Hỗ trợ khởi nghiệp: Khơi dậy sức sáng tạo của hội viên, phụ nữ

Đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Nam Định chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm, hỗ trợ chắp cánh cho các ý tưởng/dự án khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ tại địa phương.

Các cấp Hội phụ nữ tỉnh Nam Định hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp

Giai đoạn 2018- 2022, toàn tỉnh Nam Định đã có 226 ý tưởng/dự án tham gia "Ngày phụ nữ khởi nghiệp" của tỉnh. Trong đó có 123 ý tưởng tiêu biểu cấp tỉnh được biểu dương khen thưởng; 52 ý tưởng tham gia cấp TƯ. Có 03 ý tưởng được TƯ Hội LHPNVN trao giải thưởng. Hội LHPN tỉnh cũng hỗ trợ thành lập 08HTX, 12 tổ hợp tác/tổ liên kết phát triển sản xuất kinh doanh do phụ nữ quản lý, điều hành tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ, góp phần tham gia tích cực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nam Định Nguyễn Thị Minh Hà

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nam Định Nguyễn Thị Minh Hà

Bà Nguyễn Thị Minh Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nam Định chia sẻ về những kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cùng báo PNVN.

+ Xin bà cho biết những thuận lợi cũng như thế mạnh của phụ nữ Nam Định khi khởi nghiệp?

Bà Nguyễn Thị Minh Hà: Hội LHPN tỉnh Nam Định có thuận lợi là nhiệm vụ "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh; được đưa vào Kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 và kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh.

Cùng với đó là sự chỉ đạo, định hướng kịp thời của Đoàn chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam. Hội LHPN các cấp trong tỉnh tích cực tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, đưa nội dung Đề án vào tiêu chí chấm điểm thi đua hàng năm của Hội. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh tặng hoa và biểu dương 20 phụ nữ khởi nghiệp năm 2020

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh tặng hoa và biểu dương 20 phụ nữ khởi nghiệp năm 2020

Chúng tôi còn còn lợi thế là cán bộ, hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ tỉnh Nam Định tích cực tham gia phong trào khởi nghiệp. Đã có khá nhiều ý tưởng sáng tạo, phát huy tài nguyên của địa phương, tận dụng được lợi thế vùng miền như: du lịch cộng đồng; sản phẩm thân thiện với môi trường thiên nhiên; sản phẩm OCOP.

+ Trên hành trình biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, chị em còn có những khó khăn, rào cản gì cần phải vượt qua, bà có thể chia sẻ?

Bà Nguyễn Thị Minh Hà: Trong hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án 939 thì có 2,5 năm phòng chống dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động phát triển kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ. Sản xuất kinh doanh bị đình trệ, tiêu thụ sản phẩm bị đứt gãy, hoạt động cầm chừng. Đã có HTX do Hội phụ nữ hỗ trợ thành lập bị phá sản.

Đặc biệt trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động khởi nghiệp của phụ nữ bị tác động rất sâu sắc, gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về mọi mặt. Tuy nhiên với tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần bền bỉ, phát huy nội lực vươn lên của Phụ nữ Nam Định, các chị em đã tích cực thích ứng linh hoạt, kết nối để cùng nhau đứng vững, quyết tâm vượt qua thời kỳ khó khăn.

Một số mô hình khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ tỉnh Nam Định

Một số mô hình khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ tỉnh Nam Định

Về hạn chế, có thể kể đến như: Một bộ phận chị em tham gia khởi nghiệp chưa tự tin, thiếu sự đam mê, bản lĩnh, chưa thật sự quyết tâm đầu tư cho học tập, trang bị kiến thức; chưa vượt qua rào cản định kiến giới, rào cản tâm lý, gánh nặng trách nhiệm chăm sóc gia đình, con cái; chưa cân bằng giữa cuộc sống và công việc… để tham gia các khóa đào tạo/các lớp học về quản lý kinh tế, tiếp cận thị trường, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng... Chị em còn ngần ngại, chần chừ chưa tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm do TƯ Hội, các sở, ngành giới thiệu, tổ chức.

