Hồ sơ thầu bảo hiểm 'đi đêm' giảm bớt

Bên cạnh những quy định mới về đấu thầu, ngày càng có nhiều cuộc đấu thầu công khai trên mạng, đã khiến các chiêu trò 'gài thầu' bảo hiểm giảm mạnh.

Tiềm lực tài chính chỉ là điều kiện cần để thắng thầu bảo hiểm, điều kiện đủ vẫn phải là năng lực phục vụ

Tiềm lực tài chính chỉ là điều kiện cần để thắng thầu bảo hiểm, điều kiện đủ vẫn phải là năng lực phục vụ

Thưa thớt các chiêu trò

Trước đây, những vi phạm trong đấu thầu các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc như đầu tư xây dựng, cháy nổ, xe cơ giới; các hành vi gây khó khăn trong mua hồ sơ mời thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm, chủ đầu tư bắt tay với nhà thầu đưa vào hồ sơ mời thầu “rào cản kỹ thuật”, trúng thầu nhưng không gọi người trúng đến thương thảo… vẫn có, không ít vụ đã được “điểm tên” trên báo chí.

Tuy nhiên, trong năm nay, các chiêu trò “gài thầu” bảo hiểm đã giảm mạnh nhờ những quy định mới về đấu thầu bảo hiểm, cũng như ngày càng có nhiều cuộc đấu thầu công khai trên mạng.

Luật Đấu thầu mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu.

Theo đó, Luật Đấu thầu mới bổ sung quy định về nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; sửa đổi, bổ sung quy định về cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng; bổ sung hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu như hành vi thông thầu, hành vi cản trở, hành vi không đảm bảo công bằng và minh bạch.

Về quy định các hành vi thông thầu bị cấm, Luật Đấu thầu mới nêu rõ: “Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.

Bên cạnh tính minh bạch trong công tác đấu thầu có thể giúp hạn chế được tình trạng thông thầu, Luật Đấu thầu mới cũng đã bổ sung quy định về hành vi cản trở như cố tình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sai sự thật để cản trở hoạt động đấu thầu; có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.

Đối với những hành vi không đảm bảo công bằng, minh bạch, Luật Đấu thầu mới bổ sung quy định hành vi: “Nếu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 44 và khoản 2, Điều 48 của luật này”.

Còn về chế tài xử phạt, nếu không bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, theo quy định tại Điều 37, Nghị định 122/2021/NĐ-CP sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng (áp dụng cho tổ chức), còn đối với cá nhân thì mức phạt tiền sẽ từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

Cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành. Cụ thể, cá nhân vi phạm, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm, thậm chí có thể bị phạt tù lên đến 20 năm.

Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Chất lượng phục vụ” mới là điều kiện đủ

Tiêu chí về rating đang dần bị loại bỏ và có thể được “xóa sổ” từ năm 2025 bởi những quy định mới trong chế tài xử phạt.

Theo ghi nhận trên thị trường, mặc dù các chiêu trò “gài thầu” bảo hiểm đã giảm mạnh, nhưng có một số trường hợp vẫn mang tiêu chí về rating (xếp hạng năng lực tài chính quốc tế) ra để cản trở số đông nhà thầu.

Đơn cử, một số nhà thầu là công ty bảo hiểm phản ánh, trong gói thầu bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro đặc biệt năm 2024 do Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc làm chủ đầu tư trực tiếp mời thầu, hồ sơ mời thầu đưa ra tiêu chí “xếp hạng của nhà thầu độc lập hoặc nhà thầu đứng đầu liên danh bảo hiểm (theo đánh giá của tổ chức xếp hạng năng lực tài chính AM Best hoặc tương đương) phải đạt từ B+ trở lên”.

Trong khi đó, trên thị trường hiện tại, chỉ có 5/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có rating (gồm Bảo hiểm PVI, Bảo Minh, PJICO, PTI, BIC). Như vậy, có 25 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dù đáp ứng năng lực tài chính theo tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước, nhưng vẫn bị loại ngay từ “vòng gửi xe” đối với gói thầu trên. Trước thời điểm gói thầu được đóng vào 14h ngày 10/5/2024, thông báo mời thầu vẫn chưa có sự điều chỉnh.

Có những doanh nghiệp bảo hiểm có vốn điều lệ cao hơn mức quy định tối thiểu, nhưng vẫn không dễ tiếp cận gói thầu bảo hiểm quy mô lớn, do nhiều gói thầu đánh giá nhà thầu còn dựa trên các tiêu chí khác như biên khả năng thanh toán.

Mặt khác, với các dự án lớn, nhà thầu thường yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải có vốn điều lệ cao hơn nhiều vốn pháp định như một tiêu chí để đảm bảo tiềm lực tài chính mạnh nếu không may xảy ra rủi ro cần được bảo hiểm.

Năm 2017, Báo Đầu tư Chứng khoán từng phản ánh, gói thầu mua sắm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và các rủi ro đặc biệt cho các tòa nhà cũng như hệ thống tổng kho của một tập đoàn viễn thông yêu cầu, vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đấu thầu từ 800 tỷ đồng trở lên, cao hơn 500 tỷ đồng so với vốn pháp định và có một số tiêu chí dự thầu không rõ ràng. Phía tập đoàn viễn thông sau đó điều chỉnh tiêu chí đánh giá năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà thầu, nhưng giữ nguyên tiêu chí vốn điều lệ, vì giá trị gói thầu lớn (hơn 8.000 tỷ đồng), chủ đầu tư cần lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm có tiềm lực tài chính mạnh.

Năm qua, các DNBH như Bảo hiểm PVI, PTI, MIC, Bảo Minh tiếp tục tăng vốn nhằm thắng thầu trong các vụ thầu bảo hiểm đã được các doanh nghiệp bảo hiểm với tư cách là nhà thầu đặt ra. Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, sau khi hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 1.096 tỷ đồng lên hơn 1.205 tỷ đồng trong tháng 2/2024, Công ty vẫn có kế hoạch tăng lên 1.500 tỷ đồng vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một DNBH lớn, tiêu chí về rating đang dần bị loại bỏ và có thể được “xóa sổ” từ năm 2025 bởi những quy định mới trong chế tài xử phạt. Còn với tiêu chí liên quan đến điều kiện về vốn, nếu ấn định điều kiện này trong hồ sơ mời thầu nhằm tạo lợi thế cho một hoặc số ít nhà thầu, cũng sẽ bị “tuýt còi” bởi tạo ra cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường.

Trong khi đó, nguyên tổng giám đốc của một DNBH cho biết, tiềm lực tài chính chỉ là điều kiện cần để thắng thầu bảo hiểm, điều kiện đủ vẫn phải là năng lực phục vụ. Bởi khi không may có sự cố xảy ra, nếu nhà thầu có tiềm lực tài chính sát sao, đồng hành tin cậy mới là điều đáng quan tâm. Thực tế đã từng xảy ra trường hợp, bên mời thầu lựa chọn công ty bảo hiểm (nhà thầu) giá rẻ, nhưng đến khi rủi ro xảy ra cần được bảo hiểm thì nhà thầu né tránh trách nhiệm, chây ỳ trả tiền bảo hiểm dẫn đến tranh chấp, khiếu nại kéo dài…

Kim Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ho-so-thau-bao-hiem-di-dem-giam-bot-post360020.html
Zalo