của nhóm là xây lớp học cho các cháu mẫu giáo tại các bản làng xa xôi hẻo lánh.

Việc xây lớp học tại các bản vùng sâu vùng xa kéo dài đến nay đã 11 năm. Nhóm đã vận động được nhiều cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm ủng hộ tiền, đã làm được 41 lớp học với trang bị đầy đủ học cụ, và phòng lưu trú giáo viên tại 18 điểm trường cho 18 bản sâu trong núi, thuộc các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh. 11 năm, hơn 3.500 lượt trẻ em đã được học tại bản. Lứa đầu tiên ở Vần Chải đã có 7 em sắp vào lớp 10.

Lúc nào cũng giữ một ánh mắt điềm tĩnh và nụ cười hồn hậu, người họa sĩ già kể: “Ngày xưa nghèo, phải mưu sinh, kiếm tiền nuôi con, tranh cũng chỉ dám vẽ kiểu tiết kiệm. Bây giờ khá hơn rồi, tôi muốn giúp đỡ bọn trẻ con miền núi, đó cũng là nơi tôi gửi gắm trái tim nghệ thuật của mình ở đó”.

LINH KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoa-si-do-duc-trien-lam-va-ban-dau-gia-tranh-gop-tien-xay-truong-cho-tre-em-vung-cao-post830664.html
Zalo