Hỗ trợ phát triển mô hình công nghiệp bền vững
Được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ (xã Minh Hòa, Huyện Dầu Tiếng) mạnh dạn đầu tư máy cán tôn 2 tầng 9 sóng vuông la phong – đầu vòm – xẽ, giúp cơ sở kinh doanh tăng doanh thu, lợi nhuận khoảng 30%. Với việc tăng năng suất và sản lượng, dự kiến cơ sở sẽ thu hồi vốn sau 24 tháng đầu tư.
Tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ đi vào hoạt động từ năm 2013. Trải qua thời gian hoạt động và phát triển, cơ sở kinh doanh này đã có được chỗ đứng trên thị trường trong huyện Dầu Tiếng với thương hiệu Nhà máy tôn Trung Lệ gồm các mặt hàng sản phẩm chủ yếu: sắt thép, tôn các loại và phụ kiện ngành nghề xây dựng. Với mong muốn phát triển hơn, ngày càng đi lên trong hoạt động sản xuất tôn thép xây dựng, hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ đã nhận thức và đánh giá cao tầm quan trọng của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc tiên tiến vào sản xuất của đơn vị.
Nghiệm thu Đề án khuyến công “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong gia công cơ khí” tại hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ
Trao đổi với chúng tôi, anh Điền Đắc Trung, chủ hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ cho biết trước đây khi chưa đầu tư máy, mỗi khi khách hàng có nhu cầu, cơ sở kinh doanh này đem ra TX.Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) để gia công. Khi đó, giá thành sản phẩm đội thêm chi phí, thời gian chờ đợi của khách hàng lâu hơn.
Cũng theo anh Trung, cơ sở kinh doanh của anh luôn đặt các mục tiêu khác nhau để không ngừng tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có tính cạnh trạnh nhằm đảm bảo cung cấp sản phẩm ngày càng đạt chất lượng cho khách hàng địa phương. Việc cải tiến máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các mặt hàng có giá trị và sức cạnh tranh cao là điều hết sức cấp bách mà các cơ sở như anh quan tâm triển khai.
“Việc đầu tư ứng dụng máy cán tôn 2 tầng 9 sóng vuông – la phong – đầu vòm – xẽ giúp cơ sở đổi mới phương thức gia công sản phẩm từ máy móc thiết bị cũ, lạc hậu sang máy móc thiết bị mới, hiện đại và tự động hóa. Máy móc, thiết bị mới hoạt động tự động nên hạn chế sản phẩm bị hỏng, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như năng suất tăng nhiều lần so với trước”, anh Trung cho biết.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường, cơ sở kinh doanh của anh Trung quyết định đầu tư mới máy cán tôn 2 tầng 9 sóng vuông – la phong – đầu vòm – xẽ (Công xuất 10 HP, vận tốc cán 13m/phút). Quyết định đầu tư máy mới nhằm tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tăng năng suất, cùng với đó là chất lượng sản phẩm sản xuất ra cũng nâng lên, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường cả về chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã, chủng loại… Điều này mang tới cho khách hàng một sản phẩm chất lượng tốt nhất với chi phí sản xuất tiết kiệm nhất.
“Chúng tôi đã được tiếp thêm động lực lớn từ chính sách khuyến công của tỉnh trong việc hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Bên cạnh giá trị vật chất còn là giá trị tinh thần khi cơ sở tại vùng xa như chúng tôi được quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp, ngành trong việc phát triển sản xuất, giúp cơ sở có thêm động lực đầu tư máy móc thiết bị mới trong sản xuất. Từ đó, cơ sở tiết kiệm được chi phí sản xuất, năng suất tăng cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ tiêu dùng, mở rộng thị trường và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế theo mô hình công nghiệp bền vững”, anh Trung nói.
Phù hợp xu thế phát triển
Ông Trương Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tại Nhà nước đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi để phát triển ngành cơ khí. Bộ Công Thương cho rằng, thời gian tới cần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, tập trung nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển, công nghệ khuyến khích chuyển giao thuộc ngành cơ khí. Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cơ sở kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) có hệ thống máy cán tôn hiện đại
“Chính vì thực tế đấy, Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong gia công cơ khí” thực hiện đối với hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Điều này giúp cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn hiện đại hóa sản xuất, tiến đến mô hình gia công cơ khí theo quy mô công nghiệp; từ đó tăng năng suất cũng như đảm bảo sự ổn định, chính xác của sản phẩm khi xuất xưởng hơn so với phương thức sản xuất với máy móc công nghệ cũ”, ông Trương Thanh Nhàn cho biết,
Theo ông Trương Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, việc thực hiện đề án sẽ tạo điều kiện và động lực khuyến khích cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực đổi mới thiết bị, công cụ sản xuất. Chi phí giảm, chất lượng tăng, từ đó doanh thu, lợi nhuận các cơ sở sẽ tăng theo. Qua đó, đề án khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị mới vào sản xuất nhằm tự động hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Việc tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ tăng nguồn thuế nộp vào ngân sách nhà nước; cơ sở cũng sẽ đóng góp cho xã hội, cộng đồng nhiều hơn; tạo việc làm, ổn định đời sống lao động nông thôn.
Qua nghiệm thu đề án, các cấp, ngành thống nhất đã đạt mục tiêu đề ra. Máy móc thiết bị đầu tư mới với những ưu điểm như tốc độ cán lớn, nhanh, mang lại năng suất cao, tự động hóa. Máy cán tôn mang lại những lợi ích thực tế, đảm bảo cán tôn theo đúng yêu cầu của khách, từ đó gia tăng mức độ tin tưởng và doanh thu cho doanh nghiệp. Máy có thể cán tôn từ nhiều độ dày, màu sắc, chất liệu khác nhau theo đơn đặt hàng của khách hàng. Chi phí cho máy cán tôn hợp lý, hoạt động hoàn toàn tự động, không tốn nhiều nhân lực vận hành, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí bảo hành, bảo dưỡng…
“Chúng tôi tiếp tục chú trọng việc tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, hạn chế sản phẩm hỏng, không đảm bảo chất lượng trong quá trình gia công. Tiết kiệm nhiều chi phí sẽ giúp giá thành giảm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Chúng tôi cũng sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nâng cao thương hiệu sản phẩm của cơ sở để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng hiện nay”.