Hòa Bình: Di dời khẩn cấp 8 hộ dân ở Kim Bôi
Trước diễn biến bão số 3 phức tạp, 8 hộ dân cùng tài sản ở xóm Thao Con, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) trong khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất đã được di dời khẩn cấp về nơi tránh trú.
8 hộ dân di dời khẩn cấp
Chiều 6/9, đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình do ông Bùi Tiến Lực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đến kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3 tại huyện Kim Bôi. Tham gia đoàn có ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Kim Bôi, trên địa bàn huyện hiện có 4 khu vực trọng yếu có nguy cơ cao về sạt lở đất.
Từ thời điểm chiều cùng ngày trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to, các tuyến đường đều có các ngầm qua suối có thể bị ngập sâu khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây nguy hiểm cho người dân khi đi lại. Để đảm bảo an toàn cho người dân và chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 3, huyện đã bố trí lực lượng, phương tiện: 2 máy xúc, 15 xe ô tô tải chuyên dụng tại các khu vực, tuyến đường có nguy cơ cao sạt lở đất để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Đồng thời, rà soát nắm tình hình toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi, khắc phục các điểm yếu. Đến chiều cùng ngày, hệ thống các hồ, đập trong toàn huyện Kim Bôi cơ bản được đảm bảo an toàn.
Ngay trong chiều cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện đã huy động lực lượng để tổ chức di dời khẩn cấp 8 hộ dân cùng tài sản ở xóm Thao Con, xã Vĩnh Tiến nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét về nơi tránh trú an toàn.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương
Ông Bùi Tiến Lực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu huyện Kim Bôi phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị với công tác ứng phó cơn bão số 3.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tính cấp bách trong công tác ứng phó với cơn bão để cùng thực hiện công tác phòng, chống thiên tai một cách hiệu quả. Tất cả những nơi, địa bàn, điểm trọng yếu về mưa bão, ngập lụt phải bố trí lực lượng sẵn sàng để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tiếp tục quán triệt nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ” trong công tác ứng phó, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phải tuyên truyền sâu rộng, kiên quyết không để người dân tự ý đánh bắt cá tại các khu vực sông, suối nước sâu nguy hiểm, nước chảy siết. Địa phương cố gắng, nỗ lực đến mức cao nhất để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân...
Trực ban 24/24h, chủ động công tác phòng chống bão số 3
Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến của bão số 3 và ảnh hưởng mưa lũ do hoàn lưu bão trên địa bàn huyện Kim Bôi, trước đó, ngày 6/9, UBND huyện có ban hành văn bản số 1643.
Trong văn bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi Trần Tuấn Sơn, yêu cầu UBND các xã, thị trấn cần đặc biệt lưu ý đối với các điểm sạt lở, ngập lụt, các tuyến đường giao thông sạt lở, các khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống lũ quét, ngầm tràn cần sơ tán người dân trong chiều 6/9, chậm nhất trước 8h ngày 7/9.
Tổ chức các đoàn tiếp tục kiểm tra chỉ đạo công tác ứng phó, chỉ huy khắc phục, trong đó cần có phương án đảm bảo an toàn cho đoàn kiểm tra không di chuyển khi có mưa lũ lớn, sạt lở đường; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông...
Đối với Chi nhánh Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình tại huyện Kim Bôi, Phó Chủ tịch huyện Kim Bôi yêu cầu phối hợp với các xã tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ tích nước của các hồ chứa; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của công trình, kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn đập; xử lý hoặc để xuất biện pháp xử lý các sự cố phát sinh.
Đối với Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h để theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, chủ động tham mưu cho UBND huyện triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức trực ban nghiêm túc, kiểm tra chỉ đạo công tác ứng phó, chỉ huy khắc phục tại các xã, thị trấn.
Cùng với đó, Ban chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện phải chỉ đạo các lực lượng rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.
Mưa lớn gây sạt lở đất đá xuống mặt đường
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, từ chiều tối 6/9 đến sáng nay (7/9), trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa to đến rất to kèm theo giông lốc, gây thiệt hại tại một số địa phương trong tỉnh.
Theo đó, khoảng 6h, ngày 7/9, tại Km5+800, đường 433, địa phận xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) bị sạt lở đất đá xuống mặt đường, hiện đã được lực lượng chức năng khắc phục.
Mưa lớn gây tốc mái nhà dân và gãy đổ nhiều cây xanh tại thành phố Hòa Bình, huyện Tân Lạc, Mai Châu và ngập úng hơn 65ha hoa màu tại huyện Lạc Sơn.