Hỗ trợ mô hình phát triển xanh

Sản xuất xanh trở thành xu hướng chung của thị trường, buộc doanh nghiệp (DN) phải có sự chuyển đổi. Thậm chí, nhiều DN lấy mục tiêu sản xuất xanh để xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững.

Nhiều doanh nghiệp Việt đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong sản xuất kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp Việt đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong sản xuất kinh doanh.

Tập trung hướng đến sản phẩm xanh

Có thể thấy, xanh hóa sản xuất và cao hơn là xanh hóa thương hiệu đã trở thành “luật chơi” mới trên thị trường trong nước và quốc tế. Điều này xuất phát từ thực tế thương mại xanh, kinh tế xanh đã và đang là xu hướng chủ đạo của kinh tế thế giới. Bởi xu hướng này không chỉ góp phần giảm thiểu những tác hại ra môi trường, mà còn là cơ sở vững chắc cho một nền kinh tế bền vững trong tương lai.

Nhận thức rõ thực tế trên, nhiều DN hướng tới việc sản xuất kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Viết Hồng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) cho hay, DN đang đẩy mạnh sản xuất xanh theo xu hướng chung. Theo đó, từ quý II/2023, triển khai các dòng bao bì xanh kết hợp với công nghệ chống hàng giả, sử dụng các loại nguyên vật liệu an toàn, ít tác động đến môi trường. Ngoài việc sử dụng nguyên liệu xanh, hệ thống máy móc và thiết bị sản xuất của đơn vị luôn được cải tiến nhằm đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn, kỹ thuật, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Ở góc độ nhà phân phối, đại diện Saigon Co.op cho biết, luôn định hướng phát triển hệ thống tới tiêu dùng bền vững. Trong kinh doanh, Saigon Co.op đã ngừng sử dụng túi nilon khó phân hủy thay vào đó sử dụng 100% túi tự hủy sinh học, túi tái sử dụng nhiều lần; thay thế các sản phẩm như ống hút nhựa, muỗng nhựa… trên kệ hàng bằng sản phẩm có nguồn gốc từ bã mía, giấy, gạo. Song song đó, nhà phân phối này còn vận động nhà cung cấp, đối tác chuyển đổi sản xuất xanh; khuyến khích khách hàng tiêu dùng xanh qua các chương trình khuyến mãi.

Nhận thấy cộng đồng DN có những tiến triển tốt về chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định: “Thị trường sản phẩm xanh tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Thực tế này được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường và bền vững...”. Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. Đáng chú ý, 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh.

Dùng đòn bẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi

Thực tế cho thấy, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến yếu tố xanh dành cho sản phẩm nhập khẩu. Điển hình, như các sản phẩm xuất nhập khẩu sẽ bị áp thuế tùy vào mức độ đáp ứng về tỷ lệ giảm thiểu chất thải ô nhiễm, khả năng tiết kiệm năng lượng, việc sử dụng nguyên vật liệu sản xuất có ảnh hưởng tới cân bằng sinh thái hay không, các loại bao bì có tái sử dụng được hay không. Bên cạnh đó, một số thị trường còn áp dụng đánh thuế môi trường, thuế tài nguyên lên sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt, nhiều quốc gia còn xây dựng các tiêu chuẩn hàng hóa, trong đó quy định nghiêm ngặt hàm lượng tài nguyên thô như là một biện pháp bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Do vậy, việc nâng cao vị thế DN Việt theo hướng xanh, phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển chung của toàn cầu là điều hết sức cấp thiết.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố (Huba) khẳng định: “Hiện các DN đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và triển khai những hành động thiết thực trong việc tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và phát triển các sáng kiến xanh. Đây chính là những nỗ lực to lớn của DN trong phát triển bền vững”.

Về việc phát triển xanh trong cộng đồng DN, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, nhiều DN chủ động đầu tư xử lý chất thải, nước thải; sử dụng nguyên liệu, quy trình thân thiện với môi trường… cho hoạt động sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Ghi nhận, nhiều DN lấy mục tiêu sản xuất xanh để xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững. “Thời gian tới hy vọng, DN sẽ quyết tâm cùng phát triển để thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng về kinh tế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững” - ông Hoan nói.

Nhằm hỗ trợ cộng đồng DN phát triển xanh, TPHCM có chính sách hỗ trợ lãi suất. Ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM thông tin, các dự án, DN, tổ chức kinh tế trong nước có dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn thành phố sẽ được cho vay với mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án. Mức lãi suất hỗ trợ là 50% hoặc có thể lên đến 100% và áp dụng trong vòng 7 năm. Bên cạnh đó, Huba cũng cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các DN trong quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh. Đại diện Huba cho rằng, cần hợp lực không chỉ xây dựng những DN thành công, mà còn là những DN có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ho-tro-mo-hinh-phat-trien-xanh-10289334.html
Zalo