Hồ sơ Pandora: Tiết lộ 'động trời' về một số nhân vật quyền lực trên thế giới
Tờ The Washington Post (Mỹ) đã đăng tải bài viết về một loạt các câu chuyện dựa trên hơn 11,9 triệu tài liệu thu thập được phơi bày những bí mật tài chính 'động trời' của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tỷ phú và những người nổi tiếng tại các 'thiên đường thuế'.
Kho tài liệu khổng lồ này được gọi là Pandora Papers (Hồ sơ Pandora), do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thu được từ hàng triệu tài liệu bị rò rỉ. Washington Post đã hợp tác trong cuộc điều tra với hơn 600 nhà báo ở 117 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hồ sơ Pandora đã “gọi tên” hơn 30 nhà lãnh đạo đương chức và đã nghỉ hưu ở khoảng 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao bị cho là có liên quan đến các tài khoản ở nước ngoài.
Hồ sơ Pandora còn tiết lộ chủ sở hữu thật sự của hơn 29.000 công ty nước ngoài. Một số công ty này được sử dụng để ẩn danh tài khoản ngân hàng, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Banksy.
Theo các tác giả của Hồ sơ Pandora, những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.
Những thông tin từ Hồ sơ Pandora chưa được kiểm chứng, nhưng ngay sau khi tài liệu này được công bố, một số nhà lãnh đạo và quốc gia liên quan đã có phản ứng. Văn phòng Tổng thống Chile, Thủ tướng Séc, luật sư đại diện của Quốc vương Jordan... lập tức bác bỏ những thông tin rò rỉ liên quan.
Trong khi đó, trước những lời kêu gọi từ chức sau khi các thành viên trong Chính phủ Pakistan bị nêu tên trong Hồ sơ Pandora, Thủ tướng nước này Imran Khan cam kết sẽ điều tra bất kỳ công dân nào bị đề cập trong các tài liệu này. Thủ tướng Khan nhấn mạnh, chính phủ của ông đánh giá “vụ rò rỉ tài liệu” đã phơi bày sự giàu có bất chính của giới tinh hoa cầm quyền ở một số nơi và cho rằng sự bất bình đẳng kinh tế toàn cầu nên được coi là một cuộc khủng hoảng tương tự biến đổi khí hậu.
Tổ chức Oxfam gọi Hồ sơ Pandora là sự phơi bày gây sốc về “đại dương tiền” đang nằm trong bóng tối của các “thiên đường thuế” trên thế giới. Tổ chức này nhấn mạnh, không thể cho phép các “thiên đường thuế” tiếp tục nới rộng khoảng cách về bất bình đẳng toàn cầu, trong khi thế giới đang chứng kiến tình trạng nghèo đói cùng cực gia tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên qua.
Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ thông tin mới nhất, sau Hồ sơ Panama (năm 2016) và Hồ sơ Paradise (năm 2017). Với 2,94 terabyte dữ liệu, việc xác thực Hồ sơ Pandora là cuộc kiểm định lớn nhất do ICIJ tổ chức cùng một nhóm gồm 150 tờ báo.