Hóa giải 'nỗi oan' vaccine gây bệnh

Trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi, bạch hầu và ho gà đang gia tăng, tiêm chủng đầy đủ được xem là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, những thông tin sai lệch về vaccine đã gây ra không ít lo ngại, khiến công tác tiêm chủng, nâng cao sức đề kháng cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Tiêm vaccine đầy đủ được xem là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. (Ảnh: Sở Y tế Nghệ An)

Tiêm vaccine đầy đủ được xem là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. (Ảnh: Sở Y tế Nghệ An)

Hiểm họa từ những thông tin sai lệch

Sự xuất hiện của vaccine được xem là một thành tựu y học vĩ đại của loài người vì kể từ khi vaccine ra đời nhân loại đã có được một loại vũ khí hữu hiệu, mạnh mẽ nhất để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những nỗ lực tiêm chủng toàn cầu đã cứu được ít nhất 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua, trong đó trẻ sơ sinh chiếm đến 101 triệu sinh mạng. “Tiêm chủng là đóng góp lớn nhất của bất kỳ biện pháp can thiệp y tế nào nhằm đảm bảo trẻ sơ sinh không chỉ được đón sinh nhật đầu tiên mà còn tiếp tục có cuộc sống khỏe mạnh khi trưởng thành”, WHO nhận định.

Ở Việt Nam, tiêm chủng đã cứu hàng triệu mạng sống và bảo vệ vô số trẻ em khỏi bệnh tật và khuyết tật. Trong đó, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã thanh toán thành công bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và tiến tới loại trừ bệnh sởi. Trong khoảng 40 năm qua, vaccine đã bảo vệ được trên 6,7 triệu trẻ em Việt Nam và ngăn chặn hàng trăm nghìn ca tử vong do các bệnh chết người ở trẻ em như bệnh bạch hầu, ho gà, bại liệt và uốn ván.

Chính vì lợi ích của vaccine mang lại cho con người là vô cùng to lớn nên ngày nay hoạt động tiêm chủng được phổ cập và khuyến nghị ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển của mình, vaccine gặp không ít những trở ngại, một trong số đó là việc bị gắn với hàng loạt thông tin sai lệch.

Trong thời đại công nghệ 4.0, thông tin lan truyền rất nhanh chóng và thật không may thông tin sai lệch về vaccine cũng vậy. Những hiểu lầm về vaccine có thể bắt đầu từ một tin đồn đơn giản, một sự hiểu sai khái niệm, hoặc thậm chí là sự tuyên truyền thông tin sai lệch có chủ đích. Những thông tin sai lệch này có thể dẫn đến sợ hãi và nhầm lẫn và trong một số trường hợp gây hiểm họa nguy hiểm như sự bùng phát của các bệnh mà chúng ta đã kiểm soát được, đơn cử như bệnh sởi.

Năm 1974, báo cáo sai lệch của một nhóm tác giả ở Anh về 22 trẻ chậm phát triển và động kinh sau khi tiêm vaccine ho gà toàn tế bào đã khiến làn sóng anti vaccine phát triển mạnh mẽ. Thông tin này khiến tỉ lệ tiêm chủng ho gà ở Anh giảm mạnh từ 81% xuống còn 31%, hậu quả khiến 100.000 trẻ mắc bệnh ho gà và 31 bé tử vong. Báo cáo này cũng làm giảm tỉ lệ tiêm chủng ho gà và tăng số ca tử vong do ho gà ở Nhật Bản, Thụy Điển và Xứ Wales.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đối chứng sau này đã chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ bị chậm phát triển và động kinh sau khi tiêm vaccine ho gà toàn tế bào không khác biệt so với trẻ không tiêm vaccine. Thêm vào đó, nhiều trường hợp trong số những trẻ bị ảnh hưởng thực chất mắc hội chứng Dravet (khiếm khuyết vận chuyển kênh Na), một bệnh lý hiếm gặp liên quan đến gen di truyền.

Tiếp đó, vào năm 1998, một tác giả đã đăng tải trên tạp chí uy tín trên thế giới về mối liên quan giữa vaccine MMR (sởi - quai bị - rubella) và bệnh tự kỷ. Bài báo nêu 12 ca bệnh nhiễm trùng đường ruột và tự kỷ có liên quan đến MMR. Lập tức, tỉ lệ tiêm chủng vaccine MMR giảm và dịch bệnh bùng phát tại Anh.

Để làm rõ vấn đề, nhiều nghiên cứu khoa học đã phải tiến hành sau đó và đi đến kết luận rằng không có bất kỳ mối liên quan nào giữa vaccine MMR và bệnh tự kỷ. Tác giả của bài báo này sau đó bị kết tội gian lận dữ liệu và bị phát hiện có xung đột lợi ích khi công bố thông tin. Sau 12 năm đăng tải, bài báo đã bị rút hoàn toàn khỏi tạp chí trên.

