Hòa Bình: Cái nôi của linh hồn văn hóa dân tộc Mường

Hòa Bình là vùng đất cổ, có nền văn hóa phát triển, cái nôi của văn hóa Mường (với 07 dân tộc, trong đó người Mường chiếm khoảng 63% dân số cả tỉnh); nhiều di tích văn hóa, lịch sử; nền ẩm thực đa dạng, phong phú (có tới 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18.000 hiện vật có giá trị...). 'Văn hóa Hòa Bình' là một di sản quý giá của đất nước và nhân loại, cần phải được tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn phát huy giá trị mang tầm thế giới.

Màn nghệ thuật đặc sắc chào mừng Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường

Màn nghệ thuật đặc sắc chào mừng Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường

Giữ gìn “hồn cốt” và kho tàng đồ sộ di sản văn hóa dân tộc Mường

Dân tộc Mường là một trong những dân tộc thiểu số lớn tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở tỉnh Hòa Bình. Văn hóa Mường Hòa Bình là kho tàng di sản phong phú, phản ánh bản sắc độc đáo của dân tộc Mường.

Bốn vùng Mường Bi - Vang - Thàng - Động cũng như các huyện, thành phố khác trong tỉnh là nơi lưu giữ hồn cốt của người Mường, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một nền văn hóa lâu đời. Những câu chuyện, con người và phong tục nơi đây là niềm tự hào, là báu vật mà thế hệ sau cần gìn giữ và phát huy, để văn hóa Mường mãi mãi là bản sắc, là linh hồn của vùng đất Hòa Bình.

Từ lâu, câu nói "nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động" đã khắc sâu trong tâm trí người dân Hòa Bình, nhắc đến 4 vùng Mường cổ nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình, được coi là cái nôi văn hóa của người Mường.

Hòa tấu chiêng Mường với sự tham gia của 600 nghệ nhân

Hòa tấu chiêng Mường với sự tham gia của 600 nghệ nhân

Giữa dòng chảy hiện đại, văn hóa Mường vẫn trường tồn nhờ những con người miệt mài gìn giữ, những lớp học dân ca nhỏ bé, nhà sưu tầm lặng lẽ và các lễ hội rộn ràng âm thanh chiêng, trống. Đó không chỉ là bảo tồn mà còn là hành trình kết nối, đưa văn hóa Mường từ truyền thống bước vào hiện đại, ngày càng tỏa sáng rực rỡ.

Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng di sản văn hóa Mường tại thành phố Hòa Bình cho biết: "Văn hóa Mường là máu thịt của đời tôi. Niềm đam mê của tôi được hun đúc qua năm tháng, từng cổ vật sưu tầm, từng chuyến đi nghiên cứu văn hóa".

Chính ông đã góp phần đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, giúp nhiều người hiểu hơn về nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường.

Chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là linh hồn của dân tộc Mường

Chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là linh hồn của dân tộc Mường

Trong kho tàng di sản văn hóa vật thể của người Mường, chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là linh hồn của dân tộc. Tiếng chiêng gắn liền với các sự kiện trọng đại trong đời người từ lúc sinh ra đến khi từ giã cõi trần. Hòa Bình hiện lưu giữ gần 10.000 chiếc chiêng cổ, một con số đáng tự hào, minh chứng cho sự bền bỉ của văn hóa Mường qua bao thế hệ.

Năm 2011 và 2016, tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ hội chiêng Mường với màn trình tấu chiêng lớn nhất Việt Nam, được ghi nhận vào Sách kỷ lục Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2016, nghệ thuật chiêng Mường được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình bảo tồn. Không chỉ có chiêng, trống đồng cũng là một di sản quan trọng của người Mường. Những chiếc trống loại II Heger, đặc trưng của người Mường vẫn được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng tỉnh, như một chứng nhân của lịch sử và văn hóa lâu đời.

Những di tích quan trọng như khu mộ cổ Đống Thếch huyện Kim Bôi, Đống Bay huyện Tân Lạc hay Đồi Thung huyện Lạc Sơn đã được khai quật, bảo tồn cẩn thận. Hiện nay, hơn 221 di tích văn hóa của người Mường đã được kiểm kê, trong đó có 43 di tích cấp tỉnh và 4 di tích cấp quốc gia đã được xếp hạng, bảo vệ nghiêm ngặt.

Hình ảnh bếp củi của dân tộc Mường

Hình ảnh bếp củi của dân tộc Mường

Văn hóa nhà sàn, trang phục truyền thống với những hoa văn tinh tế, màu sắc hài hòa, biểu tượng của người Mường cũng được bảo tồn theo cách rất riêng. Du khách đến đây cùng với chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc còn được trải nghiệm đời sống sinh hoạt truyền thống của người Mường.

Hòa Bình đã tiến hành kiểm kê đối với di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số trong tỉnh. Kết quả kiểm kê được 267 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường, gồm: 1 di sản tiếng nói, 33 di sản ngữ văn, 29 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 23 di sản về tập quán xã hội, 35 lễ hội truyền thống, 4 nghề thủ công, 142 di sản về tri thức dân gian.

Căn cứ kết quả kiểm kê đã lập hồ sơ khoa học 4 di sản văn hóa phi vật thể của người Mường Hòa Bình đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật chiêng Mường; mo Mường; Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường và lịch tre của người Mường Hòa Bình. Có nhiều lễ hội dân gian của người Mường được khôi phục tổ chức như: Lễ hội chùa Tiên, lễ hội Khai hạ Mường Bi, lễ hội Mường Thàng, lễ hội Mường Động, lễ hội đền Bờ, lễ hội đình Khênh, lễ hội đình Khói, lễ hội đình Cổi… góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Mường.

Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2023, tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường cấp tỉnh và duy trì tổ chức lễ hội cấp tỉnh năm 2024, 2025 tạo ấn tượng tốt đẹp cho người dân và du khách, góp phần quảng bá di sản văn hóa độc đáo của người Mường.

Lịch Đoi (lịch tre) của người Mường được bảo tồn và phát huy

Lịch Đoi (lịch tre) của người Mường được bảo tồn và phát huy

Bên cạnh đó, trong văn nghệ dân gian truyền thống của người Mường, dân ca, dân vũ, dân nhạc là kho tàng đồ sộ và quý báu, là thành phần không thể thiếu, góp phần quan trọng hình thành bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mường Hòa Bình.

Tỉnh đã chính thức công nhận Bộ chữ Mường vào năm 2016, tạo điều kiện để tiếng Mường được lưu giữ và phát triển.

Các bài thuốc dân gian, lịch Đoi (lịch tre) của người Mường được bảo tồn và phát huy, trở thành niềm tự hào của cộng đồng.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường

Văn hóa Mường là một phần không thể thiếu trong bức tranh đa dạng của văn hóa Việt Nam. Nhận thức rõ giá trị của di sản, trong nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa Mường, nhiều cá nhân đã đóng góp đáng kể. Từ lâu, những người đam mê văn hóa Mường đã thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn, góp phần gìn giữ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ vượt thời gian.

Trang phục truyền thống của người Mường, đặc biệt là trang phục Mường Hòa Bình, mang vẻ đẹp giản dị nhưng tinh tế và gắn liền với thiên nhiên vùng Tây Bắc

Trang phục truyền thống của người Mường, đặc biệt là trang phục Mường Hòa Bình, mang vẻ đẹp giản dị nhưng tinh tế và gắn liền với thiên nhiên vùng Tây Bắc

Năm 2023, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030. Đề án dành nguồn lực trên 500 tỷ đồng để đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình. Trong đó, tổ chức lập quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc.

Trong đề án cũng xác định những việc cần làm như: Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa có giá trị về lịch sử, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ của dân tộc Mường để trưng bày giới thiệu, quảng bá; xây dựng các sản phẩm văn hóa đương đại mang đặc trưng của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình phục vụ khách tham quan du lịch.

Kịp thời bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trước nguy cơ mai một do các nghệ nhân nắm giữ di sản văn hóa đã cao tuổi. Phục dựng, phát huy các lễ hội truyền thống đặc sắc, trang phục truyền thống, nhà sàn truyền thống, hát dân ca, nghệ thuật chiêng Mường, mo Mường và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Mường Hòa Bình.

Đầu tư khôi phục, tôn tạo một số di tích mang đặc sắc kiến trúc văn hóa dân tộc Mường đã bị mai một.

Bà Quách Thị Kiều - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình

Bà Quách Thị Kiều - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình

Bà Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Tác động của mặt trái cơ chế thị trường làm cho một bộ phận nhân dân chạy theo giá trị vật chất, dần đánh mất các giá trị văn hóa truyền thống. Một số loại hình di sản văn hóa trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình có nguy cơ mai một, thất truyền. Việc đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường chưa tương xứng với giá trị của di sản. Nhiều di sản văn hóa có giá trị của dân tộc Mường chưa được đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng để bảo tồn. Công tác kiểm kê khoa học về di sản văn hóa phi vật thể của người Mường còn hạn chế; việc nghiên cứu lập hồ sơ di sản đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn ít.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã phục chế 20 trống đồng có giá trị tại Bảo tàng tỉnh để bảo quản và trưng bày giới thiệu về di sản trống đồng. Lựa chọn 5 điểm du lịch cộng đồng dân tộc Mường đầu tư hỗ trợ khôi phục nhà sàn Mường truyền thống để bảo tồn không gian văn hóa của người Mường. Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh đối với Quần thể hang động chùa Tiên, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy.

Về di sản văn hóa phi vật thể, hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, khôi phục, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường về tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình tập trung vào việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của di sản văn hóa. Đưa văn hóa Mường vào chương trình giảng dạy, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh hiểu và trân trọng di sản văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch văn hóa cũng là hướng đi tiềm năng, xây dựng các tour du lịch trải nghiệm văn hóa Mường, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa đến du khách, đồng thời tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Có chính sách hỗ trợ nghệ nhân mo, chiêng Mường. Khuyến khích học sinh, cán bộ, công chức mặc trang phục Mường vào thứ hai hằng tuần. Xây dựng thư viện số về mo Mường và hệ thống dữ liệu chiêng Mường. Phát triển ngành công nghiệp sáng tạo dệt thổ cẩm, nhạc cụ Mường trở thành sản phẩm quà tặng du lịch.

Với sự chung tay của các cấp ủy, chính quyền, nghệ nhân, cộng đồng và những cá nhân tâm huyết, văn hóa Mường sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy, không chỉ như một di sản quý báu của người Mường, mà còn là nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

Văn hóa Mường không chỉ là di sản quý báu của riêng tỉnh Hòa Bình, mà còn là tài sản chung của nền văn hóa Việt Nam. Những phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian và tri thức bản địa của người Mường phản ánh lối sống, tư duy của cha ông, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.

Việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế địa phương, đưa hình ảnh văn hóa Mường vươn xa hơn, hội nhập với dòng chảy văn hóa hiện đại, song vẫn giữ được nét riêng không thể hòa lẫn.

Mộc Miên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoa-binh-cai-noi-cua-linh-hon-van-hoa-dan-toc-muong-a28221.html
Zalo