Hồ sơ sức khỏe điện tử - sự chuyển đổi số trong y tế
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, hồ sơ sức khỏe điện tử và sổ sức khỏe điện tử sẽ trở thành những công cụ thiết yếu trong việc quản lý sức khỏe của người dân.
Đến nay, 92% dân số Bình Thuận có hồ sơ sức khỏe điện tử, trong khi 70% người từ 18 tuổi trở lên đã cài đặt ứng dụng sổ sức khỏe điện tử. Đáng chú ý, 90% trong số họ đã tương tác với ứng dụng sau khi kích hoạt tài khoản. Tuy nhiên, việc sử dụng các chức năng như đăng ký tiêm chủng (18%) và đặt lịch khám bệnh (10%) vẫn ở mức thấp. Đó là thông tin của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận.
Để đảm bảo hạ tầng cho hệ thống, cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh được lưu trữ trên hệ thống máy chủ, Sở Y tế tỉnh trình bày dự toán cho năm 2024 để thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ cho việc lưu trữ dữ liệu. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận phối hợp các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, công viên chức, người lao động và vận động người thân của họ cài đặt, kích hoạt nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. Ứng dụng này được cài đặt trên điện thoại di động, máy tính bảng… nhằm nâng cao tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa và cung cấp các tiện ích y tế khác cho người dân.
Hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân, hệ thống y tế. Đó là tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý thông tin sức khỏe, giúp bác sĩ truy cập nhanh chóng hồ sơ bệnh sử, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc; theo dõi dịch bệnh hiệu quả; tích hợp với các dịch vụ y tế khác. Thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân có thể dễ dàng theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, nhận các dịch vụ y tế từ xa và tham gia vào quá trình quản lý sức khỏe cá nhân.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận, sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù tỷ lệ khởi tạo hồ sơ cao, nhưng một số chức năng như tìm bác sĩ và chia sẻ thông tin sức khỏe chưa được người dân sử dụng rộng rãi. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có quy định và hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng về trách nhiệm, cách thức thực hiện, quy trình thực hiện liên thông dữ liệu sức khỏe của cá nhân giữa các cơ sở khám bệnh. Liên quan đến nội dung này hiện nay Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý dữ liệu y tế điện tử của Bộ Y tế.
Hồ sơ sức khỏe điện tử không chỉ là công cụ quản lý sức khỏe hiệu quả mà còn thể hiện sự chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ sức khỏe đánh dấu một bước tiến quan trọng, giúp kết nối người dân với hệ thống y tế một cách nhanh chóng và thuận tiện. Sự chuyển đổi này không chỉ cải thiện quy trình khám chữa bệnh, mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong kỷ nguyên số.