Hỗ trợ người lang thang, những mảnh đời khó khăn, bất hạnh
15 năm cống hiến với màu áo xanh của ngành công tác xã hội, anh Nguyễn Văn Hải - Đội trưởng Đội Trật tự xã hội lưu động (Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội) luôn gắn bó với công việc giải quyết, hỗ trợ người lang thang, những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Chính vì vậy, những đêm không ngủ, những giây phút đón Giao thừa không ở nhà đã rất quen thuộc đối với người Đội trưởng đội 'đặc nhiệm' này.
Tự hào gắn bó với nghề
Đội trật tự xã hội lưu động là 1 trong 3 đội của thành phố được giao nhiệm vụ tập trung, tiếp nhận người lang thang trên địa bàn Thủ đô. Chỉ có 10 người, nhưng họ phải phụ trách 10 quận và 4 huyện, chính vì vậy ứng trực 24/7, luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ là phương châm hoạt động của đội. “Được làm đúng nghề là niềm vui và sự may mắn” - đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hải khi được hỏi về cái duyên đến với ngành công tác xã hội. Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), năm 2005, chàng trai Nguyễn Văn Hải thi đậu vào Khoa Công tác xã hội, Đại học Lao động Xã hội, là một ngành còn rất mới lúc bấy giờ.

Anh Nguyễn Văn Hải - Đội trưởng Đội Trật tự xã hội lưu động
Cơ duyên đến với anh khi vừa ra trường 2010, Đội Trật tự xã hội lưu động, Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 được thành lập và tuyển dụng những cán bộ đầu tiên. Từ bỡ ngỡ thuở ban đầu khi được giao nhiệm vụ mà chưa mường tượng hết công việc, những khó khăn, vất vả của việc đi “tập trung” người ăn xin, trải qua 15 năm, anh Hải từ một cán bộ đã trở thành người Đội trưởng vững vàng, có chuyên môn, nghiệp vụ, luôn sát sao, hướng dẫn anh em các kỹ năng làm việc, nắm địa bàn…
Anh Hải cho biết, đối tượng được đội tập trung tiếp nhận thường là người có hành vi xin ăn, xin tiền; người dẫn theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong đeo bám, chèo kéo người đi đường; người cao tuổi, trẻ em bị đi lạc; người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp Tết Nguyên đán hoặc thời tiết rét đậm dưới 10 độ C. Hàng ngày, các anh phân công 4 ca địa bàn để đi kiểm tra, rà soát từ 7 - 22h, kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết. Công việc tuy vất vả, nhưng lại trở nên ý nghĩa khi có thể giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Kỷ niệm ấm áp mà anh Hải còn nhớ mãi là vào một đêm 30 Tết, khi người người, nhà nhà sum vầy chuẩn bị đón Giao thừa thì các anh lại lên đường đi kiểm tra địa bàn. Khi qua khu vực hồ Hoàn Kiếm, các anh thấy một cụ già đang ngồi ven đường với rất nhiều hành lý lớn, nhỏ. Hỏi ra mới biết cụ đã gần 80 tuổi, nhà ở Hưng Yên và lên Hà Nội từ 28 Tết rồi lang thang từ đó tới giờ. Người thân ở quê đều không còn nên cụ muốn lên hồ Hoàn Kiếm ngắm pháo hoa như một mong ước cuối cùng… Sau khi được tuyên truyền, phổ biến quyết định của thành phố về việc đưa người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp Tết vào các cơ sở trợ giúp xã hội, các anh bày tỏ mong muốn đưa cụ về Trung tâm đón Tết. Cụ cảm động lắm và đề nghị xem pháo hoa xong sẽ lên đường. Đây là mong ước từ lâu của cụ nên cả tổ công tác đã cùng ở lại ngắm pháo hoa Giao thừa và nói lời chúc mừng năm mới với cụ ông hồn hậu nhưng không còn người thân đó.
Trường hợp thứ hai mà anh Hải vẫn nhớ là một cụ bà không nhà cửa, hay đi lang thang xin ăn, xin tiền. Hôm đó, anh em trong đội đi kiểm tra qua chùa Quán Sứ thì cụ nhìn thấy và gọi với theo: “Các chú ơi… cho tôi đi theo với!”. Vì cụ không biết cách nào để đi vào Trung tâm bảo trợ, sau đó có người mách cứ ngày mồng 1, ngày rằm ngồi ở cổng chùa thì sẽ có người của trung tâm đến đưa đi nên cụ chờ sẵn ở đây. Anh Hải tâm sự: “Thế mới thấy công việc của chúng tôi rất ý nghĩa, có thể giúp đỡ được những người có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Có nhiều người ở ngoài kia một mình, họ cô độc, khó khăn, mong muốn vào trung tâm để tìm một mái nhà”.
