Hoa Kỳ tìm cách đảm bảo nguồn cung LNG dài hạn cho châu Âu
Hoa Kỳ đang tìm cách duy trì dòng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chảy vào châu Âu trong dài hạn khi EU sẽ có các tiêu chuẩn về khí thải mê-tan đối với tất cả các nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Quy định về khí mê-tan của EU sẽ yêu cầu các loại dầu, khí đốt, bao gồm cả LNG, phải đạt các yêu cầu về ngưỡng khí thải nghiêm ngặt hoặc ngang bằng với Liên minh châu Âu, bắt đầu từ năm 2030.
Mặc dù những yêu cầu này vẫn chưa được cân nhắc và công bố chi tiết, tuy nhiên nó cũng là hồi chuông cảnh báo các nhà phát triển và xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ sẽ cần phải chuẩn bị kỹ càng để đảm bảo sản phẩm của họ tuân thủ quy định về khí thải của EU vào cuối thập kỷ này.
Hoa Kỳ tìm cách điều chỉnh quy định về khí mê-tan
Vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, Chính quyền Biden đã tìm cách bắt đầu thảo luận với EU để đảm bảo các quy định về khí mê-tan của Hoa Kỳ sẽ tự động được coi là tuân thủ quy định của khối. Bộ Năng lượng (DOE) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã đồng ký một lá thư gửi đến Tổng Giám đốc Ủy ban châu Âu về Năng lượng Juul Jorgensen, yêu cầu xác định "tính tương đương" đối với xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ sang châu Âu.
Lá thư được ký bởi Trợ lý Bộ trưởng DOE về Năng lượng Hóa thạch và Quản lý Carbon Brad Crabtree và Trợ lý Quản trị viên Văn phòng Không khí & Bức xạ của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Joseph Goffman.
"Chúng tôi hiểu rằng quá trình này sẽ mất thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi muốn bắt đầu thảo luận càng sớm càng tốt để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên đáng tin cậy và ổn định liên tục từ Hoa Kỳ sang châu Âu", họ viết trong lá thư có ngày 28/10.
"Chúng tôi tin tưởng rằng chế độ quản lý trong nước rộng rãi của Hoa Kỳ nhằm giám sát, đo lường và giảm phát thải khí nhà kính (đặc biệt là khí mê-tan) từ ngành dầu khí phù hợp với các mục tiêu của các quy định của EU", họ lưu ý.
Với sự điều chỉnh các tiêu chuẩn phát thải khí mê-tan, Hoa Kỳ đang tìm cách duy trì thị trường xuất khẩu LNG lớn nhất hiện nay của mình trong thập kỷ tới.
Ngoài ra, quốc gia này cũng đang tìm cách áp dụng quy định về khí mê-tan đối với LNG bất kể Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ làm gì với các yêu cầu bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ trong bốn năm tới.
Xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ sang châu Âu
Hoa Kỳ, quốc gia xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới năm ngoái, vượt qua Qatar và Úc, tiếp tục xuất khẩu hai phần ba khối lượng LNG của mình sang châu Âu, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 2023, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA).
Tương tự như năm 2022, châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là điểm đến chính cho xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ vào năm 2023, chiếm 66% lượng xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Châu Á, điểm đến hàng đầu của LNG của quốc gia này trước cuộc xung đột Ukraine vào đầu năm 2022, hiện đang theo sau châu Âu với khoảng một phần tư LNG Hoa Kỳ.
Hơn nữa, Hoa Kỳ vẫn là nhà cung cấp LNG lớn nhất cho EU và Vương quốc Anh vào năm 2023, chiếm gần một nửa, 48%, tổng lượng LNG nhập khẩu. Qatar và Nga vẫn là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai và thứ ba cho châu Âu vào năm ngoái, với thị phần lần lượt là 14% và 13%.
Khi EU tìm cách từ bỏ khí đốt của Nga, họ có thể cân nhắc thay thế nhập khẩu LNG của Nga bằng LNG của Hoa Kỳ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gợi ý vào tuần trước.
"Chúng tôi vẫn nhận được rất nhiều LNG từ Nga và tại sao không thay thế bằng LNG của Mỹ, loại LNG rẻ và giúp giảm giá năng lượng của chúng tôi", bà von der Leyen nói với các phóng viên.
Châu Âu cần LNG của Hoa Kỳ vì họ đã cắt đứt quan hệ với khí đốt của Nga, trong khi EU, Vương quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ cộng lại là thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nhà sản xuất và phát triển LNG của Hoa Kỳ.
Các nhóm thương mại của Hoa Kỳ, bao gồm Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ, đã bày tỏ lo ngại rằng quy định của khối có thể làm suy yếu an ninh năng lượng bằng cách tước đi nguồn cung LNG của Hoa Kỳ.