Hỗ trợ doanh nghiệp sẽ rất khác
'Tận dụng cơ hội kinh doanh năm 2025 thế nào' đang là chủ đề của hàng loạt cuộc trao đổi, tọa đàm trong nội bộ của rất nhiều hiệp hội doanh nghiệp.
Mặc dù những thách thức, khó khăn, thậm chí là những bất định của kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục là phần được tô đậm trong kế hoạch kinh doanh năm tới, nhưng các doanh nghiệp đều nói, cơ hội đang lớn hơn. Đặc biệt, cơ hội đang lớn và hiện hữu hơn bởi những động thái chính sách của Chính phủ được nhiều doanh nghiệp nhắc đến là rất khác so với mọi năm.
Nhìn lại, hỗ trợ doanh nghiệp luôn có mặt trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Quốc hội, Chính phủ, nhằm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm. Đi cùng luôn là các giải pháp về tài khóa, tiền tệ với hàng loạt chính sách cụ thể như cắt, giảm, giãn thời gian nộp các loại thuế, phí; cắt giảm thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ; tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng, đất đai…
Năm 2025 tới đây cũng vậy.
Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đưa giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh ngay sau ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trước nhóm giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong 8 nhóm giải pháp, chính sách của Chính phủ mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, thì các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân xếp thứ ba (sau 2 nhóm nhiệm vụ hoàn thiện thể chế và thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô).
Nhiều đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang tiếp tục được Chính phủ hoàn thiện, để kịp có hiệu lực vào năm tới. Như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết tháng 6/2025, các giải pháp khắc phục vướng mắc trong quản lý thị trường bất động sản, giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ…
Tuy nhiên, nội hàm của nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong năm tới chắc chắn sẽ không giống như nhiều năm trước, thậm chí cũng khác với năm 2024, khi mục tiêu tăng trưởng cũng được đặt lên hàng ưu tiên.
Thứ nhất, doanh nghiệp đang cảm nhận rất rõ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị. Lần đầu tiên, Nghị quyết của Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP không chỉ trong khoảng 6,5-7%, mà còn có thêm mục tiêu phấn đấu 7,0-7,5%. Nhưng mục tiêu Chính phủ hướng tới cao hơn, tới ngưỡng là 8% tăng trưởng GDP để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch cả giai đoạn 2021-2030.
Thứ hai, thông điệp việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và của Bộ Chính trị - dù có phạm vi tác động rộng, phức tạp, nhạy cảm - nhưng sẽ không ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân, doanh nghiệp được thể hiện rõ ở tất cả các cấp, ngành, địa phương.
Thứ ba, chưa bao giờ, các doanh nghiệp nhắc nhiều đến tốc độ rất nhanh, nhất quán trong thực hiện các giải pháp chính sách, nhất là trong nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn với sự tin tưởng như thời điểm này.
Hỗ trợ doanh nghiệp năm nay chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở các giải pháp, chính sách vì sự thuận lợi của doanh nghiệp, mà còn vì định hướng, quyết tâm tăng trưởng, phát triển của cả hệ thống chính trị.
Cơ hội kinh doanh, vì vậy càng hiện hữu với cộng đồng doanh nghiệp.