Hỗ trợ vốn và nâng cao năng lực cho hợp tác xã

Những năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tích cực xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tạo cầu nối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn thành phố có hơn 700 mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả do Hội Nông dân các cấp hỗ trợ.

Giới thiệu sản phẩm gạo Khu Cháy chất lượng cao của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa).

Giới thiệu sản phẩm gạo Khu Cháy chất lượng cao của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa).

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Hội đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới", Nghị quyết số 10-NQ/HNDTƯ ngày 27-7-2020 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025".

Nhờ các chính sách đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp Hội, hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tại huyện Ứng Hòa, phong trào thi đua phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đang được triển khai sôi nổi, thu hút sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ, hội viên. Mới đây, Hội Nông dân huyện Ứng Hòa đã phát động phong trào thi đua “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, nhằm nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động và tư vấn, hỗ trợ nông dân.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng, xã Cao Sơn Tiến (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Xuân Nghĩa chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, hợp tác xã đã được tiếp cận các chương trình tập huấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xúc tiến thương mại. Không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ, hợp tác xã còn xây dựng được thương hiệu rau an toàn, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập và yên tâm gắn bó với mô hình kinh tế tập thể.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp là xu thế tất yếu, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn tạo ra giá trị gia tăng bền vững cho người nông dân.

“Nếu các hợp tác xã được hỗ trợ toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ, kinh tế tập thể sẽ thực sự là đòn bẩy giúp nông dân nâng cao đời sống, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững”, bà Đặng Thị Tươi nhấn mạnh.

Không chỉ tại huyện Ứng Hòa, phong trào phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhiều hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và xây dựng chuỗi giá trị bền vững, tạo sức bật cho kinh tế nông thôn.

Tiêu biểu như Hợp tác xã Sản xuất mộc dân dụng tại các xã Liên Hồng, Tân Lập (huyện Đan Phượng); Hợp tác xã Chăn nuôi gà đẻ trứng sạch tại xã Việt Hùng (huyện Đông Anh), hay các mô hình trồng bưởi đường Quế Dương (huyện Hoài Đức), trồng rau sạch tại các huyện Phúc Thọ, Gia Lâm, Chương Mỹ...

Hội Nông dân thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 14 hợp tác xã và 290 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng lên 50 hợp tác xã và 1.000 tổ hợp tác vào năm 2030. Đồng thời, đặt mục tiêu hỗ trợ 10% chi hội nông dân nghề nghiệp và tổ hội nông dân nghề nghiệp phát triển thành hợp tác xã, tổ hợp tác vào năm 2025, con số này sẽ tăng lên 25% vào năm 2030. Đáng chú ý, trong năm 2025, có ít nhất 50% số hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân thành phố hỗ trợ sẽ tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp, con số này dự kiến đạt 70% vào năm 2030.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về lợi ích của việc tham gia kinh tế tập thể, đặc biệt là các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị. Hội Nông dân thành phố sẽ đề xuất thành phố có chính sách khuyến khích, tạo động lực cho các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp phát triển lên thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm nông nghiệp.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ho-tro-von-va-nang-cao-nang-luc-cho-hop-tac-xa-697574.html
Zalo