Bản lĩnh vượt qua thách thức
Anh Nguyễn Văn Hải cho biết, mỗi năm đội của anh tập trung, tiếp nhận từ 400 - 500 lượt người lang thang, nghĩa là bình quân khoảng 35 - 45 lượt người/tháng. Công việc này cũng có những nguy hiểm cận kề. “Khi tập trung các đối tượng thì an toàn là điều quan trọng nhất” - anh nói. Bởi lẽ, bên cạnh những trường hợp người lang thang xin ăn, xin tiền do hoàn cảnh riêng, thì hiện nay không ít trường hợp coi việc lang thang xin tiền là một “nghề”. Nhiều trường hợp còn có dấu hiệu được bảo kê, chăn dắt. Các đối tượng lợi dụng bán hàng rong, núp dưới danh nghĩa các trung tâm, câu lạc bộ từ thiện… gây khó khăn cho công tác thu thập chứng cứ, hành vi để tập trung.
Ngoài ra, các anh phải đối phó với nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng bảo kê như thuê người “mai phục” ở ngay cổng trung tâm, các đầu cầu vào nội đô để theo dõi hoạt động của đội rồi báo cho các đối tượng xin ăn, xin tiền né tránh. Các đối tượng còn tìm cách “đánh lạc hướng” khi gọi điện vào số đường dây nóng của trung tâm để báo thông tin giả. Chính vì lợi nhuận từ công việc “ăn xin” mang lại mà số người lang thang có hành vi chống đối, ăn vạ, đe dọa… các anh cũng không phải là hiếm.
Có những trường hợp anh và đồng đội đã phải tập trung đưa vào trung tâm trên dưới cả chục lần. Mặt khác, người lang thang có thể mắc các bệnh truyền nhiễm như lao, HIV… nên có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, hoặc lây bệnh cho cán bộ. Anh Hải cho biết, năm 2024 có 2 cán bộ của đội đã bị đối tượng bảo kê cùng người lang thang tấn công gây thương tích. Năm 2023 có 1 đồng chí phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV… Bản thân nhiều người lang thang cũng không biết chính họ mắc bệnh. Do đó khi bị đối tượng tấn công, gây thương tích thì quy trình thăm khám, xét nghiệm hay uống thuốc chống phơi nhiễm đều được thực hiện để bảo vệ cán bộ.
Để nâng cao năng lực công tác, anh Hải và các thành viên trong đội đã tự biên soạn ra cuốn “binh pháp” về những kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đây là cuốn cẩm nang dựa trên những trải nghiệm, kinh nghiệm từ các anh em đi trước rồi truyền lại cho người mới vào nghề để có thể học hỏi, rút kinh nghiệm. “Tuy nhiên, đối tượng thì muôn hình vạn trạng và ngay cả tâm lý của người cán bộ cũng khác, nhưng chúng tôi luôn cố gắng trang bị tốt nhất cho anh em” - anh Nguyễn Văn Hải nói.

Đội trưởng Nguyễn Văn Hải cùng đồng đội tập trung đối tượng lang thang về trung tâm
Những trăn trở
Bằng những nỗ lực, cố gắng, anh Nguyễn Văn Hải đã chỉ huy Đội Trật tự xã hội lưu động giải quyết hàng trăm người lang thang của thành phố, được sự ghi nhận, đánh giá cao của các cấp lãnh đạo. Tập thể Đội Trật tự xã hội lưu động đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì có thành tích trong công tác phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Nhiều năm liền Đội được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến xuất sắc”. Những thành tích ấy đều có dấu ấn rõ nét của người Đội trưởng Nguyễn Văn Hải. Anh nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, nhận Bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, danh hiệu “ Người tốt, việc tốt” cấp thành phố năm 2024…
Anh Hải khẳng định, để có thể gắn bó với công việc phải kể đến sự đoàn kết, giúp đỡ của các đồng nghiệp, quan trọng hơn nữa là “hậu phương” vững chắc của gia đình, luôn thông cảm cho công việc của anh đi sớm về trễ, những ngày lễ, Tết khó có thể vẹn tròn. So với 15 năm trước, lượng người ăn xin ở Hà Nội đã giảm nhiều, nhưng để giải quyết triệt để vấn đề này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ. Anh Hải tâm sự: “Giải quyết được triệt tình trạng người lang thang nói chung và người lang thang xin ăn, xin tiền nói riêng là bài toán không hề đơn giản. Có những trường hợp không muốn thay đổi bởi họ xác định đi ăn xin là “nghề”. Rồi còn các chính sách hỗ trợ khác nữa… Mong muốn lớn nhất chúng tôi là không để tồn tại tình trạng coi ăn xin là một “nghề”, lợi dụng lòng tốt của cộng đồng nhằm trục lợi”.
Chúng tôi chia tay khi anh Hải có cuộc điện thoại báo tiếp nhận đối tượng, cần lên đường ngay. Một năm mới lại đến, chúc Đội Trật tự xã hội lưu động sẽ ngày càng có nhiều đóng góp hơn nữa trong công tác giải quyết tình trạng người lang thang, để Thủ đô luôn là đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an toàn.