Hạn chế nữ là kiến thức về quản lý nhân sự, tài chính, hoạch toán kinh tế. Chị em thậm chí chưa biết cách viết dự án/đề xuất kế hoạch sản xuất kinh doanh tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp do TƯ Hội và Hội LHPN tỉnh phát động. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, chị em chưa có giải pháp chăm sóc khách hàng, quảng cáo, lúng túng trong việc tìm kiếm nhà cung cấp uy tín.

Ngoài ra còn có những hạn chế về trình độ về công nghệ thông tin, ngoại ngữ nên chị em gặp khó khăn trong việc sử dụng các nền tảng số trong bán hàng/tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, phần lớn phụ nữ tham gia khởi nghiệm với mô hình sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, siêu nhỏ, chính vì vậy khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, chưa đủ điều kiện để khai thác thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa... Những rào cản đó dễ dẫn đến thất bại/phá sản trong quá trình khởi nghiệp.

+ Các cấp Hội phụ nữ tỉnh Nam Định đã có những chương trình, hoạt động gì hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vượt qua khó khăn đó?

Bà Nguyễn Thị Minh Hà: Hội LHPN các cấp luôn đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tổ chức các hoạt động đa dạng nhằm thúc đẩy phong trào Phụ nữ nam Định khởi nghiệp.

Có thể kể đến một số hoạt động như: duy trì tổ chức "Ngày phụ nữ khởi nghiệp" hàng năm nhằm phát hiện, kết nối nguồn lực hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng/dự án khởi nghiệp của phụ nữ; động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân phụ nữ có ý tưởng, công trình nghiên cứu đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng; tư vấn, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ xây dựng thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp.

Hội LHPN chắp cánh cho các mô hình phát triển kinh tế của hội viên, phụ nữ

Hội LHPN chắp cánh cho các mô hình phát triển kinh tế của hội viên, phụ nữ

Để hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại cho chị em, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kiến thức cho hàng nghìn lượt học viên. Đồng thời, phối hợp tư vấn, đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho hội viên, phụ nữ và thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp.

Các cấp Hội hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em tham gia các Hội chợ, hội thảo liên kết giới thiệu, quảng bá sản phẩm… Qua đó, thúc đẩy hoạt động thương mại trong và ngoài nước; kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp với hoạt động sản xuất kinh doanh của phụ nữ khởi nghiệp.

Với các hoạt động hỗ trợ tiếp cận tín dụng: Các cấp Hội tư vấn, hỗ trợ và tạo điều kiện để chị em được tiếp cận tín dụng từ các Ngân hàng, các tổ chức tín dụng, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các Quỹ cho vay phát triển kinh tế tập thể tại địa phương, các nguồn vốn của tổ chức Hội để phát triển sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp.

Hiện nay, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Nam Định đang hỗ trợ 86.408hộ vay tại 5.295 Tổ Vay vốn và tiết kiệm, nhóm tín dụng tiết kiệm để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Những tấm gương phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng

Những tấm gương phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng

Với các hoạt động hỗ trợ truyền thông,các cấp Hộigiới thiệu về doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp và sản phẩm thông qua các kênh truyền thông để tuyên truyền kết quả hoạt động của Đề án, giới thiệu các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội phụ nữ và các gương phụ nữ, mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong tỉnh.

Trong hơn 5 năm triển khai Đề án "Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp", có rất nhiều các gương phụ nữ khởi nghiệp vượt khó khởi nghiệp thành công, kết quả đem lại hiệu quả phát triển kinh tế cho gia đình, quê hương, góp phần thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo và xây dựng NTM tại địa phương.

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Trần Lê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ho-tro-khoi-nghiep-khoi-day-suc-sang-tao-cua-hoi-vien-phu-nu-20230719172346863.htm
Zalo