Hỗ trợ người dân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Nhằm xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững, nhiều địa phương đang nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Khuyến khích người khó khăn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội cho biết cơ quan này đang phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan thống nhất báo cáo UBND TP Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho một số đối tượng người dân đang thường trú trên địa bàn thành phố.

Ngành bảo hiểm xã hội tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: BHXH Việt Nam
Được biết, đối tượng được đề xuất hỗ trợ là người thuộc hộ gia đình nghèo, hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình thoát nghèo, hộ gia đình thoát cận nghèo; người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi, người khuyết tật nhẹ; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông nhiệp, lâm nghiệp, ngư ghiệp có mức sống trung bình đang thường trú trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đề xuất của Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội, chính sách hỗ trợ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2026, điều kiện để thụ hưởng chính sách là người dân đang thường trú trên địa bàn Hà Nội.
Cùng với Hà Nội, nhằm mở rộng lưới an sinh, Bảo hiểm Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu để thành phố ban hành chính sách hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để kịp triển khai từ ngày 1/7, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực.
Theo Bảo hiểm Xã hội TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố là 69.241 người, đạt 103,45% kế hoạch năm, tăng 25,83% so với năm 2023. Tuy nhiên, so với số người tham gia bảo hiểm xã hội của thành phố (2.780.586 người) thì con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Chỗ dựa vững chắc cho lao động tự do
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Hiện, chính sách được đánh giá là chỗ dựa vững chắc cho những lao động tự do, giúp họ có lương hưu khi về già, giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về mức hỗ trợ, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh, do ngân sách nhà nước bảo đảm, người lao động không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.
Đáng chú ý, theo quy định hiện hành, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu hàng tháng khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2025 khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu 15 năm sẽ được hưởng lương hưu. Hiện, đây là một trong những quy định quan trọng được rất nhiều người lao động quan tâm.
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, đến nay, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngành này tập trung kiên trì, liên tục tuyên truyền, vận động khoảng 2,311 triệu người, đạt khoảng 4,9% lực lượng lao động trong độ tuổi.