'Hồ sơ phông bạt': Người bơi thuyền sợ nước ngập gối, người ngại sao kê
Trong khi nhiều người nổi tiếng làm từ thiện với tấm lòng nhân ái thì không ít người biến nó thành bàn đạp, chỗ dựa cho mục đích cá nhân. Từ bao giờ, từ thiện được dùng để dựng 'hồ sơ phông bạt', che giấu thói giả dối, khoe mẽ của một bộ phận cá biệt thiếu trách nhiệm xã hội.
Nước tới gối, phải ngồi thuyền phát mì tôm
Làm từ thiện là công việc chung của toàn xã hội, với người nổi tiếng, công việc này càng được chú trọng hơn. Bởi đây là hoạt động cho thấy trách nhiệm của họ với xã hội, với cộng đồng. Và đương nhiên, việc làm từ thiện của nghệ sĩ luôn được công chúng, dư luận đặc biệt chú ý.
Trong hoạt động ý nghĩa này, nhiều nghệ sĩ đã “ghi điểm” trong lòng công chúng, nhưng cũng có không ít người nổi tiếng bị đặt dấu hỏi khi bị nghi dùng chiêu đánh bóng tên tuổi dưới hình thức làm từ thiện. Ở một khía cạnh nào đó, qua hoạt động xã hội nhân đạo đầy tính nhân văn này, chân dung của người nổi tiếng hiện lên khá rõ.
Tối 12/9, trên mạng xã hội FB xuất hiện nhiều luồng dư luận trái chiều khi một nữ ca sĩ vốn được biết đến với hàng loạt scandal tai tiếng đăng tải hình ảnh ngồi trên thuyền đi phát quà từ thiện ở một khu vực bị ngập nước trên địa bàn Hà Nội. Đáng nói, nhìn vào những tấm hình này, thay vì xúc động, cộng đồng mạng lại cảm thấy buồn cười. Đẩy thuyền là một người đàn ông đang xắn quần, nước chỉ vừa tới đầu gối; trong khi đó nhóm nghệ sĩ lại ngồi trên thuyền, đi ủng dài. Càng buồn cười hơn khi cô ca sĩ diễn tả vẻ mặt đượm buồn, đăng dòng trạng “em ấy hơi sock”, trong khi người dân đang ung dung đứng trong nhà với vẻ mặt tươi cười, rất nhiều người còn ngó ra xem đầy sự hiếu kỳ. Một tài khoản mạng đã để lại bình luận “Đang ăn lẩu thì được thùng mì, cảm ơn đoàn xiếc tới thăm”.
Chụp ảnh lúc bơi thuyền chưa đủ, nhóm nghệ sĩ còn bước xuống dưới làm vài tấm kỷ niệm, đáng buồn là chỗ nước này không đủ sâu khiến người chụp ảnh phải chỉ đạo lùi thêm chút vào chỗ ngập sâu.
Được biết, khu vực vừa nhận quà từ thiện thuộc phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Người dân nơi đây đa phần có điều kiện kinh tế khá giả, ngay khi xác định nguy cơ ngập, cơ quan quản lý địa bàn đã lập tức sơ tán những hộ ở vùng lụt sâu, đồng thời bố trí thực phẩm, chỗ ngủ cho người dân. Vì thế không người dân nào ở đây rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn do lũ.
Đành rằng đã là tấm lòng thì ít nhiều cũng quý, nhưng việc lựa chọn địa điểm từ thiện ở đâu? Làm như thế nào lại là vấn đề rất đáng bàn. Người dân các tỉnh khác như Lào Cai, Yên Bái đang rất cần sự giúp đỡ, hay như ngay tại Hà Nội, khu vực Phú Xuyên, Chương Mỹ nước ngập rất sâu, liệu những vị nước vừa tới gối đã sợ có dám tới đây làm từ thiện hay không?
Khi có nhiều nghệ sĩ đi làm công việc nghĩa cử cao đẹp này với tấm lòng rộng mở, nhân ái thì không ít người biến nó thành bàn đạp, chỗ dựa cho mục đích cá nhân. Vậy là công việc đáng lý được trân trọng nhưng theo cách làm của một số người lại khiến ta cảm thấy kệch cỡm, biến tướng, biến dạng sinh ra cái nhìn lệch lạc, thiếu thiện cảm. Từ thiện với nhiều nghệ sĩ xuất phát từ tâm, nhưng có không ít người xuất phát từ đâu, thì chỉ họ mới có thể tự trả lời.
Nỗi sợ “sao kê”
Dư luận đã từng “dậy sóng” khi một cô ca sĩ nổi tiếng lao vào cứu trợ vùng lũ, tay cầm cả sấp tiền, chi tới hàng tỷ đồng cho bà con nhưng sao kê chỉ được gói gọn trong vòng 1 trang A4 viết tay, rồi thì số tiền người dân nhận được không đúng với con số cô ca sĩ này công bố.
Tối 12/9, trang cá nhân của hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng bỗng khóa bình luận, xóa dòng trạng thái cùng ảnh chuyển khoản ủng hộ vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi cơ quan này bất ngờ công khai hơn 12.800 trang thống kê số tiền ủng hộ qua số tài khoản Vietcombank 0011001932418 từ ngày 1/9/2024 đến ngày 10/9/2024.
Một lần nữa, “quả tạ sao kê” giáng xuống, nhiều người đã tìm được con số được một số nghệ sĩ, người nổi tiếng đăng tải đã “thừa” ra 3, 4, thậm chí cả 6 số 0. Rồi hàng loạt tài khoản được ghi lời nhắn là “Tập thể cán bộ…”, “Tập thể Giám đốc…”,… của những cơ quan lớn lại chỉ chuyển khoản có 10, 20 nghìn đồng.
Vậy là chẳng thể giấu giếm, cũng không còn cần lời giải thích, tự người dân đã có câu trả lời cho cái gọi là “tấm lòng”. Rút cuộc những đơn vị, cá nhân này có đang thật sự muốn giúp đỡ người dân vùng lũ bão không hay chỉ đang nhân danh từ thiện để quảng cáo, để đánh bóng hình ảnh?
Việc sao kê và báo cáo thu chi là chuyện đương nhiên phải làm, cũng là để lưu giữ bằng chứng cho mình, không phải chờ đến lúc dư luận lên tiếng đòi hỏi thì mới lật đật trưng ra, rồi lấp liếm, chống chế như một nghệ sĩ gạo cội nào đó nhận tới 14 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân vội vàng mua thuyền cứu trợ khi nước cạn.
Dư luận có quyền thắc mắc, nên nếu tâm ngay lòng thẳng thì sẵn sàng lắng nghe và chứng minh. “Nếu nghệ sĩ không làm từ thiện nữa thì lấy ai cứu đồng bào miền Trung” – câu nói này không bao giờ đúng! Bởi người lao mình vào bão lũ, sẵn sàng hi sinh thân mình để cứu dân luôn là những cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, là những tấm lòng chắt chiu, dù chỉ vài chục nghìn đồng, tấm bánh, gói mì cũng vô cùng đáng quý.
Thiết nghĩ, cần phải có chế tài xử nghiêm những ai ăn chặn tiền từ thiện, thậm chí cần áp khung hình phạt nặng vì những hành vi này gây tổn hại trực tiếp tới công tác xã hội, làm xấu đi hình ảnh của một nghĩa cử cao đẹp. “Của cho không bằng cách cho”, đã là cho thì bao nhiêu cũng quý, nhưng cho như thế nào lại tỏ rõ văn hóa – phẩm cách – trách nhiệm xã hội của một con người.