Hồ sơ Pandora - cơn sóng thần dữ liệu rò rỉ chấn động toàn cầu
Có tên gọi Hồ sơ Pandora, cơn sóng thần dữ liệu 2,94 terabyte phơi bày những hợp đồng bí mật và tài sản ẩn giấu ở nước ngoài của hàng trăm người giàu có và quyền lực trên thế giới.
Tính chân thực của khối tài liệu này đã được Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phân tích và xác minh, với sự tham gia của hàng trăm nhà báo đến từ các hãng thông tấn nổi tiếng như The Washington Post của Mỹ và The Guardian của Anh. Họ đã dành hơn một năm để sắp xếp, nghiên cứu và phân tích khối tài liệu khổng lồ này.
ICIJ cho biết, Hồ sơ Pandora liên quan đến khoảng 35 cựu lãnh đạo, đương kim lãnh đạo cùng hơn 330 chính trị gia và quan chức, 130 tỷ phú có tên trong danh sách của Forbes, và những người nổi tiếng, thành viên Hoàng gia và lãnh đạo tôn giáo… trên khắp thế giới Họ sử dụng các thiên đường thuế để mua tài sản và cất giấu tài sản, trốn thuế và thậm chí làm những điều tệ hại hơn.
Theo ICIJ, hồ sơ Pandora là một thách thức lớn về quản lý dữ liệu. Đợt công bố thông tin đầu tiên bắt đầu ngày 3/10, do một số hãng thông tấn "được lựa chọn" thực hiện.
Hồ sơ Pandora là gì?
Cuộc điều tra Hồ sơ Pandora là sự hợp tác báo chí lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới, với sự tham gia của hơn 600 nhà báo thuộc 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia.
Cuộc điều tra dựa trên những hồ sơ bí mật bị rò rỉ của 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính chuyên tạo lập tài sản và quỹ tín thác ở những thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ hay quần đảo Cayman. Các thực thể này cho phép khách hàng giấu kín danh tính với công chúng, thậm chí với các cơ quan quản lý.
Tổng cộng 11,9 triệu tập tài liệu với dung lượng 2,94 terabyte được tuồn cho ICIJ và chia sẻ với các đối tác truyền thông trên toàn thế giới dưới nhiều định dạng khác nhau: văn bản, hình ảnh, email, bảng tính…
Hồ sơ bao gồm một lượng thông tin lớn chưa từng có về những người được gọi là chủ sở hữu hưởng lợi của các thực thể được đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh, Seychelles, Hong Kong, Belize, Panama, Nam Dakota và các khu vực pháp lý bí mật khác. Chúng cũng chứa thông tin về các cổ đông, giám đốc và cán bộ. Ngoài những người giàu có, nổi tiếng và khét tiếng, danh sách còn có cả những người không hề đại diện cho một lợi ích công cộng nào và những người không xuất hiện trong báo cáo của ICIJ, chẳng hạn như chủ doanh nghiệp nhỏ, bác sĩ… vốn cũng rất giàu và muốn tránh xa sự chú ý của công chúng.
Ngoài một số tệp tài liệu có từ những năm 1970, đa số tài liệu mà ICIJ nghiên cứu đều được tạo từ năm 1996 đến năm 2020. Chúng bao phủ nhiều vấn đề: thành lập các công ty vỏ bọc và các quỹ tín thác; sử dụng các thực thể đó để mua bất động sản, du thuyền, máy bay và bảo hiểm nhân thọ; sử dụng chúng để đầu tư và chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng; lập kế hoạch về tài sản và các vấn đề thừa kế khác; tránh thuế thông qua các chương trình tài chính phức tạp. Một số tài liệu gắn với tội phạm tài chính, trong đó có rửa tiền.
Hồ sơ Pandora có gì?
Hơn 330 chính trị gia có tên trong Hồ sơ đến từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ sử dụng các thực thể ở các khu vực pháp lý bí mật để mua bất động sản, giữ tiền ủy thác, sở hữu các công ty và các tài sản khác, với một số trường hợp ẩn danh.
Cuộc điều tra về Hồ sơ Pandora cũng cho thấy cách thức các ngân hàng và công ty luật hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài để thiết kế các cấu trúc công ty phức tạp. Các nhà cung cấp không phải lúc nào cũng biết về khách hàng của mình dù có nghĩa vụ pháp lý là không làm ăn với những người dính dáng các giao dịch đáng ngờ.
Cuộc điều tra cũng phơi bày cách thức các nhà cung cấp tín chấp Mỹ lợi dụng luật của một số tiểu bang để tăng cường bí mật và giúp khách hàng giàu ở nước ngoài che giấu tài sản nhằm tránh thuế ở quê nhà của họ.
Loại dạng dữ liệu
Hơn một nửa Hồ sơ Pandora (6,4 triệu tập tài liệu) ở dạng văn bản, bao gồm 4 triệu tệp PDF, một số dài hơn 10.000 trang. Tài liệu bao gồm hộ chiếu, sao kê ngân hàng, tờ khai thuế, hồ sơ thành lập công ty, hợp đồng bất động sản và bảng câu hỏi thẩm định. Cũng có hơn 4,1 triệu hình ảnh và email.
Bảng tính chiếm 4% lượng văn bản, ngoài ra là các dạng tệp trình chiếu, âm thanh và video.
Sự khác biệt
Thông tin về Hồ sơ Pandora Papers – 2.94 terabyte dữ liệu của 11,9 triệu tập tài liệu - đến từ 14 nhà cung cấp dịch vụ tại ít nhất 38 khu vực pháp lý.
Cuộc điều tra về Hồ sơ Panama năm 2016 dựa trên 2,6 terabyte dữ liệu của 11,5 triệu tài liệu từ một nhà cung cấp đơn lẻ là công ty luật Mossack Fonseca, hiện đã không còn tồn tại. Còn cuộc điều tra Hồ sơ Paradise năm 2017 dựa trên 1,4 terabyte dữ liệu rò rỉ của 13,4 triệu tài liệu từ một công ty luật nước ngoài, Appleby, cùng Asiaciti Trust - một nhà cung cấp có trụ sở tại Singapore và các công ty có hội sở tại 19 khu vực pháp lý bí mật.
ICIJ cho biết, Hồ sơ Pandora cũng thể hiện một thách thức mới, vì 14 nhà cung cấp có những cách trình bày và tổ chức thông tin khác nhau. Các tài liệu có thể là email, các tập đính kèm, bảng tính…, được trình bày bằng nhiều thứ tiếng bao gồm tiếng Anh, Tây Ban Nha, Nga, Pháp, Ảrập, Hàn Quốc cùng một số ngôn ngữ khác, đòi hỏi sự phối hợp sâu rộng giữa các thành viên ICIJ trong quá trình phân tích.
Hồ sơ Pandora thu thập thông tin về hơn 27.000 công ty và 29.000 chủ sở hữu thực sự, kết nối hoạt động ở nước ngoài của số cá nhân nhiều gấp đôi so với Hồ sơ Panama. Hơn 330 chính trị gia cùng các quan chức có tên trong Pandora đến từ hơn 90 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm 35 nhà lãnh đạo hiện đang cầm quyền hoặc đã về nghỉ.
ICIJ sẽ công bố Hồ sơ Pandora?
Với những gì công bố ngày 3/10, ICIJ chia sẻ dữ liệu và chi tiết về việc sử dụng các công ty ở các khu vực pháp lý bí mật của hơn 50 chính trị gia, thông qua Power Players.
Hiệp hội có kế hoạch sẽ tích hợp dữ liệu từ Pandora Papers vào cơ sở dữ liệu Offshore Leaks.