Hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp bền vững
Thời gian qua, tỉnh Long An có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ vốn, giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp nông dân (ND) phát triển sản xuất. Nhờ vậy, nhiều ND thoát nghèo, vươn lên khá giả, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Hiệu quả từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Theo Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh - Trần Quốc Quân, trong các giải pháp hỗ trợ nông dân (HTND), các nguồn vốn vay ưu đãi và nguồn vốn từ Quỹ HTND là giải pháp căn cơ giúp nhiều hội viên (HV) ND vươn lên phát triển kinh tế. 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ HTND các cấp nhận từ ngân sách và vận động HVND hơn 5,4 tỉ đồng.
Hiện nay, với tổng nguồn vốn hơn 82,6 tỉ đồng, các cấp Hội ND trên địa bàn tỉnh cho vay theo dự án với số tiền bình quân từ 20-100 triệu đồng/dự án; đối tượng cho vay là HVND, mô hình sản xuất phù hợp lợi thế của địa phương.
Bên cạnh đó, các cấp Hội ND tạo điều kiện cho HV tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, tất cả cơ sở Hội thực hiện ký kết hợp đồng nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua hoạt động của 820 tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp hơn 39.300 thành viên vay vốn với tổng dư nợ hơn 1.700 tỉ đồng.
Các cấp Hội ND còn ký thỏa thuận với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì hoạt động của 376 tổ vay vốn, với 6.345 thành viên tham gia, tổng dư nợ hơn 1.800 tỉ đồng.
Từng có hoàn cảnh khó khăn, giờ đây, gia đình ông Huỳnh Văn Hữu Hiệp (xã Long Cang, huyện Cần Đước) có cuộc sống ổn định. Ngoài sức lao động, dám nghĩ, dám làm của ông Hiệp còn có sự trợ giúp của các cấp chính quyền và Hội ND xã Long Cang.
Năm 2022, Quỹ HTND huyện Cần Đước hỗ trợ vốn vay để ông Hiệp phát triển sản xuất. Với số tiền vay 50 triệu đồng, ông đầu tư mua giống, hệ thống tưới, phân bón để sản xuất rau màu. Ông cũng được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau màu. Nhờ đó, vườn rau của ông phát triển nhanh. Ông trả vốn đúng hạn và tiếp tục vay vốn mới để mở rộng quy mô sản xuất.
“Từ nguồn vốn vay của Hội ND huyện, gia đình tôi có điều kiện để đầu tư sản xuất. Các loại rau màu mà tôi thường trồng là dưa leo, bầu, bí, khổ qua,... Trung bình mỗi năm, tôi sản xuất từ 3-4 vụ, lợi nhuận mỗi vụ từ 40-70 triệu đồng” - ông Hiệp chia sẻ.
Bà Lê Thị Tiến (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) cũng được vay vốn từ Quỹ HTND của Hội ND huyện. Nhìn vườn hành lá xanh tốt 0,7ha được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm của gia đình, bà Tiến vui vẻ nói: “Sau khi được vay vốn 70 triệu đồng, tôi đầu tư cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới và mua phân bón cho vườn hành lá. Đồng thời, tôi còn tìm tòi, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, vườn hành lá phát triển tốt. Hiện hành lá có giá bán khoảng 33.000 đồng/kg, với giá bán này, tôi có lợi nhuận khoảng 15.000 đồng/kg”.
Theo Chủ tịch Hội ND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Phát, Quỹ HTND trở thành điểm tựa giúp HVND vượt khó vươn lên; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng ngành nghề và các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Tại huyện Tân Thạnh, nguồn vốn từ Quỹ HTND được Hội ND huyện triển khai hiệu quả, giúp ND có điều kiện để chuyển đổi, phát triển sản xuất. Anh Lê Trọng Nghĩa (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) sau nhiều vụ nuôi cá tra giống thua lỗ nên muốn chuyển sang trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, anh không có đủ nguồn vốn để lấp ao và mua cây giống. Biết được Hội ND huyện có tạo điều kiện cho ND vay vốn từ Quỹ HTND để sản xuất, anh Nghĩa nộp hồ sơ và được duyệt vay số tiền 100 triệu đồng.
Anh Nghĩa bộc bạch: “Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ HTND huyện mà tôi có điều kiện để cải tạo đất, chuyển từ nuôi cá tra bột sang trồng mít Thái xen với sầu riêng. Hiện tôi thu hoạch được 1 đợt mít với sản lượng khoảng 15 tấn, còn sầu riêng thì được hơn 1 năm tuổi và phát triển tốt”.
Thông tin từ Hội ND tỉnh, để hỗ trợ HVND phát triển kinh tế, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh phối hợp Hội ND các cấp xây dựng các dự án vay vốn phát triển sản xuất; đồng thời, thẩm định, giải ngân kịp thời nguồn vốn. Hội cũng tập huấn kỹ thuật và kỹ năng quản trị tổ chức sản xuất giúp ND phát triển sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số; tham gia sử dụng dịch vụ thương mại điện tử; đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh - Trần Quốc Quân thông tin: “Thời gian tới, Hội tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn Quỹ HTND bằng việc ưu tiên nhân rộng các mô hình liên kết theo hướng chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực tại địa phương. Đồng thời, Hội tiếp tục đồng hành cùng các cấp tăng cường tuyên truyền HVND thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Hội khuyến khích ND tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Từ đó, ND từng bước thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ, lẻ sang quy mô lớn, tạo sự chuyển biến trong tư duy sản xuất, phù hợp với xu thế mới”.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ
Thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, bảo đảm năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường; phấn đấu hình thành nền nông nghiệp tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thực hiện mục tiêu, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang vận dụng linh hoạt, đồng bộ các giải pháp thông minh vào sản xuất, bằng việc hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh và phối hợp các sở, ngành liên quan tạo điều kiện cho ND tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp để tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Bên cạnh đó, hỗ trợ đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa ND với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho nông sản; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; đồng thời, kết hợp phát triển đa dạng loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái nông nghiệp,...
Ngoài ra, thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề chế biến, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP;...”.
Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, mỗi ND cũng cần chủ động tìm tòi, học hỏi, đổi mới tư duy và phương thức sản xuất để hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững./.
Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, sạch, an toàn
Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, an toàn là xu hướng tất yếu để phục vụ nhu cầu về thực phẩm của thị trường hiện nay.