Liên minh EU – Nhật Bản: Trục quyền lực thầm lặng
Mối quan hệ kinh tế giữa Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã được thiết lập vững chắc thông qua hiệp định thương mại tự do và đối tác chiến lược có hiệu lực từ năm 2019.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: THX/TTXVN
Trước sức ép ngày càng lớn từ Mỹ và Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã chủ động khởi động một “liên minh cạnh tranh”, không chỉ là động thái tăng cường hợp tác thương mại, mà còn là lời khẳng định quyền tự chủ chiến lược trong một thế giới đang phân mảnh.
Trong thời đại mà các nguyên tắc thương mại đa phương từng được xem là trụ cột của toàn cầu hóa đang bị thách thức nghiêm trọng, châu Âu và Nhật Bản đang cố gắng viết lại luật chơi. Ngày 23/7, tại Tokyo, hai bên chính thức khởi động một khung hợp tác mới – một liên minh không tên nhưng mang trọng lượng chiến lược rõ rệt.
Khác với những tuyên bố chung mang tính biểu tượng, lần này EU và Nhật Bản không giấu tham vọng về một mặt trận kinh tế có tổ chức để đối phó với một thế giới ngày càng rơi vào thế lưỡng cực.
Tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen rằng “căng thẳng thương mại đang gia tăng ngay cả giữa các đối tác lâu năm”, không chỉ là một nhận định. Đó là cảnh báo về sự đứt gãy niềm tin trong hệ thống toàn cầu. Trong bối cảnh đó, liên minh EU – Nhật Bản không đơn thuần là hợp tác thương mại, mà là phản ứng chính sách có chủ đích, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng do các đối thủ kiểm soát.
Liên minh được hình dung như một mạng lưới hợp tác mở, bao gồm các đối thoại kinh tế cấp cao, các dự án khai thác và chế biến khoáng sản chiến lược, các nỗ lực bảo vệ công nghệ tiên tiến và tăng cường an ninh chuỗi cung ứng. Tâm điểm trước mắt là các vật liệu quan trọng như đất hiếm, pin, nickel, cobalt, những mắt xích không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi xanh và công nghiệp tương lai.
Đáng chú ý, hai bên không chỉ nói đến các mục tiêu kỹ thuật, mà còn hướng đến kiến tạo tiêu chuẩn toàn cầu mới, từ điều phối tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến tăng cường vai trò tại Nhóm các nền công nghiệp tiên tiến (G7), những diễn đàn đang dần mất tính hiệu lực nhưng vẫn là nơi định hình luật chơi thế giới.
Ông Jose Parejo, chuyên gia tại JP & Associates, nhận định: “Liên minh này là phản ứng tất yếu trước bốn động lực hội tụ: quan ngại thuế quan từ Mỹ, chính sách nguyên liệu của Trung Quốc, sự tê liệt của WTO, và định hướng tăng trưởng mới của châu Âu dựa trên đổi mới và tự chủ chiến lược”.
Với Nhật Bản, đây là cơ hội để thể hiện vị thế công nghệ và kinh nghiệm trong tinh luyện khoáng sản, lĩnh vực mà họ gần như không có đối thủ toàn cầu. Đổi lại, Nhật Bản có thể tận dụng nguồn vốn, hệ thống mua sắm chung và nền tảng đàm phán tập thể từ EU để mở rộng năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong các thị trường đang bị Trung Quốc chiếm ưu thế.
Về phần EU, đây là phép thử của “chủ quyền chiến lược” mà khối đang theo đuổi trong mọi lĩnh vực, từ năng lượng, quốc phòng, đến kỹ thuật số. Bằng cách siết chặt quan hệ với một đối tác cùng chia sẻ giá trị dân chủ, châu Âu gửi đi thông điệp rõ ràng: khối này muốn chủ động tạo trục quyền lực riêng.
Không ngẫu nhiên khi Chủ tịch von der Leyen đề xuất “thiết kế lại WTO” và úp mở khả năng châu Âu gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại chủ chốt của châu Á – Thái Bình Dương mà Nhật Bản đóng vai trò dẫn dắt. Nếu điều đó thành hiện thực, nó sẽ là cú hích địa chính trị lặng lẽ nhưng đáng kể nhất kể từ sau Brexit.
Mối quan hệ kinh tế giữa EU và Nhật Bản vốn đã được thiết lập vững chắc thông qua hiệp định thương mại tự do và đối tác chiến lược có hiệu lực từ năm 2019. Hằng năm, các công ty EU xuất khẩu khoảng 70 tỷ euro hàng hóa và 28 tỷ euro dịch vụ sang Nhật Bản. Hai bên hiện chiếm gần 25% GDP toàn cầu và khoảng 20% tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ của thế giới.
Tuy vậy, cần nhìn rõ: đây không phải một “liên minh đối đầu”. Ông Parejo gọi đây là “chủ nghĩa đa phương có chọn lọc”, tức các nền dân chủ tự do bắt tay nhau để tạo ra hệ thống hợp tác bền vững, thay vì phụ thuộc vào một cực quyền lực nào.
Một khía cạnh không thể bỏ qua là tham vọng về công nghệ: từ thử nghiệm 6G, Trí tuệ nhân tạo (AI), đến hệ sinh thái bán dẫn chung, liên minh này đang từng bước xây dựng các pháo đài công nghệ, nơi không một cường quốc nào có thể đơn phương chi phối.
Tokyo và Brussels đang chọn con đường âm thầm, kiên định, xây dựng quyền lực từ hợp tác bền vững. Có thể liên minh EU – Nhật Bản sẽ không gây tiếng vang lớn ngay lập tức, nhưng nó có thể là một trong những nhân tố kiến tạo lại trật tự thương mại toàn cầu trong thập kỷ tới.
Trong một thế giới đang chia rẽ bởi thuế quan, trừng phạt và chủ nghĩa bảo hộ, một cái bắt tay dựa trên giá trị chung và lợi ích lâu dài là thứ đáng được kỳ vọng hơn bao giờ hết.