Hòa bình theo điều kiện: Khi bàn đàm phán trở thành chiến trường ngoại giao

Trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine bước sang năm thứ ba với dấu hiệu bế tắc quân sự và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, sáng kiến đàm phán mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin và các cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Nga-Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ đang được giới quan sát chú ý như một nỗ lực tìm lối thoát cho xung đột. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: liệu đây có thực sự là cơ hội cho hòa bình, hay chỉ là một phần trong chiến lược dài hơi của các bên nhằm định hình lại trật tự khu vực theo điều kiện có lợi cho mình?

Đàm phán Nga-Ukraine: Rào cản từ niềm tin và điều kiện chính trị

Sáng kiến đàm phán của Tổng thống Nga Putin và kênh đối thoại đầu tiên giữa Nga-Ukraine sau 3 năm vào ngày 16/5 tại Thổ Nhĩ Kỳ đang được giới phân tích xem là một trong những cơ hội tiềm năng hướng tới việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài. Bối cảnh hiện tại, với tình hình chiến sự bế tắc, nguồn lực của các bên ngày càng hao mòn, và mối lo ngại về khả năng xung đột lan rộng sang phần còn lại của châu Âu, khiến bất kỳ đề xuất hòa bình nào cũng đáng được cân nhắc một cách nghiêm túc.

Theo quan điểm từ phía Moscow, một hiệp ước hòa bình toàn diện, thay vì một lệnh ngừng bắn tạm thời, là con đường duy nhất để bảo đảm hòa bình lâu dài. Trong khi ngừng bắn có thể là bước đệm cần thiết, Nga lập luận rằng nếu không đi kèm với một giải pháp chính trị rõ ràng, nó sẽ chỉ dẫn đến việc “đóng băng” xung đột, tạo ra khoảng lặng mong manh trước những vòng đối đầu mới.

Có thể thấy, Moscow đang định hình chiến lược ngoại giao của mình theo khuôn khổ các chính sách đối ngoại cổ điển, với trọng tâm là các cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương dựa trên nguyên tắc công nhận thực tế địa chính trị hiện tại. Từ góc nhìn của Nga, các trở ngại lớn cho việc nối lại đối thoại bao gồm sự thiếu tính chính danh của chính quyền Kiev, cũng như hoài nghi về khả năng đàm phán hiệu quả của Ukraine trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ các cường quốc phương Tây.

Một luận điểm mà phía Nga thường cáo buộc là sự thất bại của phương Tây, đặc biệt là Berlin và Paris, trong việc đảm bảo thực thi Thỏa thuận Minsk. Moscow cho rằng họ đã từng đưa ra những nhượng bộ nhất định vì hòa bình, dù những quyết định đó không hề dễ dàng về mặt đối nội. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều quốc gia phương Tây cho rằng chính Nga đã không tuân thủ đầy đủ cam kết của mình, dẫn đến sự sụp đổ của tiến trình đàm phán.

Hiện nay, Nga tái khẳng định sẵn sàng đàm phán dựa trên khuôn khổ các thỏa thuận đạt được tại Istanbul vào năm 2022, một lộ trình mà phía Moscow cho rằng đã bị Kiev từ bỏ dưới áp lực từ các đối tác phương Tây. Theo lập luận này, bất kỳ cuộc đàm phán mới nào cũng phải tính đến “những thực tế trên thực địa”, tức là những thay đổi về vùng kiểm soát và cấu trúc quyền lực sau hơn ba năm xung đột.Tuy nhiên, tính khả thi của cách tiếp cận này vẫn gây tranh cãi, bởi nó đòi hỏi sự đồng thuận từ phía Ukraine và các bên bảo trợ phương Tây - những bên vẫn kiên định lập trường rằng mọi thỏa thuận phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Vấn đề Ukraine và những giới hạn trong tư duy chiến lược của châu Âu

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine đang cho thấy những bất ổn sâu sắc trong cấu trúc an ninh và chính trị của châu Âu, đồng thời phản ánh tâm lý lúng túng của một bộ phận giới tinh hoa chính trị khu vực. Một số quốc gia dường như vẫn kỳ vọng vào khả năng “trở lại trạng thái bình thường” trước chiến tranh, trong khi tiếp tục khung diễn giải xung đột thông qua lăng kính mối đe dọa từ Nga. Tuy nhiên, ngay cả trong nội bộ phương Tây, nhất là trong chính quyền mới tại Mỹ, cũng đã xuất hiện những quan điểm hoài nghi về cách tiếp cận hiện nay và tính hiệu quả lâu dài của nó.

