Hòa bình hay khoảng lặng trước bão dông?

Sau vài năm yên ả, Ấn Độ và Pakistan thêm một lần để bất đồng xung quanh Kashmir thổi bùng xung đột, biến nhà cửa thành đống đổ nát và hàng chục sinh mạng thành số liệu thống kê. Dù đạt thỏa thuận ngừng bắn 'ở phút cuối trước thảm họa', cuộc chiến vẫn kịp khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân và có thể tác động đến bối cảnh địa chính trị Nam Á.

Bên bờ vực xung đột hạt nhân

Kể từ sau cuộc chiến Ấn Độ -Pakistan năm 2019 dẫn đến việc Ấn Độ thu lại quyền bán tự trị và tăng cường kiểm soát Jammu&Kashmir, vùng đất này từng ghi nhận xáo trộn về an ninh, nhưng sau đó lại được kỳ vọng sẽ có thể mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới, khi số lượng các hành vi khủng bố thực tế giảm so với giai đoạn trước, số lượng du khách Ấn Độ và quốc tế tăng cấp số nhân, kinh tế phát triển mạnh hơn.

Tuy nhiên, tờ New York Times mô tả kỳ vọng đó chỉ là một "ảo ảnh" và nó chấm dứt tháng 4/2025, khi các tay súng phiến quân đã ập vào một đồng cỏ đẹp như tranh vẽ gần thị trấn Pahalgam ở Kashmir rồi nã súng sát hại 26 du khách, trong đó có 25 người Ấn Độ, trở thành đòn giáng mạnh vào nỗ lực của New Delhi nhằm ổn định Kashmir. Đây cũng là vụ khủng bố đẫm máu nhất nhắm vào dân thường Ấn Độ trong nhiều thập kỷ.

Tên lửa đạn đạo Agni-5 tầm bắn 5.000km có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Ấn Độ.

Tên lửa đạn đạo Agni-5 tầm bắn 5.000km có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Ấn Độ.

Ngay lập tức, Ấn Độ quy trách nhiệm cho các nhóm phiến quân do Pakistan hậu thuẫn. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thề sẽ trừng phạt nghiêm khắc những kẻ tấn công và những kẻ cho chúng trú ẩn. Dù ông Modi không nhắc tên Pakistan, Pakistan hiểu New Delhi nhắm đến họ và vội vã phủ nhận. Nhưng Ấn Độ không tin. New Delhi sau đó rút khỏi Hiệp ước về nguồn nước sông Ấn (IWT) và chặn dòng nước sang Pakistan. Islamabad đáp trả bằng việc dọa rút khỏi Hiệp ước Simla, khiến Ấn Độ tức giận.

Rạng sáng 7/5, Ấn Độ phát động chiến dịch quân sự Sindoor, thực hiện không kích 9 "trại khủng bố" ở vùng Kashmir do Pakistan nắm giữ và mục tiêu sâu hơn 150km tại vùng Punjab của Pakistan, đánh dấu đòn tấn công xa nhất vào lãnh thổ đối phương mà Ấn Độ thực hiện từ 1971. Khi những chiếc phi cơ của Ấn Độ cất cánh, quân đội Pakistan sẵn sàng nghênh chiến. Hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân lao vào trận không chiến dữ dội nhất từ Thế chiến II trên vùng trời kéo dài 750 km từ cao nguyên Kashmir phía Bắc xuống hoang mạc Thar phía Nam. Theo sơ đồ tác chiến được Pakistan công bố, 120 chiến đấu cơ các loại đã tham gia trận chiến, phần lớn của Ấn Độ.

New York Times dẫn lời quan chức hai bên tiết lộ, trận không chiến diễn ra hơn một giờ. Tiêm kích hai bên không nhìn thấy đối phương mà phóng tên lửa vào mục tiêu mặt đất và vào nhau bằng dữ liệu radar. Máy bay hai nước cũng chỉ hoạt động trong không phận nước mình, tránh nguy cơ bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh.

