Hòa Bình đề xuất Bộ GD có đơn giá chi tiết thiết bị dạy học tối thiểu các cấp
Sở GDĐT đề xuất Bộ Giáo dục thông báo đơn giá chi tiết thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học, để làm cơ sở cho các địa phương dự toán, xây dựng giá.
Tổng kết năm học 2022, sơ kết học kỳ I năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đánh giá cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại một số trường chưa đảm bảo cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như diện tích nhỏ hẹp, thiếu phòng học, phòng máy tính, thiết bị thí nghiệm, nhà đa năng, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập..., thiết bị dạy học chưa cung ứng kịp thời do nguồn lực không đáp ứng, thủ tục mua sắm chậm; Ở một số trường học nhiều đồ dùng, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất cũ, hỏng không còn phù hợp;
Tỷ lệ trang bị thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông đối với thiết bị tối thiểu lớp 1, lớp 2, lớp 6 đáp ứng khoảng 70% nhu cầu; thiết bị dạy học tối thiểu từ lớp 3 đến lớp 5, từ lớp 7 đến lớp 9 và từ lớp 10 đến lớp 12 đáp ứng khoảng 20 đến 30% nhu cầu, định mức tiêu chuẩn theo quy định", Sở Giáo dục nêu mặt còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục cho rằng, việc đổi mới phương pháp giảng dạy của một bộ phận giáo viên còn chậm, năng lực và trách nhiệm của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Một số cán bộ, giáo viên vùng sâu, vùng xa còn hạn chế trong việc tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới; Thiếu giáo viên giảng dạy các môn mới của giáo dục phổ thông 2018.
Chỉ đạo các trường có cấp tiểu học dạy học 2 buổi/ngày khi đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất tổ chức,
Một số đơn vị có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày cao như Yên Thủy, Mai Châu, Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi và thành phố Hòa Bình; 100% các trường PTDTNT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tiếp tục triển khai xây dựng
Đề xuất Bộ Giáo dục thông báo đơn giá chi tiết thiết bị dạy học
Trước những khó khăn trong việc đáp ứng trang thiết bị dạy học tại một số trường, Sở Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục ban hành mẫu các thiết bị dạy học tối thiểu và thống nhất xây dựng, thông báo đơn giá chi tiết thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học để làm cơ sở cho các địa phương, các đơn vị, trường học làm cơ sở xây dựng dự toán, xây dựng giá thiết bị.
Bên cạnh đó là xây dựng kho dữ liệu thực hành, thí nghiệm số theo chương trình giáo dục phổ thông để các địa phương, các cơ sở giáo dục và các thầy cô có thể khai thác, triển khai thay thế hoạt động thiết bị thí nghiệm thực hành trên lớp, đặc biệt đối với các thí nghiệm, thực hành có yêu cầu kỹ thuật, phải có thiết bị đạt chuẩn.
Đối với hạn chế về việc thiếu giáo viên, Sở Giáo dục đề xuất Bộ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tham gia giảng dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là giảng dạy các môn tổ hợp (giáo viên đã được đào tạo giảng dạy một phân môn được đăng ký đào tạo thêm các phân môn còn lại trong các môn tổ hợp Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí).
Đề nghị Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ xem xét giao bổ sung biên chế sự nghiệp cho các địa phương, bảo đảm đủ số lượng biên chế theo quy mô, trường lớp phù hợp với đặc thù của các tỉnh miền núi có điểm trường lẻ, số học sinh/lớp ít.
Đối với sách giáo khoa, Sở đề xuất Bộ GIáo dục phối hợp với Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; hướng dẫn chi tiết mức chi cho Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Đề nghị Bộ hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy các môn học tự chọn (Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc thiểu số); tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên giảng dạy các môn học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh tuyển dụng giáo viên
Song song với các đề xuất tới Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục Hòa Bình đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tuyển dụng giáo viên đặc biệt là giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học, các môn học mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đồng thời, tuyển dụng nhân viên làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, bảo vệ trong trường mầm non; nhân viên y tế đối với các trường Phổ thông dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú; nhân viên kế toán, thư viện thiết bị đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng nông thôn mới.
Quan tâm, ưu tiên, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất xây dựng trường chuẩn quốc gia, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, phòng học tin học và máy tính cho các nhà trường; kinh phí đầu tư xây dựng phòng ở, bếp nấu, nhà ăn cho các trường Phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.
"Bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học cho các nhà trường theo theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới", Sở Giáo dục cho hay.
Sở đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia;
Có cơ chế khuyến khích phát triển loại hình trường mầm non, tiểu học ngoài công lập, trường tại khu/cụm công nghiệp, khu tập trung đông dân cư để tăng cường tính cạnh tranh, phát triển giáo dục mầm non theo hướng chất lượng cao và để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, đặc biệt là con em công nhân, người lao động.