Hỗ trợ phải bằng hành động cụ thể, thiết thực
Theo kết quả khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh (DDCI) của Viện Công nghệ Truyền thông và Kinh tế số, các sở, ban, ngành, địa phương đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch cải thiện DDCI năm 2023 nhiều hơn so với 2 năm trước đó. Tuy nhiên, không ít sở, ban, ngành và địa phương, việc cải thiện DDCI vẫn chỉ dừng lại ở hình thức, một số thủ tục ban hành văn bản và báo cáo, thiếu những giải pháp, việc làm cụ thể.
Cá biệt có cơ quan, đơn vị được khảo sát không đưa ra được dẫn chứng về những trợ giúp, đồng hành, việc làm cụ thể đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong năm. Công tác cải thiện môi trường kinh doanh thực hiện mạnh vào đợt khảo sát, thời điểm công bố chỉ số; các thời điểm khác trong năm, sự đồng hành với DN thiếu vắng.
Việc khảo sát DDCI năm 2023 bao gồm 8 chỉ số đối với sở, ban, ngành và 9 chỉ số đối với các địa phương. Trong tổng số 23/23 sở, ban, ngành tham gia khảo sát, điểm trung bình của Chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” đạt cao nhất (8,74 điểm), song điểm trung bình của Chỉ số “Hỗ trợ DN” lại đạt điểm thấp nhất (8,52 điểm). Đối với 9 huyện, thành phố, điểm trung bình của Chỉ số “Chi phí thời gian” tiếp tục đạt điểm thấp nhất (8,48 điểm).
Điều này cho thấy 2 chỉ số được cộng đồng DN cần nhất vẫn ở mức thấp. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số (CĐS), nhiều cơ quan, đơn vị có mức độ CĐS cao. Tuy nhiên, ngoài cải thiện ở khâu thủ tục hành chính, nhiều DN chưa thật sự cảm nhận ở những khía cạnh khác. Kinh tế số - một trong 3 trụ cột của quá trình CĐS, nhưng nhiều DN vẫn còn mơ hồ, trong khi những cơ chế, giải pháp, chương trình hỗ trợ của Nhà nước còn chưa rõ nét.
Từ đánh giá của cộng đồng DN nêu trên, các sở, ban, ngành và địa phương cần xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đồng hành, hỗ trợ DN cụ thể, thiết thực hơn nữa. Bên cạnh tổ chức đối thoại, thu thập ý kiến của DN, cần công khai số điện thoại, email, gửi thư, hòm thư... thiết lập cơ chế bảo mật thông tin của người cung cấp thông tin để DN có thể tin tưởng, thoải mái giãi bầy những tồn tại, khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, phải lấy dữ liệu từ các công cụ chuyển đổi số để giám sát, thống kê những thủ tục hành chính, giải quyết yêu cầu của DN quá hạn. Tăng cường thanh kiểm tra trách nhiệm công vụ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư. Các tổ công tác hỗ trợ DN của tỉnh báo cáo hằng tháng tiến độ giải quyết các vấn đề theo đề xuất, kiến nghị từ cộng đồng DN.