Hòa Bình: Bảo tồn và phát huy giá trị Mo Mường

Tỉnh Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm hơn 63% số dân, là trung tâm đồng bào dân tộc Mường cả nước. Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc, trải qua quá trình lịch sử lâu dài, các thế hệ người Mường đã bền bỉ lưu giữ, truyền miệng và phát huy giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống và sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này.

Lễ hội khai hạ Mường Bi, huyện Tân Lạc, Hòa Bình

Lễ hội khai hạ Mường Bi, huyện Tân Lạc, Hòa Bình

Mo Mường - di sản sử thi dân gian

Mo Mường là loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường, có dung lượng lớn, ảnh hưởng sâu sắc và chi phối đến mọi mặt đời sống của người Mường bao đời qua, chứa đựng những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan, ngữ văn dân gian của người Mường. Có thể coi mo Mường như "bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường. Mo Mường gồm 3 lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo, diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo, trong đó lời mo gắn liền với người diễn xướng chiếm vị trí quan trọng nhất. Chính các bài mo, kát mo, roóng mo (các chương, hồi) hay nói cách khác, các bài văn vần được dân gian truyền miệng, sử dụng làm lời khấn trong các nghi lễ tín ngưỡng, lễ cầu mạnh khỏe, đặc biệt là trong tang lễ... đã tạo nên ngôn ngữ của mo Mường.

Nhìn tổng thể, mo Mường được làm nên và kết cấu bởi rất nhiều bài văn vần truyền miệng. Mỗi một bản mo, một dòng mo lưu giữ đều có những điểm giống hay khác nhau, mỗi vùng Mường việc diễn xướng mo, lời mo đều có khác nhau đôi chút. Điều này chứng tỏ yếu tố dị bản, sự phong phú và rất đa dạng của mo.

Mo Mường có 3 loại chính cùng được sử dụng là mo nghi thức, mo kể chuyện và mo nhòm.

Nghệ nhân mo là người nắm giữ các bài mo và là người trực tiếp thực hành diễn xướng mo Mường. Trong dân gian người Mường gọi họ rất tôn kính là các thâi mo (thầy mo), pổ mo (bố mo), ôông ậw (ông ậu)... Trong đó, danh xưng thầy mo là phổ biến hơn cả. Các nghệ nhân mo trong lịch sử cho đến ngày nay đều là những người có vai trò như điểm tựa tinh thần trong các cộng đồng người Mường trước các biến động của cuộc sống.

Các thầy Mo thực hành nghi lễ Mo

Các thầy Mo thực hành nghi lễ Mo

Nghề mo là chỉ chung những thầy mo sinh sống bằng công việc đi làm mo. Đã gọi là nghề thì phải có công cụ. Có thể chia công cụ hành nghề của thầy mo thành 2 loại: Loại thứ nhất phải nhớ trong đầu là các bài cúng, các bài mo; loại thứ hai là đồ vật được cầm, khoác lên người khi hành lễ, hay khi cần dùng trong hành nghề. Thầy mo càng có nhiều đời làm mo thì càng được dân gian tôn sùng và đánh giá cao về năng lực "pháp thuật”, dân gian Mường còn gọi là các dòng mo. Nghề mo cũng phải học, những người có cha, chú làm nghề mo thì việc học có phần đơn giản và thuận lợi hơn vì họ được trực tiếp truyền nghề. Trang phục thầy mo Mường đặc biệt là chiếc mũ. Ở vùng Lạc Sơn, các thầy mo khi tiến hành chủ tế các nghi lễ mo trong tang lễ, họ đội chiếc mũ tạo hình hai chiếc sừng bò tót hướng về phía trước rất oai linh. Trên mũ màu đỏ và dải mũ được thêu trang trí những linh vật như rùa, rồng, phượng, chim, cá... các linh vật thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của người Mường. Túi khót của thầy mo Mường là những túi vải đựng những công cụ, vật thể được cho là linh thiêng, được dùng làm vật hộ thân, là công cụ trấn trị ma quỷ trong hành nghề của mình; trong đó đồ chế tác bằng kim khí, bằng đá chiếm vị trí quan trọng, chiếm trên dưới 50% số lượng đồ có trong túi khót của các ông mo.

Người Mường sử dụng Mo để thực hành nghi lễ trong đời sống rất phổ biến, qua khảo sát cho thấy có tổng số 23 nghi lễ được thực hiện có sử dụng Mo. Một trong những nhóm nghi lễ đặc biệt nhất thể hiện đầy đủ và tập trung giá trị cốt lõi của Mo Mường là Mo tang lễ với hàng chục nghìn câu thơ, văn vần được diễn xướng 12 ngày đêm trong tổ chức tang lễ cổ truyền của người Mường. Các câu thơ, văn vần này được chia thành các cát Mo, có nơi gọi là roóng Mo (trong văn học gọi là các chương, hồi). Mỗi chương Mo có chủ đề, có mục đích sử dụng riêng cho từng đề mục nghi lễ trong một chuỗi nghi lễ được tiến hành trong tang lễ, chứa đựng các giá trị sử thi dân gian, phong tục tập quán, tri thức dân gian với ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Nợi đã định nghĩa: “Mo Mường là sử thi thần thoại được diễn xướng trong đám tang của người Mường. Mo Mường cùng với nghi lễ là công việc làm cho cái chết trở thành văn”.

