Hoa của đại ngàn
Có lẽ chưa có buổi kết nạp đảng viên nào lại đong đầy cảm xúc đến vậy. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi khi Cao Thị Lệ Hằng-người Rục đầu tiên đậu đại học- giờ đây chính thức trở thành đảng viên mới của Trường đại học Quảng Bình. Giây phút em tuyên thệ dưới lá cờ Đảng cũng là lúc những người chứng kiến cảm nhận rõ một niềm tin đang được thắp lên, rằng lý tưởng sống đẹp, ánh sáng tri thức vẫn đang len vào những bản làng xa ngái và những 'hạt giống đỏ' như Lệ Hằng đang âm thầm nảy mầm giữa đại ngàn.

Lệ Hằng tận tình hướng dẫn các em học sinh rửa tay đúng cách -Ảnh: D.H
Hành trình ngược dốc
Quê của Hằng ở bản Mò O Ồ Ồ (xã Kim Phú), nơi từng được ví như “ốc đảo” giữa rừng, biệt lập, thiếu điện, thiếu chữ, thiếu cả những khái niệm căn bản về sức khỏe, vệ sinh. Sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, lại mồ côi cha từ nhỏ, tuổi thơ của Hằng là những tháng ngày chật vật mưu sinh trong túp lều dựng giữa đại ngàn.
Từ bản làng heo hút, nơi người dân từng sống đời du canh du cư, không biết chữ, không biết tiếng Kinh, hành trình đến giảng đường và đứng trong hàng ngũ của Đảng đối với Lệ Hằng là một chặng đường gian khó. Những đêm lạnh cắt da phải đi bộ hàng chục cây số từ bản ra đến đường Hồ Chí Minh để bắt xe xuống thành phố học, chuỗi ngày khó khăn tưởng như muốn bỏ rơi con chữ giữa lưng chừng... tất cả giờ đây đã được đền đáp xứng đáng.
Chứng kiến sự trưởng thành của Hằng, những chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng không giấu được xúc động. Các anh gọi Hằng là “niềm tự hào của bản”, là minh chứng cho sự đổi thay từng ngày của đồng bào từng sống trong hang đá, lạc hậu và tách biệt. “Hằng là học sinh được đồn chúng tôi hỗ trợ trong chương trình “Nâng bước em đến trường”.
Chúng tôi đã chứng kiến sự lớn lên, trưởng thành, tiến bộ từng ngày và cả những nỗ lực vươn lên của em. Hôm nay, thấy Hằng đứng dưới cờ Đảng, tự tin, chững chạc, thực sự rất xúc động”, giọng Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng chùng xuống.
Sự trưởng thành ấy không đến trong ngày một, ngày hai. Từ những ngày đầu rời bản để theo học Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, Hằng đã phải làm quen với một thế giới rất khác: không còn tiếng Rục, không còn bữa cơm chung quanh bếp lửa, không còn sự chở che thân thuộc. Ở đó, em tự học cách thích nghi, tự mình vượt qua cảm giác cô đơn, rụt rè và mặc cảm.
Đỗ vào Trường đại học Sư phạm Huế nhưng Hằng lại lựa chọn theo học tại Trường đại học Quảng Bình. Tại đây, hành trình ngược dốc của cô sinh viên nghèo ấy lại tiếp tục được viết theo một cách khác. Không chỉ đối mặt với áp lực học tập, Hằng còn phải xoay xở đủ bề để lo sinh hoạt phí. Nhưng chưa bao giờ em để điểm số của mình sa sút và càng không quên lý do vì sao mình bắt đầu. Suốt những năm theo học, cô nữ sinh người Rục luôn xếp loại giỏi trong học tập, rèn luyện.

Cao Thị Lệ Hằng (bên phải) là người Rục đầu tiên đậu đại học -Ảnh: D.H
Đưa tri thức về bản
Vốn là con của bản, lớn lên giữa núi rừng hoang dại, hơn ai hết, Hằng hiểu, trẻ con nơi này thiếu thốn đủ bề. Những đứa trẻ người Rục cứ hồn nhiên lớn lên như cỏ dại, đôi khi những điều sơ đẳng như rửa tay, đánh răng, giữ vệ sinh cá nhân vẫn là khái niệm xa xôi.
Thương các em nhỏ như thương chính những năm tháng tuổi thơ thiếu thốn của mình, Hằng cùng một nhóm sinh viên Khoa Giáo dục tiểu học-mầm non thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục về sức khỏe và vệ sinh cá nhân cho trẻ em tộc người Rục (dân tộc Chứt) tại tỉnh Quảng Bình”.
