Hồ sơ Pandora gọi tên ai?

Hồ sơ Pandora đã hé lộ bí mật tài chính của 35 nhà lãnh đạo hiện tại và đã nghỉ hưu trên thế giới, cùng với hơn 330 chính trị gia và quan chức ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hàng triệu tài liệu bị rò rỉ và chiến dịch hợp tác báo chí lớn nhất trong lịch sử đã khám phá bí mật tài chính của khoảng 35 nhà lãnh đạo hiện tại và cựu lãnh đạo trên thế giới, hơn 330 chính trị gia và quan chức ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tài liệu bí mật với tên gọi Hồ sơ Pandora đã phơi bày giao dịch nước ngoài của quốc vương Jordan, tổng thống Ukraine, Kenya và Ecuador, thủ tướng Cộng hòa Czech và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.

Hồ sơ cũng trình bày chi tiết hoạt động tài chính của một nhân vật thân tín với tổng thống Nga, cùng với hơn 130 tỷ phú từ Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác.

Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã thu thập hơn 11,9 triệu hồ sơ bí mật, dẫn đầu một nhóm hơn 600 nhà báo từ 150 hãng tin dành 2 năm để sàng lọc, theo dõi và đào sâu nguồn tin bí mật lẫn công khai từ hàng chục quốc gia trên thế giới.

Hồ sơ Pandora đã hé lộ những chủ sở hữu bí mật của các công ty nước ngoài, tài khoản ngân hàng ẩn danh, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự, thậm chí các tác phẩm nghệ thuật.

Hé lộ sự giàu có của giới tinh hoa châu Âu

DW miêu tả cựu Thủ tướng Anh Tony Blair có thể là người hay lên tiếng phản đối việc trốn thuế, nhưng theo hồ sơ, vào năm 2017, ông Blair và vợ đã trở thành chủ sở hữu của một tòa nhà trị giá 8,8 triệu USD bằng cách mua lại khối tài sản từ công ty British Virgin Islands. Công ty sở hữu tòa nhà là của gia đình Bộ trưởng Du lịch và Công nghiệp Bahrain, Zayed bin Rashid al- Zayani.

Bằng cách mua cổ phần của công ty thay vì tòa nhà, nhà Blair đã được hưởng lợi từ một thỏa thuận hợp pháp giúp họ không phải trả hơn 400.000 USD tiền thuế bất động sản.

Cả bên mua và bên bán đều cho rằng họ không biết mình giao dịch với ai. Vợ của cựu thủ tướng, bà Cherie Blair, nói rằng chồng bà không tham gia vào giao dịch, mục đích của giao dịch là “đưa công ty và tòa nhà trở lại chế độ quản lý và thuế của Vương quốc Anh”.

 Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cùng vợ xuất hiện trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: AFP.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cùng vợ xuất hiện trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis - tỷ phú lên nắm quyền vào năm 2017 - đã hứa hẹn trấn áp nạn trốn thuế và tham nhũng. Thế nhưng, hồ sơ cho thấy vào năm 2009, ông Babis đã đầu tư 22 triệu USD vào một chuỗi các công ty offshore để mua bất động sản, được gọi là Lâu đài Bigaud ở Pháp.

Babis đã không liệt kê công ty offshore (công ty ngoại biên, đăng ký, hoạt động tại nước ngoài) và lâu đài trong bản kê khai tài sản mà ông phải nộp với tư cách là quan chức nhà nước. Năm 2018, tập đoàn bất động sản do Babis gián tiếp sở hữu đã lặng lẽ mua lại công ty Monaco sở hữu lâu đài.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng sở hữu cổ phần của một công ty offshore đăng ký ở Quần đảo Virgin thuộc Anh. Một tháng trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019, nam diễn viên kiêm chính trị gia lặng lẽ bán cổ phiếu cho Serhiy Shefir, một người bạn thân và là đối tác kinh doanh.

Vén màn hoàng gia

Hồ sơ Pandora tiết lộ một kế toán người Anh ở Thụy Sĩ đã làm việc với các luật sư ở Quần đảo Virgin thuộc Anh để giúp Vua Jordan Abdullah II bí mật mua 14 ngôi nhà trị giá hơn 106 triệu USD ở Mỹ và Anh. Cố vấn cũng giúp ông thiết lập ít nhất 36 công ty offshore từ năm 1995 đến năm 2017.

Vào năm 2017, nhà vua đã mua bất động sản trị giá 23 triệu USD nhìn ra bãi biển ở California thông qua một công ty ở Quần đảo Virgin.

Phía luật sư của nhà vua nói rằng ông không phải nộp thuế theo luật Jordan, và ông có lý do an ninh và quyền riêng tư để nắm giữ tài sản thông qua các công ty offshore (công ty ngoại biên). Họ cho biết nhà vua chưa bao giờ lạm dụng công quỹ.

