Hỗ trợ tiết dạy cho thầy cô đi thi GV dạy giỏi, làm sao để vẹn cả đôi đường?

Khi việc phân công này trở thành một nghĩa vụ bắt buộc, không có sự thống nhất, không được ghi nhận công bằng, giáo viên có thể cảm thấy áp lực và bất công.

Trong môi trường giáo dục, sự hợp tác giữa các giáo viên là điều cần thiết để đảm bảo hoạt động giảng dạy diễn ra hiệu quả. Việc hỗ trợ đồng nghiệp khi họ bận rộn với những nhiệm vụ quan trọng như tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi là một phần của tinh thần đoàn kết trong ngành giáo dục.

Tuy nhiên, khi việc phân công này trở thành một nghĩa vụ bắt buộc, không có sự thống nhất, không được ghi nhận công bằng, giáo viên có thể cảm thấy áp lực và bất công.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đây chính là vấn đề xảy ra tại Trường THCS Hai Bà Trưng (Nhà Bè, TP.HCM) được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải. Nhiều giáo viên bức xúc về việc bị phân công dạy thay đồng nghiệp tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi (dù đã đủ số tiết dạy theo quy định) mà không hỏi ý kiến.

Nếu giáo viên không tuân thủ, có thể bị đánh giá là không tích cực, ảnh hưởng đến xếp loại cuối năm. Việc này làm giáo viên mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chính thức.

Vậy giáo viên có nên "tự nguyện" hỗ trợ một cách bắt buộc? Làm sao để vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy, vừa giữ được tinh thần hợp tác trong môi trường sư phạm? Người viết - là giáo viên xin có đôi điều chia sẻ thực trạng, những tác động tiêu cực và đề xuất giải pháp để tạo ra một cơ chế công bằng hơn.

Việc phân công giáo viên dạy thay cho đồng nghiệp đi thi giáo viên dạy giỏi không chỉ xảy ra ở Trường THCS Hai Bà Trưng mà còn là thực trạng phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước. Đây là một vấn khá nhạy cảm bởi nó vừa thể hiện sự hỗ trợ lẫn nhau trong đội ngũ giáo viên, nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán về công bằng trong phân công nhiệm vụ.

Nhiều người thắc mắc, vì sao lại xảy ra tình trạng phân công giáo viên dạy thay không chế độ để giáo viên phải bức xúc? Thực trạng này xuất xuất phát từ một số nguyên nhân.

Áp lực từ các Hội thi giáo viên dạy giỏi

Nhiều địa phương tổ chức các cuộc thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, yêu cầu giáo viên tham gia nhiều hoạt động chuẩn bị. Khi giáo viên đi thi, lớp học của họ bị trống, buộc nhà trường phải tìm giáo viên khác dạy thay.

Trường ít giáo viên đi thi còn đỡ, trường nhiều thầy cô tham gia hội thi cơ cơ sở giáo dục tới 12 thầy cô đi thi (chưa kể những giáo viên đi hỗ trợ) thì số lượng tiết dạy thay không phải là ít.

Theo quy định, không có một chế độ gì để hỗ trợ phù hợp cho giáo viên dạy thay. Giáo viên bị phân công dạy thay không được tính vào số tiết giảng dạy định mức. Việc này khiến họ mất thêm thời gian nhưng không có sự ghi nhận chính danh nào.

Thiếu minh bạch trong việc phân công

Nhiều trường học hiện nay phân công giáo viên dạy thay (dạy không chế độ) thường theo sự sắp xếp của ban giám hiệu, mà không cần hỏi ý kiến giáo viên.

Một số nơi phân công không đều, khiến một số giáo viên phải dạy thay quá nhiều trong khi một số khác không bị ảnh hưởng.

Nhiều giáo viên chia sẻ rằng nếu không đồng ý dạy thay, họ có thể bị đánh giá là "không tích cực", ảnh hưởng đến thi đua và xếp loại cuối năm. Điều này tạo ra một áp lực vô hình, khiến giáo viên không thể từ chối dù họ không muốn.

Thực trạng trên đang diễn ra khá nhiều ở các trường học hiện nay. Nếu không có biện pháp giải quyết hợp lý, tình trạng này sẽ khiến giáo viên mất động lực, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và môi trường làm việc trong nhà trường.

Giải pháp không phải là loại bỏ việc hỗ trợ, mà là tạo ra một cơ chế hợp lý, minh bạch và công bằng cho tất cả giáo viên nhưng vẫn cân bằng giữa quyền lợi của giáo viên và hoạt động chung của nhà trường.

