Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Ngày 17/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết 'Quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo' và dự thảo Nghị quyết 'Quy định cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội' của HĐND TP.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Anh Tuấn cho biết, nội dung hỗ trợ việc hình thành, quản lý, vận hành hạ tầng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được chia làm 2 nhóm chính.
Thứ nhất, chính sách áp dụng đối với hạ tầng do thành phố quản lý. Theo đó, thành phố ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, quỹ đất, khuyến khích hợp tác công - tư để hình thành phát triển và vận hành hạ tầng này; miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, ưu đãi thuế và hỗ trợ thủ tục pháp lý...
Nhóm thứ hai là chính sách áp dụng cho doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ có đủ điều kiện theo quy định, nhằm hỗ trợ hình thành và vận hành hạ tầng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Các đơn vị này được hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng, sửa chữa hạ tầng, mua sắm thiết bị, phần mềm, vận hành, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị...
Đối với hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực trọng điểm khoa học và công nghệ của Thủ đô, thành phố hỗ trợ 50% chi phí cho các hoạt động như tiếp nhận, mua công nghệ trong và ngoài nước; đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển mô hình kinh doanh và xúc tiến thương mại hóa công nghệ… Đối với hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, các chủ thể được hưởng mức hỗ trợ tài chính linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển…
Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý cho rằng, cả 2 Nghị quyết đều quan trọng và tập trung vào các vấn đề khó, Thành phố đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố chủ trì là đúng chức năng, thẩm quyền. Dự thảo Nghị quyết không chỉ là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn mà còn là yêu cầu của Quốc hội giao cho Thành phố cụ thể hóa Luật Thủ đô.
Một số ý kiến góp ý về nội dung, bố cục của dự thảo Nghị quyết trình cần sắp xếp theo thứ tự hợp lý, khoa học; hoan nghênh sự đổi mới về quy định đặt hàng, đăng ký, giao nhận… các vấn đề được thực hiện theo quy định; đề xuất có phần đăng ký bổ sung cho những đơn vị chưa đăng ký ban đầu nhưng phù hợp với yêu cầu của Thành phố…; bổ sung vấn đề ngân sách Thành phố dành cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo, có những chính sách hỗ trợ những cái mới, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý đề nghị nghiên cứu trong quá trình thực hiện nên có thí điểm cho mô hình; mua sắm công nghệ theo kết quả đầu ra - sản phẩm cuối cùng là cái cần đánh giá; cần có cộng đồng đổi mới sáng tạo bao gồm cá nhân, tổ chức liên danh để dễ đăng ký đề tài, có sản phẩm cụ thể. Nên có chính sách đột phá cho những người có nghiên cứu độc lập; chọn chuyên gia giỏi, có chế độ chính sách như quan tâm đến nhà ở, chế độ con cái học tập...
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận, các ý kiến đã thể hiện tinh thần đồng hành cùng Mặt trận và thành phố, tham gia trực tiếp vào những vấn đề rất quan trọng mang tính đột phá cho sự phát triển của Thủ đô và cụ thể hóa những nội dung nghị quyết mới của Trung ương và thành phố.
Đồng thời đồng chí Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Trong đó, lưu ý phân nhóm, phân lĩnh vực, từ đó xếp thứ tự ưu tiên để thu hút đối tượng tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; bổ sung những nội dung về chống lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, tránh lợi dụng chính sách để trục lợi.