Các chuyên gia cho rằng với tư cách là người cai trị một trong những quốc gia nghèo nhất và phụ thuộc nhiều nhất vào viện trợ ở Trung Đông, nhà vua có lý do để tránh phô trương sự giàu có của mình.

 Vua Abdullah II được cho là đã che giấu khối tài sản trị giá 100 triệu USD trong hàng thập kỷ qua. Ảnh: Reuters.

Vua Abdullah II được cho là đã che giấu khối tài sản trị giá 100 triệu USD trong hàng thập kỷ qua. Ảnh: Reuters.

Ở nước láng giềng Lebanon, các nhân vật chính trị và tài chính hàng đầu cũng "tận hưởng" thiên đường của công ty ngoại biên.

Danh sách các nhân vật của Lebanon có trong Hồ sơ Pandora bao gồm Thủ tướng Najib Mikati, và người tiền nhiệm Hassan Diab, Riad Salameh - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon - người đang bị điều tra tại Pháp vì cáo buộc rửa tiền.

Marwan Kheedlydine - cựu Bộ trưởng ngoại giao Lebanon và là chủ tịch Ngân hàng Al Mawarid - cũng xuất hiện trong hồ sơ. Vào năm 2019, ông la mắng các đồng nghiệp trong quốc hội vì đã không hành động trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Cùng năm đó, Kheedlydine đã ký tài liệu với tư cách là chủ một công ty sở hữu một chiếc du thuyền trị giá 2 triệu USD.

Các tài liệu rò rỉ cũng cho thấy Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và mẹ là những người hưởng lợi từ một quỹ bí mật ở Panama. Các thành viên khác trong gia đình, bao gồm anh trai và hai chị gái, sở hữu năm công ty ngoại biên với tài sản trị giá hơn 30 triệu USD.

Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Thủ tướng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), là cổ đông của 3 công ty đăng ký tại các khu vực pháp lý bí mật.

Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar tiếp tục sử dụng các công ty ngoại biên để đầu tư và quản lý tài sản. Trước đó, Hồ sơ Panama đã tiết lộ siêu du thuyền trị giá 300 triệu USD của ông được quản lý bởi các công ty này.

Công chúa Lalla Hasnaa của Morocco là chủ sở hữu của một công ty offshore đã mua một ngôi nhà trị giá 11 triệu USD ở London, gần Cung điện Kensington. Hasnaa thực hiện giao dịch bằng tiền từ "Hoàng gia Morocco", trong đó liệt kê nghề nghiệp của cô là "Công chúa".

Một loạt tỷ phú và các ngôi sao

Bên cạnh các chính trị gia, những ngôi sao nổi tiếng cũng có tên trong Hồ sơ Pandora bao gồm siêu sao cricket của Ấn Độ Sachin Tendulkar, diva nhạc pop Shakira và siêu mẫu Claudia Schiffer.

Luật sư của Tendulkar cho biết khoản đầu tư của cầu thủ này là hợp pháp và đã khai báo với cơ quan thuế. Luật sư của Shakira cho biết nữ ca sĩ đã khai báo các công ty, đồng thời cho rằng những công ty này không mang lại lợi ích về thuế. Trong khi đó, đại diện của Schiffer cho biết siêu mẫu đã đóng thuế ở Vương quốc Anh, nơi cô sinh sống.

Tỷ phú Thổ Nhĩ Kỳ Erman Ilicak có liên quan tới 2 công ty nước ngoài. Mẹ ông đứng tên hai công ty vào năm 2014, và cả hai đều nắm giữ khối tài sản từ tập đoàn xây dựng của gia đình.

Một trong số đó, Covar Trading Ltd., đã kiếm được 105,5 triệu USD từ cổ tức trong năm đầu tiên hoạt động. Số tiền được cất giữ trong một tài khoản Thụy Sĩ. Thế nhưng, cùng năm, công ty đã trả gần hết toàn bộ 105,5 triệu USD như một khoản "quyên góp", tuy nhiên không cho biết số tiền được gửi tới ai.

Công ty Rönesans Holding của Ilicak chịu trách nhiệm xây dựng dinh tổng thống 1.150 phòng cho nhà lãnh đạo Recep Tayyip Erdogan.

Konstantin Ernst - Giám đốc điều hành chương trình truyền hình và nhà sản xuất từng được đề cử giải Oscar, một người có quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin - cũng có tên trong Hồ sơ Pandora.

Ernst là đối tác thầm lặng, ẩn sau nhiều lớp công ty ngoại biên trong một hợp đồng tư nhân hóa do nhà nước tài trợ - một thỏa thuận mua hàng chục rạp chiếu phim và nhiều tài sản khác của thành phố Moscow. Vào năm 2019, giá trị cổ phần cá nhân của Ernst lên tới 140 triệu USD.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ho-so-pandora-goi-ten-ai-post1268389.html
Zalo