Hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt sự dịch chuyển chuỗi cung ứng hiện nay, việc liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp càng trở nên quan trọng, qua đó mở rộng, đa dạng hóa thị trường và từng bước tiếp cận công nghệ hiện đại, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tiếp tục nằm trong top các doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tiếp tục nằm trong top các doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Vĩnh Phúc được biết đến là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô, xe máy và điện tử ở phía Bắc. Để thúc đẩy liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp DDI có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI, hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn cho doanh nghiệp về khả năng cạnh tranh, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI; tăng cường kết nối giữa địa phương với các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ để thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ; hơn 70 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn lớn; 4 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy hoàn chỉnh là Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Deawoo Bus, Công ty Piaggio Việt Nam - đây là các doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí, chế tạo nói chung và ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy nói riêng phát triển.

Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đầu tư vào tỉnh từ năm 1995, luôn giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường ô tô Việt Nam với sản lượng thiết kế nhà máy đạt hơn 70 nghìn xe/năm.

Ngay từ khi đặt nhà máy tại Việt Nam, công ty luôn chú trọng đến phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước; triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các nhà cung ứng trong nước như hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, các công cụ quản lý, giới thiệu đơn vị, chuyên gia nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, công ty đã cử chuyên gia của mình tới đánh giá, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao sản xuất đáp ứng yêu cầu nhà máy thông minh.

Từ năm 2020 đến nay, công ty và Bộ Công thương đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô.

Thông qua dự án, Toyota đã kết nối với hơn 80 nhà cung cấp tiềm năng. Hiện, Toyota có 5 mẫu xe lắp ráp trong nước và đã có 13 nhà cung cấp thuần Việt, nâng tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt gần 1.000 sản phẩm các loại, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với tiềm năng của ngành công nghiệp hỗ trợ, chiến lược đồng hành cùng công ty nội địa như cách Toyota Việt Nam đang làm được xem như động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước.

Đây là mối quan hệ tương hỗ khi doanh nghiệp Việt cải tiến năng lực, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, còn các hãng xe tận dụng được nguồn cung nội địa, giảm chi phí sản xuất lẫn giá thành một mẫu xe.

Đặc biệt, tháng 12/2024, Toyota Việt Nam và UBND tỉnh ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tại Vĩnh Phúc, thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Hoạt động này được triển khai từ năm 2025 đến 2027. Qua đó sẽ phát triển ngành công nghiệp ô tô và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy…, tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI.

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128548//ho-tro-ket-noi-cac-doanh-nghiep-tham-gia-chuoi-cung-ung
Zalo