Hỗ trợ đổi mới dạy học Ngữ văn với phát triển văn hóa đọc

Phát triển văn hóa đọc là giải pháp quan trọng, hỗ trợ học sinh trước khó khăn khi thực hiện đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn.

Thầy Nguyễn Trọng Trường, giáo viên Trường THCS-THPT Phenikaa trong giờ dạy Ngữ văn.

Thầy Nguyễn Trọng Trường, giáo viên Trường THCS-THPT Phenikaa trong giờ dạy Ngữ văn.

Yêu cầu quan trọng

Khẳng định vai trò quan trọng của phát triển văn hóa đọc, thầy Nguyễn Trọng Trường, giáo viên Trường THCS-THPT Phenikaa cho biết: Theo thống kê năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc.

Trung bình người Việt Nam đọc 1,2 quyển sách/ năm. So với một số quốc gia như Malaysia (trung bình đọc 10 quyển/năm), Singapore (14 cuốn/năm), Nhật Bản, Israel (20 cuốn/ năm) thì rõ ràng việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn rất nhiều.

Chương trình môn Ngữ Văn 2018 được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe. Các văn bản trong sách giáo khoa được coi là ngữ liệu dạy học mẫu gắn với đặc trưng của từng thể loại.

Trong bối cảnh đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ Văn, theo thầy Nguyễn Trọng Trường, việc phát triển văn hóa đọc có định hướng với từng giai đoạn học tập không chỉ mở rộng vốn hiểu biết mà còn giúp hình thành và phát triển năng lực tự học của học sinh. Các em được rèn kỹ năng thu thập, xử lý thông tin từ các nguồn khác nhau.

Đặc biệt, đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ Văn hiện nay cũng được thiết kế theo tinh thần đổi mới, không sử dụng lại ngữ liệu đã học để đánh giá khách quan năng lực học tập của học sinh.

Chính vì vậy, nếu việc đọc của học sinh chỉ giới hạn ở những tác phẩm, văn bản trong sách giáo khoa, mà không có ý thức đọc mở rộng, tìm tòi tri thức bên ngoài, các em sẽ gặp khó khăn trong việc liên hệ, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống sau khi tiếp nhận vấn đề được đặt ra từ văn bản văn học.

Cần đưa phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ chiến lược trong nhà trường

Đọc sách là rất cần thiết, nhưng thầy Nguyễn Trọng Trường cũng cho biết, phát triển văn hóa đọc trong học sinh còn nhiều khó khăn.

Theo đó, nhiều gia đình chưa xây dựng thói quen đọc sách tại nhà cho học sinh, dẫn đến các em không có nếp đọc để hình thành nên văn hóa đọc.

Sự bùng nổ của các loại hình giải trí trên nền tảng số dễ dàng thu hút học sinh hơn là việc dành thời gian để đọc sách. Xu hướng sống nhanh, sống vội đang sinh ra thế hệ người trẻ ưa “đọc lướt” hơn là “đọc chậm” để hiểu rõ ngọn nguồn thông tin.

Tỷ lệ học sinh đến thư viện mượn sách còn thấp, các đầu sách trong thư viện số lượng còn hạn chế. Nhà trường chưa có nhiều hoạt động đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc của học sinh và chưa lấy việc này làm nhiệm vụ mang tính chiến lược.

Là giáo viên Ngữ văn, chia sẻ giải pháp, thầy Nguyễn Trọng Trường cho rằng, để hình thành thói quen đọc sách như một nhu cầu tự thân, một sở thích, một niềm vui và khát vọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, cần nhiều thời gian và sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Thông qua đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, giáo viên tổ chức các tiết đọc hiệu quả tại thư viện; các cuộc thi quay video, giới thiệu sách nhằm mang đến sân chơi hấp dẫn, thú vị, tránh đơn điệu, nhàm chán.

Tùy theo từng chủ đề, chủ điểm, giáo viên Ngữ Văn sẽ giao nhiệm vụ cho học sinh chọn các cuốn sách hay, giàu ý nghĩa để giới thiệu cho các bạn trong lớp; mở rộng đối tượng tham gia đến phụ huynh học sinh để sách thực sự đi vào đời sống, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.

“Nhà trường cần đưa việc phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ chiến lược, có kế hoạch, lộ trình phát triển rõ ràng.

Giáo viên cần linh hoạt, sáng tạo, sử dụng thêm các ngữ liệu từ sách, báo, tạp chí để học sinh chủ động khai thác thông tin, giải quyết các nhiệm vụ học tập một cách sáng tạo, hứng thú. Đối với mỗi môn học, giáo viên cần có kế hoạch hướng dẫn học sinh đọc thêm sách báo nào, loại nào để củng cố kiến thức, loại nào để mở rộng, nâng cao”, thầy Nguyễn Trọng Trường cho hay.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ho-tro-doi-moi-day-hoc-ngu-van-voi-phat-trien-van-hoa-doc-post704331.html
Zalo