Hóa đơn tiền điện tháng 4 tại TP.HCM dự báo tăng vọt

Hóa đơn tiền điện của người dân TP.HCM bắt đầu tăng 40-50% từ tháng 3. Dự kiến tiền điện sẽ tiếp tục tăng mạnh khi nhu cầu sử dụng điện tháng 4 đạt mức kỷ lục trong năm.

 Hóa đơn tiền điện tại TP.HCM dự báo tiếp tục tăng vọt trong tháng 4. Ảnh: EVN.

Hóa đơn tiền điện tại TP.HCM dự báo tiếp tục tăng vọt trong tháng 4. Ảnh: EVN.

Anh Thành Nhân (30 tuổi, sống tại quận 10, TP.HCM) vừa thanh toán hóa đơn tiền điện tháng 3 khoảng 1,3 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với tháng liền trước.

“Năm nay, tiền điện tăng đột biến nên tôi khá bất ngờ. Tôi đã hỏi thử hàng xóm xung quanh và biết được tiền điện tháng vừa rồi của họ cũng tăng cao. Mới tháng 3 mà đã vậy, tháng 4 không biết còn tăng lên bao nhiêu nữa”, anh Nhân lo lắng.

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), sản lượng tiêu thụ điện của TP.HCM dự báo đạt đỉnh trong tháng 4, do đó tiền điện sinh hoạt trong tháng này của người dân sẽ tiếp đà tăng mạnh. Bên cạnh đó, từ ngày 11/10/2024, giá điện đã tăng gần 5% khiến hóa đơn tiền điện mùa nóng năm nay tăng cao hơn mọi năm.

Tiền điện dự báo tăng mạnh

Gia đình chị T. Kỳ (37 tuổi, nhân viên văn phòng) có 4 người sống tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Chị Kỳ cho biết các thành viên đều đi làm đến tối mới về nhà, ngoài ra chỉ sử dụng 2 máy lạnh, không tổ chức tiệc tùng... mà hóa đơn tiền điện tháng 3 đã tăng vọt lên hơn 1,6 triệu đồng.

“Tháng vừa rồi tăng gần 400.000 đồng so với tháng 2. Năm ngoái, cứ đến tháng 3 là tiền điện cũng bắt đầu tăng nhưng đến cao điểm mùa nóng, tiền điện cũng không nhiều bằng năm nay", chị Kỳ nói thêm.

Bà Nguyễn Anh Ngân (40 tuổi) sống cùng 5 thành viên gia đình tại quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết tháng vừa rồi gia đình bà phải trả hơn 1,7 triệu đồng tiền điện, tăng gần 600.000 đồng so với tháng 2 và cao nhất từ tháng 1/2024 đến nay.

“Tiền điện tăng vọt mà các thành viên trong nhà ai cũng bất ngờ. Tôi lo hóa đơn tiền điện tháng này có thể vượt 2 triệu đồng”, bà Thanh chia sẻ.

Theo các dự báo của EVNHCMC, nhu cầu tiêu thụ điện tại TP.HCM trong mùa nắng nóng năm 2025 có xu hướng gia tăng so với năm 2024.

Nói về nguyên nhân hóa đơn tiền điện tháng 3 của nhiều hộ gia đình TP.HCM tăng cao, ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc EVNHCMC cho biết tháng 3 có 31 ngày và là tháng đầu tiên của chu kỳ nắng nóng, chưa có mưa nên nhiệt độ trung bình cao hơn tháng 2. Do đó, người dân sử dụng máy lạnh nhiều dẫn đến sản lượng điện sinh hoạt cao.

Tuy nhiên, EVNHCMC cho biết tháng 4 mới là tháng đỉnh điểm của nắng nóng. Theo đó, sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày toàn TP.HCM thời gian tới dự báo đạt 100,8 triệu kWh, cao hơn 35% (tương đương 26,04 triệu kWh/ngày) so với tháng 2 và cao hơn 16% (tương đương 13,83 triệu kWh/ngày) so với tháng 3.

“Tháng 4 nắng nóng kéo dài dẫn đến việc sử dụng máy lạnh ở mức cao nhất năm. Ngoài ra, tháng 4 có hai đợt lễ (Giỗ tổ Hùng Vương ngày 7/4 và Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4) dự kiến 28/4 sẽ là ngày có sản lượng điện sinh hoạt cao nhất trong năm 2025”, ông Kiên nói thêm.

Tiền điện tăng mạnh hơn mọi năm

Ngoài nguyên nhân nhu cầu xài điện tháng cao điểm mùa nóng, cách tính giá điện bậc thang cũng khiến hóa đơn tiền điện năm nay tăng cao hơn mọi năm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% từ 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), áp dụng từ ngày 11/10/2024. Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 96,32 đồng/kWh.

Với 6 bậc thang, bậc thấp nhất là 1.893 đồng/kWh và cao nhất là 3.302 đồng/kWh, số tiền chênh lệch mà người dân phải trả mỗi tháng tăng lên tối thiểu 4.350 đồng và tối đa 62.150 đồng.

Cụ thể, mùa nắng nóng năm nay các hộ dùng 301-400 kWh/tháng sẽ có phí tiền điện tăng thêm khoảng 47.000 đồng/tháng (chưa VAT). Đối với các hộ dùng từ 401 kWh/tháng trở lên sẽ phải trả thêm khoảng 62.000 đồng/tháng (chưa VAT).

Do đó, mùa nắng nóng năm nay, người dân giữ hoặc tăng mức dùng điện so với năm ngoái, tiền điện vẫn tăng mạnh.

 EVNHCMC khuyến cáo người dân đặt nhiệt độ máy lạnh ở mức 26-28°C. Ảnh: HH Air Conditioner.

EVNHCMC khuyến cáo người dân đặt nhiệt độ máy lạnh ở mức 26-28°C. Ảnh: HH Air Conditioner.

EVNHCMC cho biết tháng 5 thường là tháng có nền nhiệt cao nhất trong năm, kéo theo nhu cầu sử dụng điện ở mức đỉnh điểm.

Công ty dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm 5-15%, mức tiêu thụ điện có thể duy trì ở mức cao nhưng có sự dao động theo từng ngày, tùy thuộc vào số ngày có mưa và nhiệt độ thực tế.

Ông Bùi Trung Kiên cho biết nhiệt độ môi trường có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt trong mùa nắng nóng. Khi nhiệt độ tăng cao, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt điện và tủ lạnh tăng mạnh, kéo theo lượng điện tiêu thụ tăng đáng kể.

"Đối với hộ gia đình, điều hòa không khí có thể chiếm tới 50% tổng điện năng vào mùa nóng, đặc biệt khi nhiệt độ vượt ngưỡng 35°C. Ngoài ra, tủ lạnh và các thiết bị điện khác cũng hoạt động nhiều hơn để duy trì hiệu suất, làm tăng mức tiêu thụ điện từ 20-30% so với các tháng còn lại", ông Kiên bổ sung.

Để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế tiền điện tăng cao trong mùa nắng nóng, EVNHCMC khuyến cáo người dân chọn thiết bị làm mát tiết kiệm năng lượng, đặt nhiệt độ máy lạnh ở mức 26-28°C và sử dụng chế độ quạt gió để tiết kiệm điện, bão dưỡng thiết bị định kỳ; tận dùng nguồn làm mát tự nhiên như sử dụng quạt trần, quạt điện, gió, ánh sáng tự nhiên…

Mộc Miên

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoa-don-tien-dien-thang-4-tai-tphcm-du-bao-tang-vot-post1544354.html
Zalo