Hỗ trợ sinh kế cần đi kèm trao quyền và trách nhiệm cho hộ nghèo

Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, ràng buộc trách nhiệm với chính các hộ nghèo, cận nghèo được trao sinh kế nhờ phương châm 'đã làm là phải trúng', hỗ trợ có điều kiện thay vì 'cho không'.

Khi người dân nghèo được trao quyền lựa chọn

Ngày 11/8, 40 hộ dân nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo thuộc 2 xã Tân Kim và Tân Khánh của huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã được nhận bàn giao bò sinh sản từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Đây là hoạt động thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Điều đặc biệt của dự án là gần 1 tháng trước khi được bàn giao bò giống sinh sản, các hộ này được đi chọn bò ưng ý nhất, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò, vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh, sản xuất và chế biến một số loại thức ăn cho bò.

Việc hộ nghèo, cận nghèo được trao quyền chọn con giống thay vì "dắt vật nuôi đến trao tại nhà" là điều quan trọng trong thực hiện các mô hình sinh kế hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi bò sinh sản tại Thái Nguyên. Điều này giúp người dân có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình.

Nhiều địa phương phát huy hiệu quả của các mô hình sinh kế, giúp người dân thoát nghèo bền vững, đa chiều.

Nhiều địa phương phát huy hiệu quả của các mô hình sinh kế, giúp người dân thoát nghèo bền vững, đa chiều.

Ở Hà Giang, người dân nghèo được hỗ trợ nuôi lợn, trâu hay dê sinh sản cũng được tự tay chọn giống tốt. Hào hứng với sinh kế mới, nhiều hộ thể hiện trách nhiệm của mình với sự đồng hành của Nhà nước, đã chủ động cải tạo chuồng trại để đáp ứng đủ điều kiện chăn nuôi, số lượng đàn trâu, đàn dê bắt đầu tăng lên, giúp họ giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Tại xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn, thực hiện dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi dê sinh sản, ngoài hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân tham gia mô hình có kinh phí đối ứng. Cụ thể, tổng kinh phí thực hiện mô hình là hơn 3,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đối ứng hơn 2,4 tỷ đồng, số còn lại, ngân sách Nhà nước hỗ trợ để mua hơn 400 con dê giống. Được tham gia các dự án hỗ trợ sinh kế, nhiều hộ nghèo đã có sự tiến bộ ngay cả trong nhận thức, cách suy nghĩ, cách làm, kể cả cách chi tiêu trong gia đình.

Triệt tiêu tâm lý trông chờ ỷ lại của người nghèo nhằm phát huy nội lực sáng tạo

Thực tế, muốn giảm nghèo bảo đảm được các yếu tố đa chiều, bền vững, bao trùm, tạo việc làm và phát triển sản xuất là điều kiện căn cơ. Nhưng để thúc đẩy được sản xuất, nếu Nhà nước hay cộng đồng xã hội chỉ trợ giúp bằng hiện vật trên tinh thần "cho không", sẽ vô tình cho bà con sức ỳ, không phát huy được sự tham gia của người nghèo.

Khi người nghèo không được hỏi ý kiến, bàn bạc, không được đề đạt nguyện vọng, lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp điều kiện, năng lực của gia đình... thì việc hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng sẽ không "đúng và trúng". Hộ nghèo, cận nghèo không có mặt trong quá trình xây dựng kế hoạch mà hoàn toàn thụ động sẽ khiến họ đứng ngoài chính sinh kế mình được thụ hưởng.

Từ đó, những người quản lý mô hình, dự án, chương trình cũng không thể đòi hỏi ý thức quan tâm, trách nhiệm của hộ nghèo với "cần câu" được trao. Chưa kể, nguồn vốn làm xong chu kỳ ấy lại bay biến đi, không xoay vòng cho những hộ khác hay chính hộ đó được hưởng lợi. Việc "làm sẵn tận tay" vô tình sẽ làm triệt tiêu động lực, tính chủ động của người nghèo.

Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, ràng buộc trách nhiệm với chính các hộ nghèo, cận nghèo được trao sinh kế nhờ phương châm “đã làm là phải trúng”, hỗ trợ có điều kiện thay vì "cho không". Bên cạnh các tiêu chí của tỉnh và huyện, cấp xã còn rà soát các điều kiện của từng hộ dân trước khi đưa vào dự án.

Đơn cử, ở xã Tân Thành (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), trước khi tham gia mô hình nuôi bò sinh sản, hộ dân phải có nguồn nhân lực, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và cam kết thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật của dự án, có chuồng trại phù hợp quy mô chăn nuôi, có diện tích trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho bò…

Ngoài việc trao quyền, sự kết nối giữa cán bộ với người dân thông qua các đối thoại chính sách, qua cuộc họp chung, diễn đàn rất quan trọng. Thực tế, trong quá trình triển khai các mô hình sinh kế (chăn nuôi, trồng trọt, phát triển dịch vụ...), nhiều địa phương cắt cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn, bám sát, kịp thời ghi nhận những khó khăn của người dân nghèo được hỗ trợ. Điều này thể hiện sự đồng hành có trách nhiệm của Nhà nước, không phải "chỉ giải ngân là xong".

Để khơi dậy ý chí, quyết tâm và sức mạnh bên trong, người nghèo, cộng đồng nghèo cần được bàn bạc kế hoạch, được trao quyền quyết định song song với những trách nhiệm "đối ứng" khi tham gia dự án hỗ trợ mô hình sinh kế. Điều này sẽ khuyến khích sức sáng tạo trong họ, là yếu tố góp phần quyết định thành công trong hành trình giảm nghèo bền vững, đa chiều.

Đồng thời, công tác tuyên truyền, nêu gương sáng điển hình vươn lên giảm nghèo, tự nguyện thoát nghèo cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa nhằm triệt tiêu tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chỉ muốn thụ hưởng những chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ho-tro-sinh-ke-di-kem-trao-quyen-va-trach-nhiem-cho-ho-ngheo-2321145.html
Zalo