Hồ sơ VGV bị phạt và truy thu nợ thuế hơn 1,1 tỷ

Tiền thân của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VGV) là Cục thiết kế dân dụng thành lập từ tháng 4/1955. Năm 2016, VGV cổ phần hóa, có vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng.

Theo Nhà báo và Công luận, Cục thuế TP Hà Nội vừa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP (UPCoM: VGV) số tiền gần 180 triệu đồng do khai sai dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp tại năm 2022 và 2023.

Công ty bị truy thu số tiền nộp thuế còn thiếu là 897 triệu đồng. Bao gồm 345 triệu đồng thuế GTGT và 552 triệu đồng thuế TNDN. Đồng thời, công ty cũng phải đóng thêm 57 triệu đồng tiền phạt chậm nộp thuế. Tổng số tiền bị phạt và truy thu thuế của VGV là hơn 1,1 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2022, VGV cũng bị Cục thuế TP HCM xử phạt đối với chi nhánh có địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP HCM nhưng số tiền ít hơn, khoảng vài triệu đồng.

Khi đó đơn vị này có hành vi không lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng; đồng thời kê khai sai dẫn tới thiếu số tiền thuế GTGT phải nộp. Cùng lý do khai sai, chi nhánh này bị phạt và bị truy thu số tiền tổng cộng 62 triệu đồng vào năm 2021.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo tìm hiểu, tiền thân của Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam là Cục thiết kế dân dụng thành lập từ tháng 4/1955. Đến năm 2016, VGV được cổ phần hóa, có vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 87,2% do Tổng công ty SCIC quản lý.

VGV là thương hiệu đầu ngành trong lĩnh vực tư vấn xây dựng. Với bề dày gần 70 năm, VGV và các công ty con, công ty liên kết đã thiết kế, tư vấn tại nhiều công trình lớn của quốc gia như Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, nhà Quốc hội, tổ hợp văn phòng Keangnam, bảo tàng Hà Nội, Học viện quân y…

Vốn điều lệ của VGV 357,7 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp này nắm trong tay nhiều tài sản rất giá trị. Theo đó, công ty đang quản lý và sử dụng lô đất 2.500 m2 tại trụ sở 243 Đê La Thành, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội gồm 1.627 m2 đất xây trụ sở và 873 m2 đất nằm ngoài chỉ giới xây dựng.

Các công ty con, công ty liên kết trong hệ sinh thái của VGV cũng các thương hiệu mạnh hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế và nắm trong tay nhiều mảnh đất vàng như CIC, CDC, VIWASE, CONINCO, CCBM, NAGECCO, INCOSAF, VCC…

Về tình hình kinh doanh, theo Nhà báo và Công luận, tại cuối quý II/2024, tổng tài sản VGV ghi nhận ở 1.125,4 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền mặt chiếm tới 92,2 tỷ cùng 230,8 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng.

Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho lần lượt chiếm 293,8 tỷ và 256,9 tỷ đồng, không biến động quá nhiều so với đầu năm. Lượng tài sản dài hạn đi ngang ở 241,9 tỷ với phần lớn là tài sản cố định cùng khoản đầu tư dài hạn vào đơn vị khác.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 59% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên có 338,7 tỷ đồng, tương đương hơn một nửa trong đó là tiền người mua trả trước ngắn hạn. Điều này cho thấy khả năng chiếm dụng vốn tương đối tốt của VGV. Lượng nợ vay ngắn hạn chỉ chiếm 30 tỷ và không có khoản vay dài hạn nào. Trong khi đó vốn chủ sở hữu chiếm 457 tỷ đồng với 26,5 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Khánh Hoài (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/ho-so-vgv-bi-phat-va-truy-thu-no-thue-hon-11-ty-2020252.html
Zalo