Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46%: Việt Nam ứng phó ra sao?
Những nỗ lực ngoại giao kinh tế của lãnh đạo Chính phủ những ngày qua, cùng sự sẵn sàng chung tay từ phía các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và AmCham, USABC cho chúng ta niềm tin lạc quan.
Lắng nghe ý kiến tham vấn từ các doanh nghiệp; giảm thuế đối với một số nhóm mặt hàng, ngành hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, rà soát để xem xét, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật; ứng phó với vấn đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; tăng cường nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Hoa Kỳ… hàng loạt biện pháp Việt Nam đã và đang tích cực triển khai nhằm sớm tìm được tiếng nói chung trong giải quyết vấn đề áp thuế nhập khẩu hàng hóa.
* Vào cuộc kịp thời, chủ động
Liên tiếp trong các ngày từ mùng 3/4 đến nay, nhiều cuộc họp, làm việc, điện đàm đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thực hiện để trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ rào cản thuế quan mà chính quyền Hoa Kỳ đặt ra, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả hai phía.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về việc Hoa Kỳ áp mức thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng, sáng mùng 3/4, Thường trực Chính phủ đã triệu tập cuộc họp khẩn để đánh giá tình hình, tác động từ chính sách thuế của Hoa Kỳ, đưa ra các giải pháp thích ứng với tình hình. Đồng thời, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm gửi Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đề nghị tạm hoãn quyết định áp thuế trên để trao đổi, tìm giải pháp hài hòa; đề nghị thu xếp cuộc điện đàm trong thời gian sớm nhất để trao đổi, xử lý vấn đề này.
Một Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng cũng đã được Thủ tướng ký quyết định thành lập ngay trong ngày hôm đó.
Làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, các hiệp hội và cơ quan liên quan vào đầu giờ chiều 4/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã lắng nghe nhiều ý kiến đề xuất quý báu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy triển khai các dự án của Hoa Kỳ tại Việt Nam; điều chỉnh một số sắc thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ…
Tối 4/4, theo giờ Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Người đứng đầu Nhà Trắng. Trong cuộc điện đàm đó, Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Hai ngày cuối tuần qua tiếp tục với những cuộc làm việc rất khẩn trương, liên tục, cho thấy những nỗ lực bền bỉ của các nhà lãnh đạo. Bên cạnh cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các cơ quan liên quan (ngày 5/4) để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và triển khai thông điệp cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngày 6/4, trong vai trò Tổ trưởng Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper. Ông khẳng định lại những thông điệp lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump; thông báo về việc Tổng Bí thư đã cử Đặc phái viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tới Hoa Kỳ để tiếp tục cụ thể hóa các nội dung này; đồng thời đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ lùi thời hạn áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam trong quá trình đàm phán thuế quan giữa hai nước.
"Việt Nam chia sẻ quan tâm của Hoa Kỳ trong cân bằng cán cân thương mại, nhưng lấy làm tiếc với việc Hoa Kỳ quyết định áp thuế đối ứng ở mức rất cao với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng đến doanh nghiệp hai nước và đặc biệt tác động đến hàng triệu người dân Việt Nam", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nói với Đại sứ Marc E. Knapper.
Ông cho rằng quyết định áp thuế đối ứng là không phù hợp với thực tế hợp tác kinh tế - thương mại song phương và không phản ánh đúng tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Điện đàm với người đồng cấp - Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vào chiều 6/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong trao đổi với phía Hoa Kỳ về các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, hướng đến thương mại công bằng, bền vững, hài hòa lợi ích của các bên. Trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra sáng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc đến những nỗ lực giao thiệp để giải quyết các yêu cầu chính đáng của phía bạn, trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
* Việt Nam xứng đáng được đối xử công bằng
Trên cương vị Tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Donald Trump đã hai lần đến Việt Nam vào các năm 2017 và 2019. Ngày 2/4, khi tuyên bố áp dụng mức thuế quan mới với hơn 180 nền kinh tế, ông Donald Trump đã 2 lần nhắc đến tên Việt Nam và cảm thán "Việt Nam, họ là những nhà đàm phán rất giỏi. Họ thích tôi. Tôi thích họ", nhưng ông cũng cho rằng vì Việt Nam đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ 90% nên nước này đáp trả bằng chính sách thuế quan 46%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Có lẽ vì những ấn tượng tốt đẹp với Việt Nam, cũng như cảm nhận được sự thiện chí từ phía lãnh đạo Việt Nam nên ngay sau cuộc điện đàm, Tổng thống Donald Trump đã chia sẻ dòng trạng thái trên mạng xã hội Truth Social: "Tôi vừa có một cuộc điện đàm rất hiệu quả với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông ấy nói với tôi rằng Việt Nam muốn giảm thuế quan xuống mức 0 nếu họ có thể đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ. Tôi đã thay mặt đất nước gửi lời cảm ơn ông ấy và nói rằng tôi mong được gặp trực tiếp trong thời gian tới".
Dù Việt Nam không phải là nước đầu tiên tiến hành đàm phán với Hoa Kỳ xung quanh việc áp thuế đối ứng, nhưng lại là nước đầu tiên Tổng thống Donald Trump công bố kết quả điện đàm trên trang chính thức của mình.