Chỉ khi giáo viên cảm thấy được tôn trọng và ghi nhận đúng công sức, họ mới có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Là người trong cuộc, người viết đề xuất một số giải pháp nhưu sau:

Thứ nhất, cộng điểm trong đánh giá thi đua. Giáo viên tham gia hỗ trợ đồng nghiệp nên được ghi nhận trong đánh giá thi đua cuối năm. Điều này giúp giáo viên có động lực hơn khi nhận nhiệm vụ hỗ trợ. Có người nêu thắc mắc: Vì sao cần cộng điểm thi đua cho giáo viên hỗ trợ đồng nghiệp?

Trong thực tế, việc giáo viên tham gia hỗ trợ đồng nghiệp dạy thay khi có người tham gia hội thi giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi, hoặc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác là một hành động đóng góp tích cực cho hoạt động chung của nhà trường.

Tuy nhiên, phần lớn các đóng góp này lại không được ghi nhận chính thức, khiến giáo viên cảm thấy mình đang “làm thêm mà không ai thấy”. Điều này về lâu dài làm giảm động lực, tinh thần cống hiến và có thể gây ra tâm lý tiêu cực trong đội ngũ.

Vì thế, việc đưa các hoạt động hỗ trợ vào tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm là giải pháp hợp lý, vừa công bằng, vừa tạo động lực khích lệ tinh thần đoàn kết trong nhà trường.

Cộng điểm trong đánh giá thi đua cho giáo viên hỗ trợ đồng nghiệp là một hình thức ghi nhận rất cần thiết và nên trở thành quy định trong các cơ sở giáo dục. Đây không chỉ là giải pháp công bằng, mà còn là động lực giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm và tình đồng nghiệp trong môi trường sư phạm.

Thứ hai, điều chỉnh phương thức phân công hợp lý. Việc phân công giáo viên dạy thay khi đồng nghiệp vắng mặt là điều cần thiết để đảm bảo hoạt động giảng dạy không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, nếu không được thực hiện hợp lý, việc này dễ gây ra áp lực, mâu thuẫn nội bộ, và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giảng dạy cũng như tâm lý giáo viên. Vì vậy, dưới đây là 3 nguyên tắc điều chỉnh cụ thể và hợp lý để việc phân công trở nên minh bạch, nhân văn và hiệu quả hơn.

Nguyên tắc cốt lõi là không ép buộc. Việc phân công cần thực hiện trên tinh thần tự nguyện, có sự trao đổi trước với giáo viên để lắng nghe nguyện vọng, lịch trình cá nhân và khả năng hỗ trợ.

Nhà trường có thể gửi bảng đăng ký hỗ trợ dạy thay theo tuần, giáo viên chủ động chọn thời gian phù hợp. Điều này vừa tạo cảm giác được tôn trọng, vừa giúp tránh tâm lý phản ứng tiêu cực.

Việc giáo viên tự đăng ký còn giúp ban giám hiệu dễ dàng quản lý, điều phối và đánh giá sự đóng góp công khai, minh bạch.

Cần hạn chế tình trạng một giáo viên bị phân công dạy thay liên tục, đặc biệt vào ngày chuyên môn – thời điểm giáo viên cần nghiên cứu bài, chuẩn bị giáo án, và cập nhật chuyên môn.

Ngoài ra, nếu giáo viên vừa hoàn thành đủ số tiết đứng lớp theo quy định, vừa phải đảm nhận tiết dạy thay sẽ gây ra quá tải, mệt mỏi, từ đó ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.

Giáo viên dạy thay cần được phân công dựa trên năng lực và đúng chuyên môn, để tránh tình trạng “lấp chỗ trống” mà không đem lại hiệu quả học tập thực chất cho học sinh.

Ví dụ: Một giáo viên Toán không nên dạy thay tiết Ngữ Văn nếu không có chuyên môn phù hợp, điều này khiến học sinh chỉ ngồi chơi, không tiếp thu được kiến thức.

Khi những nguyên tắc này được triển khai một cách linh hoạt và minh bạch, nhà trường không chỉ duy trì được nề nếp giảng dạy hỗ trợ đồng nghiệp một cách vui vẻ mà còn tạo ra môi trường làm việc công bằng, tích cực và gắn kết nội bộ trong đội ngũ giáo viên của nhà trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ho-tro-tiet-day-cho-thay-co-di-thi-gv-day-gioi-lam-sao-de-ven-ca-doi-duong-post250377.gd
Zalo