Để có những dữ liệu xác thực, Hằng và các bạn đã vượt suối, băng rừng đến tận các bản Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, khảo sát điều kiện sống, thói quen sinh hoạt, lắng nghe những chia sẻ của phụ huynh. Các em nhỏ được hướng dẫn vệ sinh qua trò chơi, bài hát, hình ảnh trực quan. Hằng tận tình nắm lấy từng bàn tay bé xíu, tỉ mỉ hướng dẫn cách xoa xà phòng, kỳ rửa từng ngón tay.
Từ những động tác tưởng chừng đơn giản ấy, một thói quen mới bắt đầu được “gieo mầm”. “Lúc đầu, các cháu còn rụt rè nhưng sau vài buổi học thì rất háo hức. Nhiều cháu về còn hướng dẫn lại cho bố mẹ. Đó là thay đổi thật, từ những điều rất nhỏ”, cô Đinh Thị Thanh Hoa, Hiệu trưởng Trường mầm non số 2 Thượng Hóa (xã Kim Phú) nói.
Trong suốt những năm học tại Trường đại học Quảng Bình, Cao Thị Lệ Hằng nhận được sự hỗ trợ 3 triệu đồng mỗi tháng từ Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng. Đó vừa là khoản hỗ trợ vật chất, vừa là nguồn động viên tinh thần lớn lao, giúp em yên tâm học tập, vượt qua những ngày tháng gian khó và kiên định với ước mơ học để quay về phục vụ quê hương.
“Gieo mầm” hy vọng
Đề tài của nhóm sinh viên không dừng ở hướng dẫn thực hành mà đã tạo ra bộ tài liệu có thể nhân rộng là hình thức tổ chức giáo dục vệ sinh cá nhân phù hợp với điều kiện văn hóa - ngôn ngữ của người Rục. “Chúng em làm bằng tất cả sự lắng nghe và tôn trọng. Có những điều nếu chỉ ở trên lớp thì không thể hiểu được. Phải xuống bản, sống cùng bà con, mới thấy nên nói gì, làm gì và bắt đầu từ đâu”, em Nguyễn Thị Cẩm Nhung, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu của Hằng về các bản khảo sát điều kiện sống, thói quen sinh hoạt và lắng nghe chia sẻ của phụ huynh -Ảnh: D.H
Tại hội thi Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường năm học 2024-2025, đề tài của nhóm Hằng đã giành giải nhất và được lựa chọn dự thi toàn quốc. Nhưng đó không phải là đích cuối cùng cô gái người Rục này hướng đến mà lớn lao hơn, Hằng mong muốn làm đổi thay nhận thức của cộng đồng nơi em sống.
Đổi thay là khi những đứa trẻ biết rửa tay đúng cách, những bậc làm cha, làm mẹ biết chú ý hơn đến vệ sinh và trên hết là khơi dậy được niềm tin rằng, người bản Rục hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống của mình. “Đề tài có tính ứng dụng cao, chạm vào đúng vấn đề và đề xuất được cách tiếp cận phù hợp.
Đây là một hướng nghiên cứu thực sự có ý nghĩa ở vùng đồng bào dân tộc. Hiện, khoa đã đưa nhiều nội dung từ đề tài vào chương trình đào tạo, đồng thời tổ chức cho sinh viên đi thực tế tại các điểm trường khó khăn để tiếp nối hành trình của Hằng”, TS. Vương Kim Thành, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học-mầm non, Trường đại học Quảng Bình nhận xét.
Ngày được kết nạp vào Đảng, Lệ Hằng đã khóc. Giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt rạng ngời của cô gái trẻ. Em nói đó không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm. Bởi sau lưng em là cả một cộng đồng còn nhiều gian khó. Bản Mò O Ồ Ồ cần tri thức và cần cả những người trẻ biết nghĩ và dám làm. “Em sẽ trở về bản sau khi ra trường. Em muốn làm giáo viên, để dạy trẻ em người Rục từ những điều đơn giản nhất”, Hằng bày tỏ.
Cao Thị Lệ Hằng - bông hoa của núi - đã lặng lẽ lớn lên giữa những khắc nghiệt của đại ngàn, vượt qua mọi thiếu thốn để theo đuổi đến cùng hành trình tìm con chữ. Sinh ra từ một bản làng từng biệt lập, cô gái này muốn mang tri thức trở về để góp phần đổi thay quê hương. Điều ấy không phải là phép màu. Đó là kết quả của sự kiên cường, bền bỉ và tử tế của một người trẻ biết rõ mình đang sống vì điều gì.