Hỗ trợ các mẹ liệt sĩ thu nhận mẫu ADN tìm con hy sinh
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương tổ chức đưa các thân nhân, mẹ liệt sĩ tới các điểm thu nhận mẫu ADN mong tìm con đã hy sinh trong chiến tranh.
Nhằm sẻ chia nỗi đau mất mát của thân nhân các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Công an xã Hoằng Hợp (Thanh Hóa) đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đưa 3 mẹ liệt sĩ chưa xác định được thông tin phần mộ đến điểm thu nhận mẫu ADN trên địa bàn.

Hỗ trợ các mẹ liệt sĩ tới điểm lấy mẫu ADN
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế, bảo vệ biên giới Tổ quốc, đã có hàng trăm người con xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa lên đường ra trận, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu..
Trong đó, có 132 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Ngoài số liệt sĩ đã được quy tập và xác định rõ danh tính, hiện vẫn còn 101 liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Việc triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin là bước chuẩn bị đầu tiên cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính quy tập hài cốt các liệt sĩ. Điều này một lần nữa thắp lên niềm hy vọng xoa dịu nỗi đau cho các gia đình có người thân hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Hy vọng tìm thấy thân nhân của các liệt sĩ qua đối chiếu ADN
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu nhận mẫu ADN cho thân nhân các liệt sĩ, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các gia đình có người thân liệt sĩ chưa xác định được thông tin, Công an xã Hoằng Hợp đã nhanh chóng khảo sát, rà soát và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xe đưa đón 3 mẹ liệt sĩ đến điểm thu nhận mẫu ADN.
Năm nay, ở tuổi 91, sức khỏe và trí nhớ của mẹ Nguyễn Thị Điệp ở thôn Thanh Minh, xã Hoằng Hợp đã bị ảnh hưởng nhiều. Tuổi già khiến mẹ quên đi nhiều điều, thậm chí không còn nhớ tên các con, không nhớ mình có mấy người con.
Mỗi khi nhắc đến người con đầu lòng đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ - Liệt sĩ Lê Văn Minh, ánh mắt mẹ lại đượm buồn khi đất nước đã hòa bình thống nhất hơn 50 năm rồi mà mẹ vẫn chưa biết con mình đang yên nghỉ ở đâu. Chính vì vậy, khi có Chương trình thu thập mẫu ADN để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập liệt sĩ, mẹ mừng và hy vọng nhiều lắm.
Cũng như mẹ Điệp, mẹ Nguyễn Thị Vạn năm nay đã 101 tuổi. Dù đã hơn trăm tuổi, đôi chân đã yếu không đi được, nhưng mẹ vẫn còn khá minh mẫn. Mẹ kể gia đình chẳng có kỉ vật gì của con trai cả, mẹ luôn mong mỏi có thể sống đến lúc tìm được phần mộ của con. Trước ngày tiễn con ra trận vẫn kiên trì với lòng tin sắc son vào lý tưởng, vậy mà khi nhìn thấy kim tiêm lấy mẫu máu thì kêu lên “Đau lắm, sợ lắm”.
Đối với mẹ liệt sĩ Phạm Thị Tuận, 95 tuổi, trong suốt buổi trò chuyện, mỗi khi nhắc đến người con đã anh dũng hi sinh, mẹ lại nghẹn ngào không nói lên lời. Dù đã hơn ½ thế kỷ trôi qua, mẹ vẫn luôn day dứt nhớ thương con.
Nghe thông tin có các anh Công an xuống đưa mẹ đi lấy mẫu ADN, đã thắp lên tia hy vọng tìm được con trai của mình sau bao năm tháng chờ đợi trong mỏi mòn và thương nhớ.
Mẹ còn kể với các anh bằng giọng vô cùng tự hào về thời kỳ cả gia đình cùng tham gia kháng chiến, chồng, con và bản thân mẹ đều theo lý tưởng của Đảng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cả đoàn đều lặng đi, thương mẹ và khâm phục tấm lòng của người mẹ Việt Nam kiên cường, bất khuất.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương lòng cùng những kỷ niệm đi cùng năm tháng của thân nhân các liệt sĩ sẽ khó có thể xóa nhòa. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, các mẹ chỉ luôn mong ước trước khi nằm xuống có cơ hội đưa hài cốt của con mình về đoàn tụ, thắp hương lên phần mộ con với đầy đủ danh tính.