Hòa Bình chú trọng phát triển hạ tầng giao thông đường bộ
Tỉnh Hòa Bình chú trọng phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, là yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư, tạo môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hòa Bình là cửa ngõ Thủ đô Hà Nội. Để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, kết nối thuận lợi giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh kết nối giao thương với các địa phương khác, tỉnh Hòa Bình đã đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gồm 7 tuyến quốc lộ, 21 tuyến đường tỉnh, 72 tuyến đường huyện và hệ thống đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 10.800km.
Giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình đã triển khai thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng như: đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đường tỉnh 433; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc; đường Hang Kia - Cun Pheo - quốc lộ 6; đường nối từ quốc lộ 6 với đường Chi Lăng, cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2; dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và Cao tốc Sơn La; dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với quốc lộ 6; dự án kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai - Hà Nội….
Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bến, bãi đỗ xe và các điểm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, và đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình. Đồng thời, phát triển các bến cảng thủy nội địa vùng hồ Hòa Bình và các tuyến đường thủy nội địa nhằm kết nối các khu du lịch trong tỉnh với các tỉnh thành khác.
Mục tiêu hướng tới là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, liên hoàn giữa đường bộ và đường thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, liên kết vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững...
Đến nay, toàn tỉnh có trên 10.800 km đường bộ, trong đó, quốc lộ trên 320 km, đường 491km (100% nhựa hóa, bê tông hóa), đường đô thị, nội thị trên 340km, đường chuyên dùng trên 17km, đường huyện trên 655km, đường nông thôn trên 8.980km (tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa đạt 65%).
Tỉnh cũng đã triển khai xử lý các điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên quốc lộ 6, 21, đồng thời lắp đặt biển báo, sơn kẻ đường và hệ thống camera giám sát nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng và địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ông Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua, các tuyến đường được chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, giao thương an toàn của người dân. Công tác quản lý được tăng cường, vi phạm các quy định về hành lang an toàn giao thông có xu hướng giảm.
Năm 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 37 trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hành lang an toàn giao thông đường bộ. Lực lượng thanh tra giao thông lập 245 biên bản liên quan đến vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, yêu cầu tổ chức, cá nhân tháo dỡ công trình vi phạm.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình, mặc dù đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhưng nhiều tuyến đường có dấu hiệu xuống cấp nhanh, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà, còn nhiều vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông do chưa bố trí được nguồn vốn, tình trạng vi phạm quy định về hành lang an toàn giao thông còn diễn ra…, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý.