Hoa nở trên chiến khu xưa... Bài 2
Những ngày tháng 4 lịch sử, Khu di tích Chiến khu Thuận An Hòa thuộc phường Thuận Giao, TP. Thuận An là một 'địa chỉ đỏ' được nhiều người tìm đến. Chiến khu Thuận An Hòa năm xưa góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và vùng đất này hôm nay đang vươn mình, ngời sáng tương lai!
Một thời máu lửa
Chiến khu Thuận An Hòa được hình thành từ năm 1946, là căn cứ ven đô ở cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Thuận An Hòa là tên ghép của 3 xã gồm Thuận Giao, An Phú và Bình Hòa của huyện Lái Thiêu xưa. Cùng với các chiến khu trên địa bàn tỉnh, trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Chiến khu Thuận An Hòa đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Trần Thanh Sơn, nguyên Bí thư Huyện ủy Thuận An, cho biết với vị trí chiến lược quân sự quan trọng, Thuận An Hòa là căn cứ, nơi trực tiếp phục vụ cho những đơn vị cách mạng hoạt động ngay trong lòng địch. Đây còn là nơi tập kết, trung chuyển các lực lượng chiến đấu của ta. Thế nên, địch luôn tìm mọi cách để càn quét nhằm phá bỏ căn cứ cách mạng này. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thuận An Hòa như “cái gai trong mắt” của kẻ xâm lược và bè lũ tay sai. Ngoài 3 vòng chiến lược, đường vào chiến khu còn được lực lượng của ta bố trí hệ thống hầm chông, hố đinh, mìn tự động tại những nơi hiểm yếu và được thay đổi vị trí liên tục.

Rạng danh vùng đất anh hùng, TP.Thuận An hôm nay đang vươn mình phát triển mạnh mẽ. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Với sự bố trí hệ thống phòng thủ vững chắc của chiến khu, dù đã tìm mọi cách nhưng bọn chúng không sao nhổ được “cái gai trong mắt này”. Nhờ đó, lực lượng của ta luôn được bảo toàn, không ảnh hưởng. Thuận An Hòa là một trong những chỗ dựa để lực lượng chủ lực của ta tấn công vào những vị trí then chốt ở miền Nam, góp phần cùng miền Bắc làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954.
Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, địch cũng tìm mọi cách nhằm xóa rừng để lực lượng cách mạng ở Chiến khu Thuận An Hòa không còn nơi ẩn nấp. Chúng thường xuyên trút những trận mưa bom, bão đạn xuống vùng đất này. Dù rừng không còn, nhưng nhờ vào lòng dân, Thuận An Hòa vẫn là căn cứ đứng chân của cán bộ, đảng viên, du kích trong những hầm bí mật. Nhờ sự che chở, nuôi giấu của người dân địa phương, nên mọi âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù đã không lay chuyển được ý chí, tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân ta.
Chiến khu Thuận An Hòa được hình thành từ năm 1946, là căn cứ ven đô ở cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Thuận An Hòa là tên ghép của 3 xã gồm Thuận Giao, An Phú và Bình Hòa của huyện Lái Thiêu xưa. Cùng với các chiến khu trên địa bàn tỉnh, trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Chiến khu Thuận An Hòa đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...
Điển hình vào tháng 8-1963, Huyện ủy Lái Thiêu quyết định mở đợt chống phá ấp chiến lược trên quy mô toàn huyện, trọng điểm là các xã An Thạnh, An Sơn, Tân Hiệp và khu Thuận - An - Hòa để mở rộng vùng căn cứ. Được tăng cường Đại đội 304 của tỉnh, lực lượng vũ trang huyện cùng du kích xã đã bao vây tiến công một số đồn bốt của địch trên địa bàn Thuận Giao, Bình Chuẩn. Các vùng Bình Nhâm, An Phú, An Sơn kết hợp chặn đánh bọn đi càn quét bên ngoài. Tự vệ mật các xã tham gia tháo gỡ hàng rào kẽm gai, nhổ cọc sắt... hỗ trợ quần chúng phá bờ đê, ấp chiến lược. Đến giữa năm 1964, đại bộ phận các ấp chiến lược của địch trên địa bàn huyện Lái Thiêu đều bị phá rã...
