Hồ sơ Pandora: Czech chỉ trích, Tổng thống Kenya ca ngợi, thêm Ấn Độ và Mexico tiến hành điều tra
Hồ sơ Pandora được Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố ngày 3/10 với số tài liệu khổng lồ, tiết lộ một 'thiên đường thuế' chứa tài sản của hàng trăm chính trị gia, tỷ phú và người dân trên thế giới, tiếp tục khơi dậy nhiều phản ứng từ quốc tế.
Ngày 4/10, Cơ quan An ninh Tài chính Mexico (UIF) thông báo, đã bắt đầu điều tra 3.047 chính trị gia và doanh nhân nước này trong Hồ sơ Pandora.
Giám đốc UIF Santiago Nieto cho biết, theo Hồ sơ Pandora, hơn 3.000 chính trị gia và doanh nhân Mexico đã chuyển tài sản tới các thiên đường thuế thông qua các công ty vỏ bọc, quỹ tín thác hoặc các tổ chức không rõ ràng.
Trong danh sách trên, xuất hiện một số quan chức, cựu quan chức cấp cao, thống đốc, cựu thống đốc, và thượng nghị sỹ.
Cùng ngày, Ấn Độ cũng thông báo sẽ điều tra các vụ việc có liên quan đến Hồ sơ Pandora.
Thông báo của Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết: "Các cơ quan liên quan sẽ tiến hành điều tra những trường hợp và có hành động thích hợp cho từng vụ việc dựa theo quy định của pháp luật".
Ấn Độ và Mexico là hai quốc gia tiếp theo Anh tuyên bố sẽ điều tra các vụ việc liên quan bê bối chấn động này.
Trong khi đó, nhiều quốc gia tiếp tục phản ứng với các thông tin mà Hồ sơ Pandora tiết lộ.
Ngày 4/10, phe đối lập ở Pakistan kêu gọi Thủ tướng Imran Khan đề nghị các thành viên trong Nội các và những vị trí cố vấn bị nhắc tên trong tài liệu trên từ chức và đối diện với quá trình điều tra.
Trong số tài liệu mới bị rò rỉ, có hơn 700 người Pakistan, trong đó có những thành viên trong Nội các của Thủ tướng Khan.
Mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Shaukat Tarin - người cũng có tên trong danh sách trên - cho biết ai cũng sẽ bị điều tra, kể cả ông. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định ông không làm gì sai.
Trước đó, trong một loạt tweet trên Twitter, Thủ tướng Khan tuyên bố sẽ điều tra tất cả các công dân Pakistan có liên quan hồ sơ này và cho biết, "nếu có bất kỳ hành vi sai trái nào được xác định, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp".
Nhà lãnh đạo Pakistan khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh Hồ sơ Pandora phơi bày sự giàu có bất chính của giới tinh hoa, tích lũy được nhờ việc trốn thuế, tham nhũng và được rửa tiền tại các ‘thiên đường’ tài chính”.
Cùng ngày, Đài phát thanh quốc tế Prague đưa tin, Bộ trưởng Tư pháp Czech Marie Benešová đã chỉ trích các cáo buộc trong Hồ sơ Pandora liên quan Thủ tướng nước này Andrej Babis.
Bộ trưởng Benešová cho rằng, vụ việc nhằm gây phương hại Phong trào ANO của Thủ tướng Babis trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện Czech, nhằm tấn công Phong trào ANO với uy tín đang gia tăng.
Theo bà Benešová, bất kỳ ai phát hiện ra những cáo buộc trên cần nộp đơn khiếu nại hình sự. Bộ Tư pháp Czech không có nghĩa vụ tiến hành điều tra vụ việc.
Về phần mình, Thủ tướng Babis tuyên bố các cáo buộc liên quan tới ông trong Hồ sơ Pandora nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến dư luận Czech trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện, đồng thời kêu gọi cảnh sát điều tra vụ việc.
Ông Babis cho biết, vụ việc này đã xảy ra cách đây 12 năm và ông không sở hữu bất kỳ công ty nước ngoài nào hay tài sản ở Pháp theo cáo buộc trong Hồ sơ Pandora.
Cùng ngày, phát ngôn viên Cơ quan Cảnh sát phòng chống tội phạm có tổ chức của Czech cho biết, cơ quan này sẽ điều tra các thông tin trong Hồ sơ Pandora liên quan tới Thủ tướng Babis và 300 công dân nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cho biết, cuộc điều tra vạch trần việc các nhà lãnh đạo toàn cầu sử dụng thiên đường thuế sẽ giúp "tăng cường minh bạch tài chính", song từ chối bình luận về cáo buộc gia đình ông sở hữu 11 công ty nước ngoài trị giá hàng triệu USD.
Trong một tuyên bố, ông Kenyatta cho biết, những báo cáo như Hồ sơ Pandora sẽ là bước tiến dài trong việc nâng cao tính minh bạch về tài chính ở Kenya và trên toàn cầu.
Mặc dù việc nắm giữ tài sản ở nước ngoài hoặc sử dụng các công ty có vỏ bọc không phải là bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia, nhưng những tiết lộ này gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo đang đẩy mạnh các biện pháp thắt lưng buộc bụng hoặc vận động chống hối lộ.
Hồ sơ Pandora là vụ mới nhất trong loạt vụ rò rỉ tài liệu tài chính của ICIJ, từ LuxLeaks năm 2014, đến Hồ sơ Panama năm 2016 - khiến thủ tướng Iceland từ chức và mở đường cho nhà lãnh đạo Pakistan bị lật đổ. Tiếp theo là Hồ sơ Paradise vào năm 2017 và hồ sơ FinCen vào năm 2020.
Hồ sơ Pandora với 2,94 terabyte dữ liệu bao gồm khoảng 11,9 triệu tài liệu dưới nhiều hình thức, từ văn bản đến dữ liệu số, bị rò rỉ từ 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính ở nước ngoài.
Tài liệu này điểm mặt hơn 330 chính trị gia và 130 tỷ phú có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, cùng nhiều người nổi tiếng...