Từ phía Moscow, lập luận được đưa ra là cả Kiev và các đối tác phương Tây đều phải chịu trách nhiệm đối với sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán vào tháng 4 năm 2022 - một bước ngoặt khiến xung đột chuyển sang giai đoạn leo thang. Theo quan điểm này, nếu các nỗ lực tái khởi động đàm phán tiếp tục thất bại, bất kỳ vòng đàm phán mới nào có thể không còn xoay quanh việc đạt được một thỏa thuận cân bằng, mà là về các điều khoản áp đặt từ bên chiến thắng.

Ngoài ra, chi phí chiến lược và kinh tế của cuộc chiến, không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với các nền kinh tế lớn ở châu Âu, đang ngày càng hiện rõ. Việc không có một tiến trình hòa bình đáng tin cậy có thể trở thành một “gánh nặng” đối với chính Liên minh châu Âu và NATO, khi các chính sách trừng phạt kéo dài làm suy yếu chuỗi cung ứng, tăng chi phí quốc phòng, và gây áp lực chính trị trong nước.

Thêm vào đó, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về mức độ thực chất trong chính sách tái vũ trang của các cường quốc châu Âu như Đức, Pháp và Anh. Một mặt, họ cam kết hỗ trợ Ukraine và tăng cường khả năng răn đe, nhưng mặt khác, dư luận nội bộ lại tỏ ra thận trọng, thậm chí hoài nghi, về việc chuyển đổi chính sách quốc phòng từ “phòng ngừa xung đột" sang “chấp nhận đối đầu dài hạn”.

Từ phía Mỹ, có những tín hiệu cho thấy Washington muốn tái khởi động một hình thức hợp tác an ninh như Hội đồng Nga-NATO, vốn từng hoạt động như kênh đối thoại chiến lược trong quá khứ. Tuy nhiên, việc quay lại mô hình cũ mà không điều chỉnh theo thực tế địa chính trị mới có thể không đủ để xoa dịu căng thẳng hiện nay. Một số nhà quan sát đặt câu hỏi: liệu phương Tây có đang lặp lại những sai lầm cũ khi đầu tư quá nhiều vào các cấu trúc an ninh mang tính biểu tượng, trong khi thiếu một nền tảng chính trị-xã hội ổn định để hỗ trợ cho chúng?

Bất kể kịch bản nào xảy ra trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, châu Âu hiện đang đối mặt với một loạt thách thức chiến lược chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Một trong những rủi ro đáng lưu ý là sự thiếu định hướng rõ ràng của giới lãnh đạo chính trị, khiến nhiều quyết định được đưa ra mang tính phản ứng hơn là chủ động.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng làm nổi bật sự phân hóa ngày càng lớn giữa giới tinh hoa và người dân tại châu Âu. Khi chi phí quân sự gia tăng, lạm phát ảnh hưởng đến mức sống, và viễn cảnh “nền kinh tế thời chiến” bắt đầu được nhắc đến, cử tri tại các quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Đức và cả Anh, đang bày tỏ sự hoài nghi rõ rệt đối với các chiến lược hiện hành. Việc tỷ lệ ủng hộ dành cho các nhà lãnh đạo như Emmanuel Macron, Friedrich Merz, hay Keir Starmer có xu hướng giảm cho thấy người dân ngày càng không sẵn sàng đánh đổi ổn định xã hội lấy các ưu tiên địa chính trị.

Rõ ràng, những nguyên tắc từng giúp ổn định châu Âu trong suốt nửa sau thế kỷ 20, như công bằng phân phối, bảo đảm an sinh và đồng thuận xã hội, đang bị thử thách nghiêm trọng trước áp lực tái vũ trang, chi tiêu quốc phòng và khủng hoảng lòng tin trong dân chúng.Câu hỏi đặt ra là: Liệu các chính phủ châu Âu có thể xây dựng một chiến lược an ninh bền vững và thực tế, mà không đánh đổi sự gắn kết xã hội và niềm tin của chính người dân? Chỉ khi có sự nhượng bộ, bồi đắp lòng tin chiến lược từ Nga, Ukraine và các nước phương Tây, một cánh cửa cho hòa bình Ukraine mới thực sự mở ra.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hoa-binh-theo-dieu-kien-khi-ban-dam-phan-tro-thanh-chien-truong-ngoai-giao-249110.htm
Zalo