Tại tỉnh Hòa Bình hiện có nhiều bản Mo được sưu tầm, song có ba bản Mo chính, đã được sưu tầm và xuất bản có dung lượng và quy mô lớn. Theo nhà sưu tầm văn hóa dân gian Bùi Thiện thì tiến hành đầy đủ Mo phải mất 23 ngày mo liên tục với 115 roóng Mo và hơn 44.000 câu thơ Mo. Trong công trình Mo Mường dài ba tập của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Nợi có hơn 22.000 câu Mo. Bản Mo Mường Hòa Bình do UBND tỉnh Hòa Bình xuất bản năm 2010 có dung lượng hơn 22.500 câu.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Minh thực hiện nghi lễ Mo

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Minh thực hiện nghi lễ Mo

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh ở xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết, ông chỉ thực hành nghi lễ và diễn xướng. Theo cách hiểu của ông Minh, Mo Mường là loại hình tín ngưỡng dân gian rất đặc biệt, là di sản văn hóa dân gian có tính nguyên hợp, được tạo nên từ ba thành tố chính: Môi trường diễn xướng, lời Mo và nghệ nhân Mo còn gọi là thầy Mo, hay bố Mo… và công cụ hành nghề của các thầy Mo (Túi Khót), trong đó lời Mo và nghệ nhân Mo tồn tại gắn liền với nhau. Mo Mường có độ dài hàng vạn câu thơ Mo, với hơn 12 - 15 đêm diễn xướng và còn chứa đựng rất nhiều điều diệu kỳ, ẩn trong đó những giá trị lịch sử, nhân văn hướng con người tới cái đẹp, sống lương thiện, hướng con người tới cái thiện, cái đức cái tâm sống chân thành với nhau.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Nợi ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thì các giá trị văn hóa của người Mường tập trung ở Mo Mường. Giá trị đầu tiên nổi bật của Mo Mường là giá trị sử thi. Ngoài ra, Mo Mường còn có các giá trị khác về tư tưởng triết học, nghệ thuật biểu diễn, ngôn ngữ thể hiện… Nhiều giá trị của Mo Mường sẽ còn sống mãi với thời gian mà người muôn đời sau còn phải ngẫm nghĩ để rút ra bài học lớn cho mình và thời đại mình đang sống.

Mo Mường là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, phản ánh đậm nét đặc trưng văn hóa từ cổ sơ của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng. Tất cả những lý giải về lịch sử loài người, bài học về đời sống cộng đồng, những tri thức văn hóa dân gian... đọng lại qua ký ức thời gian, thêu dệt bằng màu sắc huyền thoại, dưới nhiều góc độ, được phản ánh trong Mo Mường. Mo Mường gắn với nhiều nghi lễ và tín ngưỡng, chuyển tải tinh thần đoàn kết của gia đình, dòng họ, cộng đồng và dân tộc; góp phần bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường trong tất cả các giai đoạn lịch sử. Ngoài ra, Mo Mường còn chứa đựng những giá trị vật thể quý giá, một số di sản vật thể liên quan Mo Mường như vật tế khí (túi “khót” của Ông Mo Mường), gồm các cổ vật như: rìu đá, rìu đồng, mảnh trống đồng, nham thạch, xương và nanh mãnh thú… được sưu tập lưu truyền từ nhiều đời, các vật tế lễ có nhiều giá trị về văn hóa vật chất và tinh thần của văn hóa cổ truyền dân tộc Mường.

Nỗ lực bảo tồn di sản Mo Mường

Mo Mường là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng. Thế nhưng di sản văn hóa phi vật thể này đang đứng trước nguy cơ mai một do sự tác động của văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

Thầy mo thực hành nghi lễ tại lễ hội đồng bào dân tộc Mường

Thầy mo thực hành nghi lễ tại lễ hội đồng bào dân tộc Mường

Hiện nay, di sản văn hóa Mo Mường đang đứng trước nhiều thách thức, khi toàn cầu hóa đang trở thành một xu thế lớn, nhất là về mặt văn hóa. Đó là sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thêm vào đó, sự phát triển về kinh tế ngày càng tiệm cận miền xuôi, khiến các giá trị văn hóa truyền thống tự biến đổi phù hợp với điều kiện mới. Mặt khác, việc bảo tồn lưu truyền Mo Mường được xác định thông qua truyền khẩu. Các nghệ nhân (Ông mo, Thầy mo, Ông Tlượng) hiểu biết, nắm giữ tri thức Mo, có bề dày kinh nghiệm và trình độ diễn xướng Mo ngày càng cao tuổi, số lượng ngày càng ít đi, trong khi thế hệ trẻ được truyền thừa có hạn (toàn tỉnh Hòa Bình có hơn 200 Ông mo). Bên cạnh đó, xu thế hội nhập và ảnh hưởng của nhiều hoạt động văn hóa dẫn đến tình trạng giản lược các bài Mo trong quá trình diễn xướng Mo tang lễ.

