Hóa giải nội lực để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2025

Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Quốc hội giao cho Chính phủ 6,5-7%, phấn đấu 7,5%. Tuy nhiên, một số tổ chức quốc tế và giới chuyên gia chỉ ra những thách thức nền kinh tế phải đối mặt.

Các thách thức cần phải được hóa giải từ nội lực mới có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2025 đạt kế hoạch, hướng đến mốc 8% như tại Công điện 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là chuyển đổi số quốc gia”. Trong đó đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công-tư; thu hút FDI có chọn lọc, có chính sách hỗ trợ để thu hút khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực thu hút các tập đoàn đa quốc gia…

Với đầu tư công, năm 2025, kế hoạch vốn được Chính phủ dự kiến ở mức 791.000 tỷ đồng, tăng 12,4% so với nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024. Năm 2025 cũng là năm cuối của kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó, tăng trưởng GDP 3 năm 2021-2023 khá thấp, lần lượt là 2,58%, 8,02% và 5,05% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong giai đoạn 2021 -2025, các nhà điều hành sẽ đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025. Trong đó, đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc nhờ lạm phát hạ nhiệt và tỷ giá ổn định hơn vào giai đoạn cuối năm 2025.

Giải ngân đầu tư công khá chậm trong năm 2024 do tác động không tích cực của lạm phát và tỷ giá. Vì vậy, dư địa để thúc đẩy đầu tư công trong năm 2025 vẫn còn nhiều. Điển hình ở khu vực phía Nam với một số dự án tiêu biểu được thực hiện 2025, như Sân bay quốc tế Long Thành, đường Vành đai số 4…

Đây là những dự án lớn nhằm mục đích tăng cường kết nối giữa khu vực thành thị - nông thôn và giảm chi phí logistics, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bên cạnh đầu tư công, dòng vốn FDI được dự báo tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam sẽ là động lực quan trọng góp phần vào tăng trưởng cho năm 2025. Theo dự báo, chiến lược “Trung Quốc +1” của các công ty đa quốc gia, dòng vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ có giá trị cao, không chỉ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mà còn là yếu tố đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của GDP. Đơn cử như việc các “gã khổng lồ” công nghệ trên thế giới đã, đang và sẽ quyết định mở rộng chiến lược tại Việt Nam.

TS. Sam Goundar, chuyên gia cấp cao ngành công nghệ tại Đại học RMIT, nhận định các khoản đầu tư của những “đại bàng” công nghệ này là những cột mốc đáng chú ý. Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của thế giới công nghệ toàn cầu.

Những động thái này cho thấy Việt Nam không chỉ là điểm đến của sản xuất giá rẻ, mà yếu tố làm nên sức hấp dẫn từ dân số trẻ và am hiểu công nghệ, đến chính sách hỗ trợ của Chính phủ và vị trí địa lý chiến lược. Nhiều công ty muốn dịch chuyển một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam đem đến sự kết hợp của nhiều điều kiện thuận lợi - vị trí gần Trung Quốc, chi phí phải chăng và nguồn lao động lành nghề ngày càng tăng.

Về xuất khẩu, mới đây Bộ Công Thương đặt mục tiêu năm 2025 xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024, trên cơ sở nhận định hầu hết các thị trường xuất khẩu đã phục hồi, các thị trường Việt Nam đã ký hiệp định tự do thương mại (FTA) đều tăng trưởng cao.

Thực tế năm 2024, cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước, đều ghi nhận tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 105,5 tỷ USD, tăng 19,5%, cao hơn mức tăng trưởng của khu vực FDI (12,6%).

Một động lực quan trọng khác không thể không nhắc đến chính là tiêu dùng nội địa, được dự báo sẽ gia tăng trong năm 2025 nhờ yếu tố thuận lợi từ đô thị hóa và nhân khẩu học. Đô thị hóa nhanh chóng và sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu, đang thay đổi hành vi người tiêu dùng và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Đáng chú ý, hơn 60% GDP của Việt Nam có nguồn gốc từ chi tiêu của người tiêu dùng. Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường trong nước trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế cho năm 2025.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/hoa-giai-noi-luc-de-dat-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-2025-post119390.html
Zalo