Hóa chất Đức Giang tiết lộ thời gian cấp phép siêu dự án tại 'mỏ vàng' bô xít lớn nhất Việt Nam, dự kiến mang về 1,5 tỷ USD doanh thu
Vietcombank Securities (VCBS) mới đây vừa công bố báo cáo về CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Hóa chất Đức Giang, HoSE: DGC) với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các dự án của doanh nghiệp.
VCBS cho biết, ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang chia sẻ, dự án Nghi Sơn giai đoạn 1 dự kiến sẽ được xây dựng trở lại vào quý IV/2024. Nhà máy có công suất sản xuất Xút 50.000 tấn/năm, hoàn thành vào khoảng quý IV/2025 và có thể hoạt động tối đa công suất sau một năm.
Ước tính, Hóa chất Đức Giang có thể thu về 1.500 - 2.000 tỷ đồng doanh thu và 200 - 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế với giai đoạn 1. Ngoài ra, câu chuyện tăng trưởng cũng đến từ giai đoạn 2 và giai đoạn 3 nâng công suất sản xuất Xút, sản xuất PVC, và các dẫn xuất giá trị cao với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án được khởi công vào tháng 6/2024. Tuy nhiên, do gặp một số vướng mắc trong việc hoàn tất hồ sơ phòng cháy, chữa cháy và việc triển khai di dân, sắp xếp dân cư, tái định cư một số hộ dân chịu ảnh hưởng nên dự án lùi thời gian triển khai.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo của doanh nghiệp cũng chia sẻ về khả năng vận hành dự án sản xuất Alumin tại Đắk Nông. Dự kiến dự án được cấp giấy phép trong 2 - 3 năm tới và hoàn thành xây dựng sau 2 - 3 năm. Vì vậy, đến giai đoạn 2028 - 2030 dự án mới có thể đi vào hoạt động.
Ước tính với khả năng sản xuất 3 triệu tấn Alumin, tập đoàn có thể thu về 1,5 tỷ USD với giá Alumin hiện tại và dẫn dắt đà tăng trưởng lớn cho Hóa chất Đức Giang.
Được biết, quy mô khai thác dự án này dự kiến khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm, 3 nhà máy tuyển quặng sẽ được xây dựng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư của cả 2 giai đoạn là 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD). Ước tính dự án đóng góp hơn 4.800 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Đắk Nông hàng năm khi đi vào hoạt động.
Cũng theo VCBS, tình hình ngành phân bón trong nước thuận lợi nhờ giá bán phân bón đã hạ nhiệt 30 - 40% từ đỉnh giá giúp nông dân có thể sử dụng phân bón giá rẻ. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ của Hóa chất Đức Giang cũng có sự hồi phục tốt, mặc dù biên lợi nhuận thấp do giá phân bón không cao.
Giá các loại nông sản như cà phê, lúa, cao su tăng mạnh giúp thúc đẩy nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân cho vụ sản xuất mới. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ cũng được thúc đẩy sau một năm giá phân bón tăng cao và hạ nhiệt. VCBS cho rằng Hóa Chất Đức Giang sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng thuận lợi của ngành phân bón và duy trì mặt bằng kinh doanh tốt hỗ trợ cho mảng kinh doanh P4 và Acid.