Bảo tồn và phát huy tốt di sản văn hóa phi vật thể có nghĩa là giữ được những nền tảng văn hóa căn bản của dân tộc, làm cho người dân cảm nhận rõ nền văn hóa, văn minh của dân tộc, khơi gợi niềm tự hào, tự tôn dân tộc; làm cho di sản văn hóa trở thành tài sản, là hành trang chung của dân tộc. Nhận thức vấn đề trên, những năm gần đây, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, trong đó xác định Mo Mường là một trong những di sản cần bảo tồn, giữ gìn và phát huy trong đời sống cộng đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ rõ: “Chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc, tổng hợp kết quả kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận Mo Mường, Chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Sử thi Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

UBND tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo Mo Mường Hòa Bình; xây dựng kế hoạch lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia, tiến tới đề nghị Chính phủ trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 19-1-2016, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL đưa Mo Mường vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Phi Long – Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, tỉnh sẽ huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị, di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa khảo cổ gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.

Thời gian qua, câu lạc bộ mo Mường thành lập ngày càng nhiều. Bên cạnh các câu lạc bộ hoạt động ổn định, hiệu quả như ở các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, nhiều CLB được thành lập mới tại huyện Kim Bôi, Yên Thủy. Các câu lạc bộ hiện thu hút khoảng 200 thành viên là nghệ nhân và hàng trăm người tâm huyết, đóng góp tích cực vào việc gìn giữ, phát huy giá trị, tạo điều kiện cho các nghệ nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, truyền dạy cho thế hệ trẻ, lan tỏa giá trị di sản văn hóa mo Mường trong đời sống Nhân dân.

Từ việc lưu truyền Mo Mường thông qua truyền khẩu (vì người Mường chưa có chữ viết), đã có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật Mo Mường theo phương pháp phiên âm từ tiếng La-tinh, nhưng do nhiều cách ghi khác nhau nên chưa truyền tải được hết nội dung và giá trị của Mo Mường. Vì vậy, lập hồ sơ khoa học về Mo Mường và xây dựng bộ chữ viết dân tộc Mường có thể coi là “khâu đột phá”. Bởi chỉ có chữ viết mới có thể ghi lại Mo Mường một cách chính xác, để từ bản ghi chính thức này dịch Sử thi Mo Mường sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác phục vụ cho việc lập hồ sơ khoa học về Mo Mường. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình đã phối hợp Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học “Xây dựng Bộ chữ viết dân tộc Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình”. Đến nay đề tài đã được nghiệm thu và trình UBND tỉnh phê chuẩn.

Ban Chỉ đạo Mo Mường tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành và các địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ: Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. Tăng cường giới thiệu, quảng bá những giá trị tốt đẹp của Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình trên các trang web của tỉnh Hòa Bình. Thứ hai, xây dựng các đề án, chương trình hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy tốt những giá trị tốt đẹp của Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. Lựa chọn một số nội dung phù hợp để đưa Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình vào chương trình Giáo dục di sản trong bậc học phổ thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Thứ ba, các địa phương trong tỉnh tăng cường phối hợp các cơ quan, tổ chức; khuyến khích cá nhân có những đóng góp, hỗ trợ cộng đồng, nghệ nhân trong việc truyền dạy, phục hồi, lưu truyền các áng mo đã bị mai một, các tập quán xã hội tốt đẹp, tín ngưỡng và lễ hội liên quan đến Mo Mường; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới phù hợp với mục tiêu bảo vệ giá trị văn hóa Mo Mường Hòa Bình trong cuộc sống đương đại, gắn với phát triển du lịch của các địa phương; tiếp tục thực hiện công tác kiểm kê, tư liệu hóa Mo Mường Hòa Bình.

Mo Mường là một di sản văn hóa đặc sắc, xứng đáng được bảo tồn và phát huy, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và di sản mo Mường nói riêng hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng và các cấp chính quyền triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách khoa học. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân về giá trị của di sản. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mo Mường nói riêng.

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường. Không gian diễn xướng của Mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình nhằm thực hành một nghi lễ nào đó.

Chủ thể thực hành Mo Mường là ông Mo, thầy Mo (hoặc Ông Tlượng) - những người nắm giữ tri thức Mo, họ không những thuộc lòng hàng vạn câu Mo mà còn thông thạo nghi lễ, tập quán.

Trong xã hội Mường, ông Mo là những trí thức dân gian, người có uy tín trong cộng đồng.

Mộc Miên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoa-binh-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-mo-muong-a28341.html
Zalo