Kết thúc trận chiến, Ấn Độ tuyên bố đạt mọi mục tiêu đề ra, còn Pakistan khẳng định đã bắn rơi 5 chiến đấu cơ đối phương, gồm 3 chiếc Rafale, một MiG-29 và một Su-30MKI bằng máy bay J-10 do Trung Quốc sản xuất với tên lửa PL-15 cũng của Trung Quốc. Ấn Độ không bác bỏ hay xác nhận thông tin, nhưng giới chức Mỹ và Pháp tiết lộ, New Delhi đã mất ít nhất 2 chiếc Rafale.

Trong 3 ngày tiếp theo, xung đột leo thang với sự xuất hiện của các phương tiện chiến tranh kiểu mới, nổi bật là máy bay không người lái (UAV) và tên lửa. Ấn Độ cáo buộc Pakistan pháo kích qua LoC (đường giới tuyến) và triển khai hơn 400 UAV tấn công các mục tiêu ở nước này và gây hư hại hạn chế tại các căn cứ quân sự Udhampur, Pathankot, Adampur và Bhuj. New Delhi đáp trả bằng cách bắn tên lửa và UAV vào căn cứ quân sự đối phương.

Theo Reuters, sáng 10/5, Ấn Độ đã sử dụng tên lửa siêu thanh BrahMos do New Delhi phát triển cùng với Nga để tấn công Pakistan. Pakistan tin Brahmos có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân, dù Ấn Độ khẳng định nó là vũ khí thông thường. Tình thế này khiến cả thế giới lo lắng, bởi nếu xung đột giữa hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân không hạ nhiệt, nó có thể leo thang vượt tầm kiểm soát.

Và "ở phút cuối trước thảm họa", theo mô tả của New York Times, nỗ lực ngoại giao do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì, đã kịp gây sức ép để Ấn Độ và Pakistan chấp nhận ngừng bắn. Đến ngày 12/5, phái đoàn hai nước đã gặp nhau lần đầu tiên sau 4 ngày giao tranh. Cuối cùng, lệnh ngừng bắn được duy trì (ít nhất là đến hiện tại).

Cả Ấn Độ và Pakistan cùng tuyên bố chiến thắng. Trong đó, New Delhi tuyên bố "đã hạ hơn 100 phần tử khủng bố", nhưng xác nhận 5 binh sĩ và 16 dân thường thiệt mạng vì hỏa lực đối phương. Ngược lại, Pakistan cũng nói đã gây thiệt hại lớn cho Ấn Độ, đồng thời cáo buộc tên lửa của New Delhi đánh trúng các nhà thờ và khu dân cư, làm 51 người thiệt mạng.

Hòa bình thật sự còn cách xa

Kể từ khi xung đột Ấn Độ -Pakistan nổ ra, sự kiện máy bay Rafale bị bắn hạ trở thành tin tức được quan tâm nhất và làm dấy lên hoài nghi về năng lực quân sự của Ấn Độ. Tuy nhiên, giới quan sát khẳng định, dù thiệt hại máy bay, Ấn Độ vẫn chứng minh được họ là cường quốc quân sự hàng đầu và áp đảo Pakistan về vũ khí thông thường. Sau cuộc không chiến mở màn, Ấn Độ tiếp tục sử dụng tiêm kích để khai hỏa tên lửa những ngày sau đó, nhưng không có thêm bằng chứng nào về thiệt hại. Họ cũng chuyển qua sử dụng đa dạng tên lửa tầm xa và UAV tấn công đối phương.

