Hóa giải điểm nghẽn, khai phóng tiềm năng điện mặt trời

Điện mặt trời đang mở ra cơ hội bứt phá cho Việt Nam trên hành trình chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển bền vững.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và giảm phát thải carbon, góp phần hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trong bức tranh chuyển đổi năng lượng đó, điện mặt trời nổi lên như một trong những giải pháp chiến lược, đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tuy nhiên, song hành cùng những cơ hội là không ít thách thức về chính sách, hạ tầng và nhận thức cộng đồng cần được tháo gỡ để tận dụng trọn vẹn tiềm năng to lớn này.

Nhiều dư địa để phát triển

Với vị trí địa lý nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên ánh nắng dồi dào, trung bình từ 1.500 đến 2.700 giờ nắng mỗi năm. Theo Ngân hàng thế giới (WB), bức xạ mặt trời tại Việt Nam dao động từ 4,6 - 5,2kWh/m²/ngày, thuộc nhóm cao của thế giới. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển điện mặt trời quy mô lớn, từ hộ gia đình, doanh nghiệp đến các dự án tập trung.

Đến nay, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời tại Việt Nam đã vượt 20.000MW, đóng góp quan trọng vào cơ cấu nguồn điện quốc gia. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trung bình khoảng 10%/năm, đặc biệt tại các khu công nghiệp và đô thị lớn, nơi cần nguồn năng lượng ổn định, sạch và bền vững. Bối cảnh này mở ra cơ hội to lớn cho năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng.

Nắm bắt xu thế này, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đầu tư và phát triển các giải pháp điện mặt trời tiên tiến. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và phát triển năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) là một trong những đơn vị tiên phong.

Với năng lực nghiên cứu, sản xuất và triển khai hệ thống điện mặt trời đạt chuẩn quốc tế, SolarBK đã giúp hàng nghìn hộ gia đình và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí điện đồng thời giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Thị trường điện mặt trời tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít rào cản. Ảnh Quỳnh Anh

Thị trường điện mặt trời tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít rào cản. Ảnh Quỳnh Anh

Các sản phẩm nổi bật như hệ thống điện mặt trời áp mái, công nghệ giám sát năng lượng thông minh độc quyền từ SolarBK, dịch vụ quản lý vận hành và giám sát dành cho hệ thống năng lượng sạch quy mô công nghiệp.

“ Điểm mạnh của SolarBK không chỉ ở sản phẩm hay giải pháp chất lượng cao, mà còn ở việc làm chủ công nghệ, dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp và cam kết đồng hành cùng khách hàng trên hành trình sử dụng năng lượng bền vững”, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc SolarBK Group nói tại hội thảo “ Tương lai phát triển điện mặt trời tại Việt Nam” vừa qua trong trong khuôn khổ triễn lãm Solar &Storage Live Vietnam 2025

Gỡ điểm nghẽn

Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thị trường điện mặt trời tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít rào cản. Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là sự thiếu ổn định và đồng bộ trong chính sách.

Việc thay đổi liên tục cơ chế giá mua điện (FIT) trong thời gian ngắn khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn và đánh giá hiệu quả tài chính. Nhiều quỹ đầu tư quốc tế vẫn tỏ ra dè dặt với năng lượng tái tạo tại Việt Nam do những rủi ro pháp lý và sự thiếu minh bạch trong cơ chế.

Mặc dù hai nghị định mới ban hành bao gồm Nghị định 57/2025/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Nghị định 58/2025/NĐ-CP đã phần nào mở ra hướng đi mới cho thị trường, cho phép doanh nghiệp mua điện tái tạo trực tiếp từ các dự án ở xa thay vì chỉ sản xuất tại chỗ, nhưng để thực sự tạo cú hích, các cơ chế này cần được hoàn thiện và triển khai một cách thực chất, nhất quán và hiệu quả.

“Nhiều nguồn vốn chúng tôi đã giải ngân thì cơ chế, chính sách mới được ban hành. Điều này cũng sẽ khiến các quỹ đầu tư như chúng tôi gặp khó khăn, thách thức cho những dự án sau này”, bà Trần Thủy Tiên, Giám đốc phát triển kinh doanh và quan hệ đối tác của Constant Energy Vietnam cho biết.

Một điểm nghẽn khác là hạ tầng truyền tải điện. Sự phát triển quá nhanh của điện mặt trời ở một số địa phương đã gây quá tải lưới điện, khiến nhiều dự án không thể phát hết công suất dù đã hoàn thành. Bài toán này đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ và quy hoạch đồng bộ về hệ thống truyền tải.

Ngoài ra, sự hạn chế về nhận thức và kỹ năng triển khai cũng là yếu tố cản trở sự phát triển bền vững của điện mặt trời. Nhiều người dân và doanh nghiệp chưa hiểu rõ lợi ích dài hạn của năng lượng tái tạo hoặc triển khai sai kỹ thuật, gây lãng phí và mất an toàn.

Để khai phá hết tiềm năng điện mặt trời, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược tổng thể, đồng bộ và lâu dài. Trước tiên, cần hoàn thiện khung chính sách pháp lý theo hướng ổn định, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án.

Song song đó, việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện và hệ thống lưu trữ năng lượng là yếu tố then chốt nhằm giải quyết tình trạng quá tải và đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện quốc gia.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích sản xuất thiết bị nội địa và phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm và gia tăng tính chủ động cho thị trường trong nước. Đồng thời, tăng cường hợp tác công tư và nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của năng lượng sạch sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Với sự đồng hành của các doanh nghiệp tiên phong như SolarBK, ngành điện mặt trời Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để bứt phá mạnh mẽ. SolarBK là đơn vị không ngừng đổi mới, làm chủ công nghệ và cam kết phát triển bền vững.

Quỳnh Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/hoa-giai-diem-nghen-khai-phong-tiem-nang-dien-mat-troi-d41125.html
Zalo