"Tính chất của cuộc điện đàm cho thấy sự vào cuộc một cách kịp thời, chủ động từ phía các nhà lãnh đạo đất nước, đồng thời thể hiện tinh thần nhất quán là chúng ta luôn có sự tôn trọng và cầu thị trong ngoại giao kinh tế và trong mối quan hệ đối với Hoa Kỳ", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) chia sẻ với phóng viên TTXVN.
Theo bà, rất nhiều quốc gia đã và đang chuẩn bị cho những vòng đàm phán, tuy nhiên việc Tổng thống Donald Trump đăng tin tức điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm lên trang cá nhân của ông là một chi tiết rất đặc biệt, "cho thấy trong mối quan hệ bang giao, hoạt động thương mại giữa hai nước có sự đặc biệt so với câu chuyện chung". Việc đàm phán còn rất nhiều công việc kỹ thuật phải làm, nhưng đây là chi tiết động viên cộng đồng doanh nghiệp rất nhiều.
"Với sự nhất quán trong ngoại giao kinh tế, vào cuộc một cách chủ động và chân thành trong đàm phán, chúng tôi hi vọng những cuộc đàm phán tới đây sẽ có bước tiến rõ rệt, đáp ứng sự chờ đợi của cộng đồng doanh nghiệp", bà Thủy nói.
Những động thái khẩn trương, tích cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã truyền đi thông điệp Việt Nam hết sức thiện chí, mong muốn việc đàm phán đạt kết quả tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, như lời khẳng định của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc rằng "Việt Nam luôn chủ động, cầu thị và phối hợp mạnh mẽ với phía Hoa Kỳ để đàm phán thuế một cách công bằng, chống vấn đề trung chuyển hàng hóa, đẩy mạnh thương mại hai chiều theo hướng cả hai cùng có lợi".
Không phải chờ cho đến khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan này, mà trong suốt hơn 2 tháng qua, Chính phủ đã chủ động và tích cực giải quyết các mối quan tâm về thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành đã giao thiệp với phía Hoa Kỳ, trao đổi trên tất cả các kênh chính trị, ngoại giao. Đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành hơn 3 tiếng để lắng nghe ý kiến của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ.
Một mặt, chúng ta cơ bản giải quyết những vấn đề quan tâm của phía Hoa Kỳ, đặc biệt là chủ động giảm 23 dòng thuế nhập khẩu (nhiều dòng thuế có thuế suất 0%, hoặc thấp hơn mức thuế quan Hoa Kỳ áp với Việt Nam), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; mặt khác, nỗ lực thúc đẩy cân bằng cán cân thương mại hai nước thông qua các hợp đồng mua hàng hóa từ nước này. Theo thông tin từ Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Việt Nam đang triển khai mua 250 máy bay Boeing và một số máy bay quân sự, mua khí hóa lỏng (LNG) với trị giá 6 tỷ USD cùng nhiều hàng hóa, thiết bị khác trị giá trên 90 tỷ USD…
Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Việt Nam đã và đang rất nỗ lực để dỡ các rào cản cho các sản phẩm hàng hóa nông sản Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam như ngô, đậu tương, trái cây, thịt bò, thịt gà và gần đây các sản phẩm biến đổi gen để làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đến thời điểm này phía Hoa Kỳ gửi 61 bộ hồ sơ về các sản phẩm biến đổi gen, Bộ đã giải quyết 60/61 bộ, chỉ còn một bộ hồ sơ chờ phía đối tác Hoa Kỳ cung cấp bổ sung thông tin.
"Hiện nay chúng tôi đang rà soát sửa đổi Thông tư 04 liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Trong quá trình sửa đổi chúng tôi sẽ gửi ý kiến tham vấn của các đối tác Hoa Kỳ để bảo đảm các rào cản kỹ thuật tiếp tục được dỡ bỏ theo hướng thông thoáng nhất", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.
Về ứng phó với vấn đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, theo Thứ trưởng Lê Tấn Cận, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Hải quan tăng cường quản lý đối với hoạt động xuất nhập khẩu; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại…
Những nỗ lực ngoại giao kinh tế của lãnh đạo Chính phủ những ngày qua, cùng sự sẵn sàng chung tay từ phía các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và AmCham, USABC cho chúng ta niềm tin lạc quan về một kết quả đàm phán tốt đẹp, công bằng, hài hòa với lợi ích của hai nước – hai Đối tác Chiến lược toàn diện, với lịch sử gần 30 năm thiết lập, vun đắp quan hệ ngoại giao.
Xin kết bài viết này bằng ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, "Việt Nam chưa bao giờ tìm cách làm giàu bằng con đường phi chính đáng. Việt Nam không thao túng. Việt Nam chỉ đang làm điều mà mọi quốc gia có chí tiến thủ đều làm: Tham gia một cách nghiêm túc vào cuộc chơi toàn cầu, bằng sức lao động của chính mình. Và vì thế, Việt Nam xứng đáng được đối xử công bằng".