Ngày 4-6-1965, lần đầu tiên quân Mỹ (Lữ đoàn dù 173) mở cuộc hành quân càn quét vào Chiến khu Thuận An Hòa. Dựa vào hệ thống địa đạo, các ô ụ chiến đấu và giao thông hào, Lực lượng C63 của huyện cùng du kích các xã Bình Hòa, An Phú, Bình Chuẩn đã chiến đấu rất dũng cảm. Sau 3 ngày đánh trả quyết liệt, Lữ đoàn dù 173 đã thất bại cay đắng trước sự kiên cường của quân và dân Thuận An Hòa. Điều này chứng tỏ, mặc dù Mỹ có hỏa lực mạnh, có xe tăng, khả năng cơ động tác chiến hiện đại nhưng với lòng quyết tâm của quân dân ta hoàn toàn có thể đánh thắng được Mỹ. Với khí thế đó, từ đây đã nổi lên nhiều gương chiến đấu anh dũng làm cho quân Mỹ khiếp sợ, như: Trần Thị Hoa, Từ Văn Phước, Lê Thị Trung...
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự mưu trí, tinh thần dũng cảm của lực lượng cách mạng và “thế trận lòng dân” nơi đây, quân - dân Thuận An nói riêng, Bình Dương nói chung đã góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Rạng danh vùng đất anh hùng
Không chỉ anh dũng trong đấu tranh, vùng đất Chiến khu Thuận An Hòa nay đã vươn mình, với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng. Ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư Thành ủy Thuận An, cho biết sau gần 20 năm hiện thực hóa ý tưởng xây dựng địa phương trở thành đô thị, Thuận An đã chính thức trở thành đô thị loại IV vào năm 2010; được nâng lên thị xã vào năm 2011; đạt các tiêu chí đô thị loại III và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận lên thành phố từ tháng 2-2020.
Thuận An Hòa năm xưa và TP.Thuận An hôm nay đang hướng mục tiêu hướng tới xây dựng và phát triển trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại… Theo đó, khu vực Thuận An được xác định là đô thị dịch vụ - công nghiệp quy mô lớn ở phía nam của tỉnh; đồng thời giữ vai trò kết nối hệ thống đô thị phía bắc với TP.Hồ Chí Minh, là đầu mối giao thông quan trọng...
Thuận An Hòa năm xưa và TP.Thuận An hôm nay đang hướng mục tiêu hướng tới xây dựng và phát triển trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại… Theo đó, khu vực Thuận An được xác định là đô thị dịch vụ - công nghiệp quy mô lớn ở phía nam của tỉnh; đồng thời giữ vai trò kết nối hệ thống đô thị phía bắc với TP.Hồ Chí Minh, là đầu mối giao thông quan trọng...
Nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ TP.Thuận An luôn ưu tiên nguồn lực để xây dựng, mở rộng, cải tạo nâng cấp các tuyến đường đô thị và nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư và chuẩn bị đầu tư; không gian đô thị được quy hoạch phù hợp hơn. Kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng có tính kết nối vùng; hệ thống điện, cấp thoát nước đô thị được chỉnh trang, cải tạo bảo đảm nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, trên địa bàn Thuận An sẽ có nhiều công trình, dự án mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật như đê bao sông Sài Gòn từ phường Vĩnh Phú đến ranh TP.Thủ Dầu Một; Bệnh viện Đa khoa mới; đầu tư các công viên đô thị tại các phường Bình Hòa, Bình Chuẩn; tuyến đường sắt An Bình - Bàu Bàng. Bên cạnh đó, các Khu công nghiệp Đồng An, Việt Hương I sẽ được chuyển đổi công năng thành khu thương mại - dịch vụ...
50 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ vùng đất bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn chiến tranh, hôm nay TP.Thuận An đã vươn mình phát triển, trở thành một đô thị có công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển năng động của tỉnh. Và dù trong hoàn cảnh lịch sử nào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Thuận An cũng luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thuận An trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, hiện đại, nghĩa tình và đáng sống.
Còn tiếp