Theo dữ liệu của Viện Brookings, trong gần 100 giờ xung đột, Ấn Độ đã đánh trúng các mục tiêu ở bang Punjab, bang đông dân nhất và là trung tâm kinh tế Pakistan, gồm các trận địa phòng không gần thành phố Lahore và căn cứ không quân Nur Khan ở Rawalpindi, cách không xa cơ quan kiểm soát hạt nhân Pakistan. Hình ảnh do Ấn Độ đăng tải cho thấy, một số trận địa phòng không, đài radar Pakistan bị phá hủy, chứng minh New Delhi đủ sức thách thức hệ thống phòng không và đe dọa các mục tiêu tối quan trọng khác nếu xung đột quy mô lớn xảy ra. Ngược lại, Pakistan có gây thiệt hại cho đối phương, nhưng mức độ thấp hơn nhiều do năng lực phòng không vượt trội của Ấn Độ.

Mảnh vỡ được cho là của máy bay Rafale rơi xuống Kashmir sau trận không chiến giữa Ấn Độ - Pakistan.

Mảnh vỡ được cho là của máy bay Rafale rơi xuống Kashmir sau trận không chiến giữa Ấn Độ - Pakistan.

Xét về phương diện chính trị -ngoại giao, thông qua cuộc xung đột vừa rồi, Ấn Độ còn thành công trong việc thu hút sự chú ý của thế giới với vấn đề khủng bố và phát đi thông điệp không khoan nhượng tới Pakistan rằng, New Delhi sẽ không khoan nhượng nếu Islamabad tiếp tục dung dưỡng các nhóm vũ trang hoạt động ở Kashmir.

Ngược lại, Pakistan hưởng lợi khi "quốc tế hóa" vấn đề Kashmir. Từ khi ký Hiệp ước Simla, Ấn Độ và Pakistan đồng ý "giải quyết khác biệt giữa hai bên bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán song phương". Ấn Độ sau đó khẳng định tranh chấp ở Kashmir chỉ có thể giải quyết giữa hai nước. Còn Pakistan lâu nay kêu gọi quốc tế can dự.

Walter Ladwig, chuyên gia King's College London, Anh nói với AlJazeera: "Islamabad hài lòng với việc các nước, bao gồm Mỹ, tham gia hòa giải. Đó là bằng chứng cho thấy Kashmir cần sự can dự từ bên ngoài". Trái lại, Ấn Độ buộc phải chấp nhận một lệnh ngừng bắn do bên thứ ba làm trung gian, thay vì tự xây dựng điều khoản. Điều này phần nào bộc lộ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 thông báo Ấn Độ và Pakistan đạt lệnh ngừng bắn nhờ Mỹ hòa giải. Pakistan cảm ơn Mỹ, còn Ấn Độ lại tuyên bố rằng việc ngừng bắn chỉ do hai bên xung đột quyết định.

Theo giới quan sát, hai bên đã ngừng bắn, nhưng nguồn cơn mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết triệt để và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào bất chấp thực tế rằng, sẽ không thể có quốc gia nào giành chiến thắng tuyệt đối về mặt quân sự trước một đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu xung đột tiếp tục nổ ra, Ấn Độ sẽ đứng trước áp lực phải tấn công các mục tiêu xa hơn, giá trị hơn của Pakistan để răn đe; còn Islamabad cũng có thể lựa chọn biện pháp mạnh hơn nhắm vào New Delhi, dấy lên nguy cơ tình hình vượt tầm kiểm soát.

Trong những giờ căng thẳng nhất của cuộc xung đột, Pakistan ngày 9/5 đã triệu tập một cuộc họp của Cơ quan chỉ huy quốc gia (NCA) - cơ quan duy nhất giám sát việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân của Islamabad. Liệu động thái này mang tính biểu tượng để răn đe hay nó là một lời cảnh báo rất thật? Ở bên kia biên giới, Ấn Độ không vì thế mà lùi bước. Thủ tướng Ấn Độ Modi tuyên bố: "Sẽ không có sự khoan nhượng nào trước hành vi tống tiền hạt nhân. Ấn Độ sẽ không bị đe dọa bởi các mối đe dọa hạt nhân”.

Viết Phùng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/hoa-binh-hay-khoang-lang-truoc-bao-dong--i769576/
Zalo