Hòa Bình: Huyện Đà Bắc còn thiếu cục bộ đội ngũ giáo viên, nhân viên

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình nhận định, qua kiểm tra Phòng GDĐT huyện Đà Bắc, chất lượng giáo dục ở nơi đây còn nhiều hạn chế.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã ban hành Kết quả kiểm tra phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 2123/QĐ-SGD&ĐT ngày 07/10/2024 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình về việc kiểm tra Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc, từ ngày 24/10/2024 đến ngày 25/10/2024 Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, thư viện trường học, thi đua khen thưởng, truyền thông, pháp chế, quản lý chất lượng giáo dục tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc.

Trên địa bàn huyện Đà Bắc hiện có tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên: 1.252 người, trong đó: Cán bộ quản lý 143 người; giáo viên 1.059 người; nhân viên 95 người; lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2023/NĐ-CP 50 người.

Tổng số trường học trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo là 47 trường. Trong đó, Trường mầm non: 20 trường; Trường tiểu học: 06 trường; Trường THCS: 03 trường; Trường tiểu học và trung học cơ sở: 13 trường; Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở: 03 trường; Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở: 02 trường.

Một số trường thực hiện chưa đúng chỉ đạo của Sở

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình thông tin về những mặt hạn chế về đội ngũ giáo viên, nhân viên, xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi phương pháp pháp dạy học, đổi mới kiểm tra - đánh giá...

Cụ thể, huyện Đà Bắc còn thiếu cục bộ đội ngũ giáo viên, nhân viên,(Tiếng Anh, Tin học, nhân viên nấu ăn); Quy mô trường lớp, học sinh mỏng gây khó khăn cho việc quản lý sắp xếp giáo viên.

Cán bộ quản lý ở một số trường còn hạn chế trong việc đổi mới, chỉ đạo điều hành chuyên môn, quản trị trường học. Năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định.

 Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Một số nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thiếu căn cứ các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo; Thời gian ban hành kế hoạch chưa phù hợp với khung thời gian năm học; Kế hoạch giáo dục nhà trường chưa bao quát đầy đủ các hoạt động giáo dục trong nhà trường, một số nội dung chưa bám sát theo hướng dẫn;

"Việc xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động phân luồng, phân công giáo viên dạy nội dung Giáo dục địa phương và tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chưa đúng theo hướng dẫn của Sở.

Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa chưa đúng theo quy định, thiếu kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa của tổ chuyên môn, thành viên tham dự cuộc họp không đủ, không đúng thành phần, họp đồng thời các môn học. Công tác tổ chức ôn thi vào lớp 10 chưa thường xuyên, liên tục; kế hoạch ôn thi và nội dung ôn thi chưa bám sát tới từng đối tượng, chưa bám sát nội dung kiến thức đề thi tuyển sinh vào lớp 10, dẫn đến điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 còn thấp", Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin.

Giáo viên dạy sai kiến thức cơ bản ở bộ môn Toán

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình nêu, về việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên địa phương còn chậm dẫn đến việc tiếp cận thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa hiệu quả.

Các hoạt động học tập chưa được tổ chức đa dạng; chưa có các hoạt động giúp học sinh phát triển năng lực hợp tác trong học tập; Kỹ thuật dạy học tích cực, cách tổ chức các hoạt động và quản lý các hoạt động luyện tập của học sinh chưa thực sự hiệu quả, còn ôm đồm nhiều kiến thức, chưa bao quát hết các đối tượng học sinh.

"Giáo viên còn sai kiến thức cơ bản ở bộ môn Toán; lựa chọn nội dung bài dạy chưa phù hợp với đối tượng học sinh; việc tổ chức các hoạt động trong bài học còn đơn điệu, thiếu sự tương tác, chưa hỗ trợ học sinh yếu, chưa linh hoạt trong việc sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học, giáo viên còn lạm dụng việc sử dụng các thí nghiệm ảo, không sử dụng các thiết bị hiện có.

Việc tổ chức một số hoạt động ngoài trời cho trẻ chưa linh hoạt, còn khuôn mẫu, ít sáng tạo; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đầu năm học còn cao hơn tỷ lệ chung toàn tỉnh", Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình thông tin.

Trong văn bản kết luận cũng chỉ rõ, giải pháp về đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh của một số trường còn sơ sài, chưa bám sát thực tế; Phương án kiểm tra đánh giá chưa rõ nét;

Việc xác định mức độ nhận thức trong bảng đặc tả ma trận đề kiểm tra chưa chính xác, một số câu hỏi chưa hợp lý;

Nội dung đề kiểm tra không giống với bảng ma trận và đặc tả. Sổ điểm ở một số đơn vị chưa có trang có chữ ký của giáo viên giảng dạy; sổ điểm cá nhân chưa thể hiện được tinh thần đổi mới theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Một số môn học chưa có điểm kiểm tra thường xuyên; công tác kiểm tra, giám sát việc cho điểm chưa đảm bảo, chưa ghi thời gian kiểm tra sổ điểm hàng tháng của Hiệu trưởng; Chưa cập nhật kết quả thi lại của học sinh.

Chất lượng giáo dục chưa đồng đều, còn nhiều chênh lệch giữa các vùng, khu vực trên địa bàn huyện. Một số trường chưa chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém; chất lượng lượng công tác ôn luyện thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh trung học cơ sở còn thấp; kết quả tham gia các kỳ thi, hội thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức còn thấp so với mức trung bình của tỉnh.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoa-binh-huyen-da-bac-con-thieu-cuc-bo-doi-ngu-giao-vien-nhan-vien-post247091.gd
Zalo