Hay gần đây nhất, trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, những thông tin sai lệch về vaccine đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thông tin sai lệch lan rộng trong cộng đồng, khiến nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh, lo ngại và trì hoãn việc tiêm vaccine cho trẻ em. Vào thời điểm đó, số bệnh nhân COVID-19 nặng tại Việt Nam đang gia tăng, theo thống kê của một số cơ sở điều trị cho thấy khá nhiều bệnh nhân là người lớn và trẻ em đều chưa tiêm vaccine.

Chưa dừng lại, phong trào “dòng máu tinh khiết” tiếp tục xuất hiện tại một số quốc gia, tập trung vào việc phản đối vaccine và đưa ra những tuyên bố vô căn cứ, cho rằng cơ thể sẽ bị “nhiễm bẩn” nếu nhận máu từ người đã tiêm vaccine COVID-19. Từ đó dẫn đến việc nhiều người ngăn cản thực hiện truyền máu trong các ca phẫu thuật và kích động bạo lực chống lại bác sĩ. Phản hồi về quan niệm sai lệch này, giới chuyên gia khẳng định luận điệu đưa ra hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Theo đó, máu của người hiến đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 là an toàn với người nhận máu. Cũng như các vaccine khác, vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất để tạo phản ứng miễn dịch giúp bảo vệ con người không mắc bệnh và các thành phần vaccine không tìm thấy trong máu.

Minh bạch khi đưa tin về vaccine

Trên thực tế, hàng loạt những thông tin sai lệch về vaccine đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới từ nhiều năm nay. Những thông tin này không chỉ tạo ra sự hoài nghi mà còn gieo rắc nỗi sợ hãi trong cộng đồng. Đồng thời đây cũng là khởi nguồn của làn sóng “anti vaccine” và khiến chúng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Thông tin sai lệch về vaccine thường xuất hiện trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa - Nguồn: ST)

Thông tin sai lệch về vaccine thường xuất hiện trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa - Nguồn: ST)

Nhận định về vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương từng chia sẻ, trước khi có chủng ngừa, những bệnh có thể ngăn chặn được bằng vaccine như sởi, ho gà... khá phổ biến trong cộng đồng. Khi chương trình tiêm chủng hiệu quả, tỷ lệ bao phủ cao, giúp giảm nhiều loại bệnh thì cộng đồng không còn gặp hoặc có rất ít kinh nghiệm trải qua các bệnh nói trên. Khi đó lợi ích của vaccine chỉ là mô tả trên sách báo, còn việc tiêm chủng thì gắn với những khó chịu, đau đớn của trẻ. Khi phụ huynh tra cứu tìm hiểu thì gặp nhiều thông tin không khuyến khích tiêm vaccine. Chưa kể một số trường hợp rủi ro hiếm gặp trùng với các sự kiện nghiêm trọng khác nên vaccine thường bị quy kết là tội đồ.

Đồng quan điểm, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã từng đưa ra cảnh báo thông tin sai lệch về vaccine là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Sự tấn công dữ dội của thông tin sai lệch về vaccine tiếp tục khiến trẻ nhỏ có nguy cơ tử vong và mắc những căn bệnh vốn dĩ có thể phòng ngừa được.

Tất nhiên, cần phải nhìn nhận rằng không thể khẳng định mọi loại vaccine đều không có nguy cơ hoặc tác dụng phụ. Nhưng những thông tin truyền tải về vaccine cần được đưa ra một cách minh bạch, khoa học và khách quan. Đơn cử như trong bài tuyên truyền về công tác tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế có nêu rõ: “Mặc dù vaccine là an toàn, nhưng không phải hoàn toàn không có nguy cơ; phản ứng sau tiêm chủng (PƯSTC) có thể sẽ xuất hiện sau sử dụng vaccine. Một số người gặp các PƯSTC khác nhau từ phản ứng nhẹ, thông thường đến phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Hầu hết các trường hợp PƯSTC nặng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ. Một số trường hợp PƯSTC có thể do vaccine hoặc do sai sót trong việc bảo quản, vận chuyển, sử dụng, chỉ định và tiêm chủng vaccine”.

Bài tuyên truyền cũng nhấn mạnh, bất kể nguyên nhân gây ra các PƯSTC là gì, chúng đều khiến nhiều người lo lắng và từ chối tiêm chủng cho con cái. Hệ quả là trẻ em trở nên dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm hơn, thậm chí đối mặt với nguy cơ đe dọa tính mạng.

Quả thật, trong bối cảnh tình hình bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh đã có xu hướng gia tăng số ca mắc tại nhiều quốc gia, việc tiêm chủng đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần tạo ra miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy, nâng cao nhận thức về vai trò thiết yếu của tiêm chủng và đẩy lùi thông tin sai lệch là nhiệm vụ cấp bách để giảm thiểu các nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận 20.469 trường hợp nghi sởi, trong đó 4.918 trường hợp dương tính và 5 trường hợp tử vong. Nhiều bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sốt rét, bạch hầu, cúm mùa… và một số dịch bệnh mới xuất hiện ở Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng. Để ngăn chặn và phòng ngừa từ sớm, từ xa, tăng cường tiêm chủng với các bệnh dự phòng bằng vaccine là yếu tố quan trọng nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Tuệ Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoa-giai-noi-oan-vaccine-gay-benh-post536261.html
Zalo