Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một

Kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một vừa được phê duyệt sẽ triển khai tại một số địa phương gồm: Lạng Sơn, An Giang, Hà Giang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn và Thừa Thiên Huế.

Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 2962/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Kế hoạch và dự toán thực hiện nhiệm vụ "Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024" của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Mục đích của kế hoạch nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

Tái hiện lễ hội của người dân đồng bào Cơ Tu tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tái hiện lễ hội của người dân đồng bào Cơ Tu tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, tăng cường mối đoàn kết dân tộc, đặc biệt đối với thanh niên, những người trẻ tuổi qua các hoạt động: sinh hoạt văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, truyền dạy nghề truyền thống, tri thức dân gian, nghi lễ văn hóa mang đậm bản sắc mỗi dân tộc; tạo điều kiện cho cộng đồng được giao lưu, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống của mình. Nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; phát huy vai trò và nâng cao năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và cộng đồng dân tộc thiểu số trong nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Cụ thể, trong quý 4 năm 2024, Bộ VHTTDL giao Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024.

Tại Lạng Sơn tổ chức nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy: Lễ cấp sắc của người Dao, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc; Lẩu Then của người Nùng, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định; văn hóa phi vật thể hát Xắng Cọ của người Sán Chỉ ở huyện Lộc Bình.

Tại An Giang, nghiên cứu bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn trống Rebana của người Chăm. Tại Hà Giang, nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy Lễ rửa làng (Lổng chìn) của dân tộc Lô Lô huyện Đồng. Tại Bắc Giang, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy ngữ văn dân gian và tri thức dân gian trong tục làm nhà táng (Làn thai) của người Cao Lan ở xã Xuân Lương, huyện Yên Thế. Tại Thừa Thiên Huế nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy Lễ bỏ mả của người Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông. Tại Vĩnh Phúc, nghiên cứu bảo tồn và phát huy hát Soọng Cô của người Sán Dìu ở huyện Lập Thạch. Tại Bắc Kạn, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Dao Tiền trong phát triển các sản phẩm du lịch.

Quá trình thực hiện, kế hoạch cũng yêu cầu bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Phát huy nội lực, tinh thần tự lực và khơi dậy lòng tự hào đối với các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc có nguy cơ bị mai một. Chủ động, linh hoạt trong triển khai nhằm động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, cần phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong việc xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cần có sự tham vấn ý kiến cộng đồng và sự đồng thuận của người dân trong cộng đồng; cộng đồng được hưởng thụ các giá trị văn hóa và được hưởng lợi từ hoạt động văn hóa, du lịch…/.

PV

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ho-tro-bao-ton-phat-huy-van-hoa-phi-vat-the-cac-dan-toc-thieu-so-co-nguy-co-mai-mot-20241011122311038.htm
Zalo