'Hồ sơ Pandora' có thể phanh phui 32 nghìn tỷ USD
Theo Guardian, hồ sơ Pandora ước tính có thể phanh phui được số tiền từ 5,6- 32 nghìn tỷ USD, vốn được cho là số tiền đang được một số người giàu có và quyền lực nhất thế giới che giấu ở nước ngoài.
“Khối lượng tài liệu khủng”
Sau 18 tháng nghiên cứu và phân tích, Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) vào hôm 3/10 công bố Hồ sơ Pandora bao gồm 6,4 triệu tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, hơn một triệu email và gần nửa triệu bảng tính. Hồ sơ này hé lộ nhiều bí mật “động trời” cho biết khối tài sản khổng lồ được che giấu tại các công ty ngoại biên (offshore).
“Hồ sơ Pandora” đã tiết lộ những bí mật tài chính của nhiều chính trị gia thế giới, tỷ phú và những doanh nhân nổi tiếng tại các “thiên đường thuế”. Ảnh: ICIJ.
“Hồ sơ Pandora” bao gồm các email riêng tư, bản ghi nhớ, hồ sơ doanh nghiệp, hợp đồng bí mật và các tài liệu khác giúp xác định chủ sở hữu thực sự đằng sau các tài sản bị che giấu.
Theo đánh giá ban đầu, hồ sơ đã tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty. Con số này cao hơn gấp đôi so với số lượng chủ sở hữu được tìm thấy cách đây 5 năm trong cuộc điều tra Hồ sơ Panama.
Không những vậy, khác với hồ sơ Panama và Paradise vốn chủ yếu chỉ đề cập đến các công ty ngoại biên (offshore business entities), “Hồ sơ Pandora” còn chỉ ra cách các công ty này hoạt động sau khi nhiều nước gây áp lực trước lo ngại gia tăng về rửa tiền, tài trợ khủng bố và trốn thuế.
Trong bản báo cáo, ICIJ nhấn mạnh ở hầu hết quốc gia, việc có tài sản ở nước ngoài hoặc sở hữu các công ty ngoại biên để kinh doanh xuyên biên giới không bất hợp pháp.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, tính chất bí mật các công ty này có thể bị sử dụng cho mục đích bất hợp pháp, bao gồm che đậy các dòng tiền bất hợp pháp, tạo điều kiện hối lộ, rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, buôn bán người và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.
Phanh phui lên đến 32 nghìn tỷ USD
Du thuyền neo đậu tại cảng Hercules ở Monaco, một trong những “thiên đường thuế” được nhắc đến nhiều lần trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: Getty Images.
Theo Guardian, trong dữ liệu được thu thập, nhiều đối tượng đã sử dụng các công ty vỏ bọc để sở hữu các mặt hàng xa xỉ như tài sản và du thuyền, cũng như các tài khoản ngân hàng ẩn danh. Bên cạnh đó, hồ sơ còn chỉ ra cả việc sở hữu các tác phẩm nghệ thuật như cổ vật bị đánh cắp từ Campuchia cho đến bức tranh của danh họa Picasso và tranh tường của Banksy.
Do khối lượng tài liệu được công bố quá lớn, các nhà báo điều tra hiện chưa thể chắc chắn được tổng số tài sản được giới siêu giàu và người quyền lực nhất thế giới, gồm hơn 100 tỷ phú, 330 chính trị gia từ nhiều quốc gia đang che che giấu ở nước ngoài dưới hình thức khác nhau.
Song, theo ước tính ban đầu, ICIJ ước tính số tiền trên có thể dao động từ 5,6 nghìn tỷ USD đến 32 nghìn tỷ USD.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết việc giới siêu giàu lợi dụng các thiên đường thuế khiến các chính phủ trên toàn thế giới mất tới 600 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.
Lakshmi Kumar, chuyên gia thuộc Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (trụ sở tại Mỹ), giải thích rằng những người này “có thể moi tiền, bòn rút tiền và giấu đi”, thường là thông qua việc sử dụng các công ty ẩn danh.
“Số tiền bị che giấu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn, đến việc tiếp cận giáo dục, y tế và nhà ở của con bạn”, Kumar cho biết.
Một số người có thể có lý do chính đáng để giữ tiền, tài sản ở nước ngoài, như nhằm đảm bảo an ninh cho cá nhân hoặc tránh các biến động chính trị. Tuy nhiên, nhiều người siêu giàu tìm cách lách luật bằng việc chuyển tiền ra nước ngoài hoặc thành lập công ty offshore tại các thiên đường thuế, dù phương thức này thường bị coi là phi đạo đức.
Việc sở hữu tài sản bí mật ở nước ngoài không phải bất hợp pháp, nhưng sử dụng mạng lưới phức tạp gồm các công ty bí mật để chuyển tiền và tài sản được coi là phương thức “rửa tiền” hoàn hảo. Nhiều chính trị gia từng bị lộ chuyện trốn thuế hoặc che giấu tài sản, đặc biệt sau các vụ rò rỉ gây chấn động trước đó, tương tự với Hồ sơ Panama năm 2016.
Hương Vũ (Theo The Guardian)